📞

Phá vỡ rào cản về quan niệm phim tài liệu khoa học

Minh Hòa 10:00 | 15/06/2024
Nếu lĩnh vực “khoa giáo” hay phim tài liệu khoa học có thể mang đến cho người ta cảm giác khô khan, khuôn mẫu thì nhà báo Hồng Quảng tự đặt cho mình sứ mệnh làm cho nó trở nên hấp dẫn và phá vỡ những rào cản của quan niệm.
Đạo diễn, NSƯT, nhà báo Hồng Quảng (Trưởng phòng Khoa học môi trường - Đài THVN) đang tác nghiệp. (Ảnh: NVCC)

Cái tên ấy từ lâu đã trở nên quen thuộc với những khán giả của Ban Khoa giáo, Đài truyền hình Việt Nam. Tôi vẫn nhớ ấn tượng về Quảng từ khi còn ngồi chung lớp ở Khoa Báo chí (Đại học KHXH&NV). Anh bạn học trầm tính, luôn đứng top đầu về thành tích học tập, lúc nào cũng “vội vã vào lớp, vội vã ra đi” khiến thầy cô và bạn học quý mến bởi đức tính chăm chỉ, nói ít làm nhiều, đã nói là làm, chưa nói xong đã làm xong… của mình.

Lúc ấy, chẳng ai nghĩ rằng, anh sẽ dành cả sự nghiệp báo chí của mình để theo đuổi một lĩnh vực bình bình, khó mà nổi tiếng như “thế giới động vật”. Bẵng đi nhiều năm, tôi tình cờ gặp lại Hồng Quảng nhờ cái duyên trong công việc. Quảng vẫn vậy, nói ít làm nhiều và gặt hái được kha khá giải thưởng trong lĩnh vực mà anh theo đuổi.

Từ buổi sơ khai tìm đường…

Trong cuộc trò chuyện vừa mang tính chất trao đổi công việc, vừa hàn huyên với bạn đồng môn, tôi thấy ngạc nhiên vì người ít nói như Hồng Quảng lại có thể mở lòng nhiều đến vậy. Tất nhiên, đó là vì những câu hỏi của tôi “gãi đúng chỗ ngứa” của một kẻ yêu và đam mê nghề như anh. Hồng Quảng chia sẻ: “Từ thời còn ngồi trên ghế nhà trường, tôi đã rất thích xem các chương trình phim về “Thế giới động vật” phát sóng trên truyền hình.

Những thước phim đó vẫn ám ảnh và theo tôi đến tận bây giờ. Trước đó, phim tài liệu khoa học (TLKH) về thế giới động vật ở Việt Nam chủ yếu là khai thác phim nước ngoài do ít có điều kiện sản xuất trong nước. Tôi còn nhớ, bộ phim Rùa xanh ở Côn Đảo của đạo diễn Hoàng Lâm (sản xuất 2002) là phim đầu tiên do VTV làm hoàn chỉnh về dạng phim này. Sau đó, chúng tôi vừa làm vừa học hỏi để tìm hướng đi cho riêng mình”.

Đã là tìm đường thì thực sự lắm gian truân. Học ở trường đại học đã khó, học ở trường đời còn khó hơn nhiều. Nhất là trong lĩnh vực chưa mấy phổ biến, chưa có nhiều thí dụ trong nước để tham khảo. Vì thế, mỗi bước đi của Hồng Quảng và những đồng nghiệp của mình đều được trải đường bởi học phí và vô số lần rút kinh nghiệm. Thế rồi, trời không phụ lòng người, đãi cát mãi cũng thấy vàng.

Phim Khu hệ bướm Việt Nam là phim TLKH thứ hai mà Hồng Quảng sản xuất mang về một Huy chương vàng Liên hoan truyền hình toàn quốc và Cánh diều vàng Phim khoa học của Hội điện ảnh Việt Nam. Anh bảo: “Việc đoạt giải Cánh diều vàng là một bất ngờ với tôi và những người làm phim TLKH của VTV lúc bấy giờ. Đây là sự ghi nhận những nỗ lực của cả nhóm và khích lệ chúng tôi tiếp tục dấn thân với đam mê”.

