📞

Phải chăng Hồ Xuân Hương đã có thơ về Vịnh Hạ Long?

10:00 | 04/09/2016
TGVN.Phải chăng Hồ Xuân Hương, tác giả của những bài thơ Hán thanh tao và bác học về Vịnh Hạ Long cũng chính là cô Hồ Xuân Hương của truyền thống dân gian với những bài thơ Nôm châm biếm, đáo để, dục tính?

Một bạn Việt kiều ở Mỹ thăm lại quê hương sau mấy chục năm ghi cảm tưởng về Vịnh Hạ Long: “Khi tiếp xúc với những chuyên viên du lịch Việt Nam, tôi thấy họ thường mơ tưởng, khát khao được tới những công viên của Mỹ như: Yellowstone, Yosemite, Grand Canyon, hoặc những nơi khác trên thế giới như: Vạn Lý Trường Thành, Camakura, hoặc các lâu đài ở Pháp, Anh…nhưng họ đâu có biết rằng họ sẽ thất vọng hoàn toàn khi được đến những nơi này vì chẳng có gì đáng để luyến tiếc cả. Những ai đã đi một lần rồi sẽ chẳng muốn đến thăm lần thứ hai. Còn riêng Vịnh Hạ Long, một khi đã đến thăm một lần rồi, ai cũng muốn trở lại một lần thứ hai hoặc một lần thứ ba”. (Trường Xuân-Văn nghệ Tiền Phong-576).

Nhận định trên đây hơi quá, phải chăng một phần cũng do tình gắn bó với quê hương? Dù sao thì thế giới cũng công nhận vẻ đẹp kỳ ảo của Vịnh Hạ Long khi UNESCO liệt cảnh quan này vào hàng di sản văn hóa thế giới. Mà thế giới cũng chỉ có một nơi khác là bờ biển Dalmatia thuộc Croatia có hiện tượng karst (hang động) ở bờ biển như Vịnh Hạ Long: nhiều dãy núi đá vôi bị chìm xuống biển do đất bị sụp, nước mưa thấm vào các lớp đá tạo nên những tảng có hình thù lạ lùng. Phim Pháp “Đông Dương” với minh tinh Catherine Deneuve đã trình bày ở nhiều nước những cảnh đẹp mê hồn của Vịnh Hạ Long.

Các cụ ta ngày xưa thường hay ngâm vịnh những cảnh đẹp, gửi tình cảm vào thiên nhiên. Vậy mà thơ cổ điển về Vịnh Hạ Long thật hiếm, có lẽ vì nơi này hiểm trở, đi lại khó khăn, xa nơi kinh tế văn hóa của cả nước là đồng bằng Bắc Bộ.

Thơ nổi tiếng nhất về Vịnh Hạ Long có mấy bài của vua Lê Thánh Tông (thế kỷ 15) và chúa Trịnh Cương (thế kỷ 18). Năm 1952, nhân làm sách Hán-Nôm ở Pháp, học giả Hoàng Xuân Hãn đã phát hiện ra trong mục “Quảng Yên” của cuốn sách chép tay “Đại Nam dư địa chí ước biên” năm bài thơ chữ Hán về Vịnh Hạ Long của Hồ Xuân Hương. Những bài thơ này miêu tả phong cảnh Vịnh Hạ Long khi thuyền len lỏi qua những núi đá mờ đậm. Non non nước nước, chim bay cá lặn, cảnh sắc huyền ảo dưới bóng chiều tà. Để cảm thông với hồn thơ một nữ thi sĩ vãng cảnh Hoa Phong (tên cũ Vịnh Hạ Long) cách đây gần hai trăm năm, xin trích một bài (nguyên văn chữ Hán, bản dịch của Hoàng Xuân Hãn):

Phiến phàm vô cấp độ Hoa Phong

(Lá buồm không vội vượt qua vùng Hoa Phong)

Triệu bích đan nhai xuất thủy trung.

(Vách đá đứng, sườn núi đỏ, giữa nước trỗi dựng lên).

Thủy thế mỗi tùy sơn diện chuyển

(Thế nước tùy chỗ theo núi mà biến chuyển).

Sơn hình tà khảo thủy môn thông

(Hình núi nghiêng mình, nép tựa cửa lạch, để nước thông qua).

Ngư long tạp xứ thư yên bạc,

(Cá rồng lẫn lộn, tăm khuất dưới từng hơi nước mỏng mùa thu).

Âu lộ tề phi nhật chiếu hồng

(Âu cò cùng bay trong ánh đỏ mặt trời chiều).

Ngọc động văn phòng tam bách lục

(Cõi tiên có ba trăm sáu động ngọc và phòng mây).

Bất tri thùy thị Thủy tinh cung

(Đây không biết chốn nào là cung Thủy tinh).

Phải chăng Hồ Xuân Hương, tác giả bài thơ Hán thanh tao và bác học này, cũng chính là cô Hồ Xuân Hương của truyền thống dân gian với những bài thơ Nôm châm biếm, đáo để, dục tính?

Dựa vào thư tịch cổ, ông Hoàng Xuân Hãn khẳng định đúng là thế. Và ông đã đưa ra chân dung một Hồ Xuân Hương trữ tình (qua tập Lưu Hương Ký) mà phần thơ giễu cợt làm lúc thiếu thời chỉ là một sắc thái.