Sau nhiều đồn đoán từ giới quan sát và phê bình điện ảnh Mỹ, cuối cùng, đêm trao giải Quả cầu Vàng lần thứ 65 cũng được tuyên bố chính thức sẽ không diễn ra như dự kiến, đẩy mùa giải thưởng lớn nhất trong năm tại Hollywood đến bờ khủng hoảng.
Chỉ họp báo công bố giải thưởng!
Các đề cử giải thưởng Quả cầu Vàng đã được công bố. Đêm trao giải cũng dự kiến được truyền hình trực tiếp trên kênh NBC vào ngày 13/1. Tuy nhiên, năm nay, do cuộc đình công của Nghiệp đoàn các nhà biên kịch Mỹ (WGA), Ban Tổ chức giải buộc phải quyết định rút gọn quy mô đêm trao giải thành một cuộc họp báo công bố giải thưởng.
Ông Jorge Camara, Chủ tịch Hiệp hội báo chí nước ngoài Hollywood (HFPA), nhà tổ chức giải Quả cầu Vàng, buồn rầu nói: “Tất cả chúng tôi đều thất vọng khi một giải thưởng uy tín và có truyền thống như Quả cầu Vàng không thể diễn ra trong năm nay. Còn hàng triệu khán giả trên toàn thế giới cũng không có cơ hội chứng kiến những giây phút hạnh phúc nhất của các ngôi sao mình yêu thích. May mà chúng tôi còn được an ủi vì có thể công bố những cái tên vinh danh Quả cầu Vàng năm nay đúng ngày đã định”.
Thực tế, quyết định chỉ họp báo công bố giải thưởng của nhà tổ chức là giải pháp tình thế. Mặc dù mỗi đêm trao giải Quả cầu Vàng đem lại cho HFPA 5 triệu USD tiền bản quyền và thêm hàng triệu USD thu nhập từ quảng cáo cho kênh truyền hình NBC, song theo AP, các nhà tổ chức không dám đánh đu với nguy cơ bẽ mặt trên truyền hình khi lễ trao giải Quả cầu Vàng năm nay diễn ra không có kịch bản, không có các ngôi sao. Hiệp hội Diễn viên điện ảnh Mỹ (SAG) đã chính thức thông báo họ sẽ không bước qua đám đông các nhà biên kịch biểu tình trước lối vào nơi diễn ra lễ trao giải.
Kịch bản tồi tệ nhất đã được dự đoán
Ngay từ đầu tháng 1/2008 đã xuất hiện nhiều thông tin và dấu hiệu cho rằng lễ trao giải Quả cầu Vàng sẽ bị hoãn. Thảm đỏ đìu hiu, cánh phóng viên ảnh không có “sao” để chụp, các cuộc thương lượng dồn dập và không kết quả giữa HFPA và WGA…
Không chỉ đình công suốt từ ngày 5/11/2007 và cấm các thành viên viết kịch bản cho giải Quả cầu Vàng và cả Oscar, mà WGA còn huy động những hàng người biểu tình chặn cửa khách sạn Beverly Hill, địa điểm lễ trao giải diễn ra. Mặc cho HFPA xuống thang năn nỉ hôm 2/1, WGA vẫn thẳng thừng từ chối. Đại diện WGA cho biết dù rất tôn trọng HFPA, nhưng tuyên bố “chúng tôi đang tham gia cuộc đấu tranh quan trọng giúp bảo vệ thu nhập và quyền sở hữu trí tuệ của nhiều thế hệ biên kịch tương lai”.
Kịch bản càng trở nên trầm trọng hơn khi ngày 4/1 vừa qua, SAG gửi thư cho WGA thông báo tất cả diễn viên từ chối đến dự lễ trao giải và cam kết luôn sát cánh cùng các nhà biên kịch trong cuộc chiến đòi quyền lợi về vấn đề tiền tác quyền. Chủ tịch SAG Alan Rosenberg cho biết: “Có rất nhiều diễn viên lần đầu tiên được đề cử và họ muốn có mặt…, nhưng họ ủng hộ giới biên kịch”. Còn theo Reuters, nếu những diễn viên hạng A như Julia Roberts, Keira Knightley, Johnny Depp, Angelina Jolie, Denzel Washington… đã tuyên bố không đến lễ trao giải, đài truyền hình đương nhiên không thể phát sóng vì chính những siêu sao này là sức hút kéo công chúng đến với giải thưởng được đánh giá là “tiền Oscar” này. Năm ngoái, 12 triệu người trên toàn thế giới đã theo dõi lễ trao giải Quả cầu Vàng trên kênh NBC.
Quả thực, ngoài việc gây ảnh hưởng tới các xưởng phim, các kênh truyền hình Mỹ, cuộc đình công lớn nhất trong 20 năm qua của giới biên kịch nước này cũng đang khiến Hollywood lâm vào cuộc khủng hoảng trầm trọng. Sau Quả cầu Vàng, rất có thể lễ trao giải Oscar cũng sẽ bị tẩy chay nếu vấn đề tiền tác quyền của giới biên kịch vẫn chưa có hồi kết.
Hoàng Minh
(Theo People, Hollywood Reporter, AP)