Theo Hồng Quảng, việc liên tiếp giành giải thưởng các năm tiếp theo khẳng định hướng đi đúng của Phòng phim TLKH. “Về cơ bản thì cách nhìn nhận và đánh giá ở các thể loại phim Tài liệu và phim Khoa học của Liên hoan truyền hình toàn quốc và giải Cánh diều hoặc Bông sen đều có những điểm chung. Đó là phim phải hay, thông điệp rõ ràng, đề tài mới và hấp dẫn.... Tuy nhiên, theo tôi nghĩ, giải thưởng Liên hoan truyền hình toàn quốc thì Ban giám khảo đặt tính báo chí lên hàng đầu, còn các giải thưởng điện ảnh thì sẽ đặt nặng tính nghề nghiệp hơn (tính cinema)”.

Vượn Cao vít đực toàn thân màu đen và có chỏm mào trên đỉnh đầu. (Ảnh: Nguyễn Đức Thọ / Fauna & Flora)

…đến những nỗ lực và khát vọng mới

Trầm ngâm nhìn lại chặng đường đã đi qua, ánh mắt Hồng Quảng sáng lên khi xâu chuỗi được những điều đã tích lũy trong hành trang của mình. Anh bảo, qua mỗi liên hoan phim, anh và các đồng nghiệp lại có cơ hội tiếp xúc, giao lưu và học hỏi những đồng nghiệp khác trong khu vực.

“Mỗi nước có một nền văn hóa khác nhau nên có chăng tính khác biệt chỉ là văn hóa. Còn về phim tài liệu thì họ cũng có những điểm mạnh để chúng ta học hỏi và ta cũng có những điểm mạnh để họ học hỏi. Tóm lại, về phong cách và trình độ phim tài liệu giữa các nước Đông Nam Á không có khoảng cách quá xa”, anh nhận định.

Nhớ lại năm 2017, khi Ban Khoa giáo, Đài truyền hình Việt Nam quyết định chọn gửi phim Khúc biến tấu của côn trùng tham dự Liên hoan phim Việt Nam lần thứ 20 (giải Bông sen), anh tự hào khi bộ phim đã mang về giải Quay phim xuất sắc thể loại Phim khoa học. Anh nói: “Mảng đề tài về thiên nhiên hoang dã và biến đổi khí hậu vẫn sẽ là thế mạnh của phòng Khoa học môi trường và VTV2 trong những năm tới. Đây là những đề tài được người xem quan tâm và yêu thích. Để có những thước phim đẹp, những câu chuyện hấp dẫn về thế giới tự nhiên, đòi hỏi chúng tôi phải nỗ lực, sáng tạo hơn nữa”.

Có thể mọi người xem nhiều phim khoa học khô khan trước đây sẽ có những ấn tượng kém thiện cảm với thể loại này. Tuy nhiên, những người đam mê thế giới thiên nhiên lại có cách nghĩ khác. Hồng Quảng cho rằng, với bất kỳ thể loại phim nào thì sự sáng tạo cũng phải được người sản xuất đặt lên hàng đầu. Nếu một bộ phim hay một chương trình kém hấp dẫn thì họ sẽ lập tức chuyển kênh.

Đạo diễn, NSƯT, nhà báo Hồng Quảng ba lần vinh dự nhận giải Cánh diều vàng cho thể loại phim khoa học. (Ảnh: NVCC)

Hậu phương vững chắc

Đã làm báo thì dù ở lĩnh vực nào cũng sẽ phải đối mặt với những khó khăn, gian khổ đặc thù, cùng với đó là những kỷ niệm để đời. Những nhà báo ở Ban Khoa giáo cũng vậy. Hồng Quảng nhớ mãi câu chuyện cảm động khi anh cùng các đồng nghiệp đi quay loạt phim Linh trưởng đặc hữu Việt Nam.

“Hôm đó, trời mưa cả ngày. Đàn voọc mông trắng ở Khu bảo tồn Vân Long ướt lướt thướt và đói. Những con voọc mẹ ôm chặt con của mình trong lòng. Chúng lấy thân mình để che chở và ủ ấm cho con. Trông chúng giống như con người, tình cảm và yêu thương với tình mẫu tử thiêng liêng. Vậy tại sao con người lại săn bắt chúng? Tại sao một số người lại giết hại các loài vật? Hình ảnh mẹ voọc che chở cho con mình được chúng tôi đưa vào phim Một ngày với voọc mông trắng. Có lẽ, chính những cảm xúc mà chúng tôi chạm tới khi làm phim, cũng là những gì mà khán giả và Ban giám khảo cảm nhận. Điều đó đã mang đến cho chúng tôi giải Cánh Diều vàng cho phim Khoa học và giải Đạo diễn phim khoa học xuất sắc”, anh nhớ lại.

Lần khác, đoàn làm phim của nhà báo Hồng Quảng quay trong rừng Vườn quốc gia Kon Ka Kinh (tỉnh Gia Lai). Khi đoàn đang đi thì bắt gặp cảnh một khỉ mẹ nằm chết dưới đất (có lẽ đã bị bắn cách đó mấy tiếng) và ám ảnh là khỉ con yếu ớt vẫn đang ôm lấy mẹ để cố đánh thức mẹ nó khỏi giấc ngủ bất thường. Hồng Quảng nói: “Những hình ảnh này có lẽ là thông điệp mạnh nhất để thức tỉnh chúng ta”.

Đi nhiều, nhiều lần chứng kiến và cảm nhận sợi dây kết nối trong gia đình thế giới động vật mà mình khai thác, Hồng Quảng dành những phút trầm lắng khi nhắc đến gia đình của mình. Anh bảo, để bản thân có thể toàn tâm toàn ý theo đuổi đam mê nghề nghiệp và có được ngày hôm nay thì gia đình có vai trò đặc biệt quan trọng. Anh tâm sự: “Nhờ có hậu phương vững chắc ấy mà tôi mới yên tâm lăn lộn với nghề, để có thể mang đến cho khán giả những thước phim mà có thể lột tả hết sự đa dạng sinh học cũng như cuộc sống, trạng thái và tập tính của muôn loài”.

Nhìn ghi chú lịch làm việc của Hồng Quảng mà chóng mặt. Cuối tháng Năm, anh vừa có chuyến công tác 15 ngày tại Khu bảo tồn loài và sinh cảnh Vượn Cao Vít (Trùng Khánh, Cao Bằng) thì trước đó là 20 ngày làm việc tập trung tại Vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng. Từ nay đến cuối năm, anh cùng các đồng nghiệp sẽ liên tục có những chuyến công tác như vậy tại khu vực này với mục tiêu, đầu năm 2025 có thể mang đến cho khán giả hai loạt phim hấp dẫn.

Cuộc trò chuyện với Hồng Quảng diễn ra vội vàng như phong cách của anh từ ngày đi học, vội đến, vội đi. Chỉ có công việc vẫn là ưu tiên số một. Tôi biết, với dự định giới thiệu cho khán giả nhiều nhất có thể về vẻ đẹp và sự giàu có của thiên nhiên hoang dã Việt Nam thì anh bạn đồng môn của tôi lúc nào cũng sẽ vội vã như vậy và lịch làm việc của anh còn kín thêm nữa. Điều đó đúng như tâm niệm của anh khi làm nghề: “Thể loại phim TLKH cần sự dấn thân, tìm tòi và sáng tạo. Người làm phim TLKH phải luôn trong trạng thái sẵn sàng và đi tới tận cùng của câu chuyện, vì nhân vật, sự kiện hay tình huống không bao giờ chờ đợi chúng ta”.