Các đại biểu tham dự cuộc họp giai đoạn hành động chung 2023-2024 và cuộc họp thường niên của Nhóm làm việc về triệt phá các mạng lưới đưa người di cư trái phép, mua bán người trong khuôn khổ Tiến trình Bali. (Ảnh: Xuân Sơn) |
Trong khuôn khổ cuộc họp giai đoạn hành động chung 2023-2024 và cuộc họp thường niên của Nhóm làm việc về triệt phá các mạng lưới đưa người di cư trái phép, mua bán người trong khuôn khổ Tiến trình Bali về chống đưa người di cư trái phép, mua bán người và tội phạm xuyên quốc gia có liên quan diễn ra 3 ngày từ 16-18/7 tại Hà Nội, các đại biểu nhấn mạnh tầm quan trọng của hợp tác quốc tế trong bảo vệ người di cư, thúc đẩy Tiến trình Bali hiệu quả hơn, đồng thời thấy được những nỗ lực cụ thể của Việt Nam từ chính sách đến thực tiễn trong việc bảo vệ người di cư.
Tiến trình Bali được thành lập năm 2002, là tiến trình tham vấn khu vực tự nguyện và không ràng buộc với sự đồng chủ trì của các Chính phủ Australia và Indonesia, bao gồm hơn 45 quốc gia thành viên và tổ chức tham gia. Việt Nam tham gia Tiến trình Bali vào tháng 2/2002.
Trong số các tiến trình đa phương về di cư, Tiến trình Bali được thừa nhận là hình mẫu hợp tác khu vực thành công về phòng, chống đưa người di cư trái phép và mua bán người. Trong quá trình hình thành và phát triển, Tiến trình Bali đã thiết lập nhiều cơ chế hợp tác, làm việc, trong đó có Nhóm công tác (được thành lập năm 2009) nhằm xây dựng và thúc đẩy các biện pháp thực tiễn, góp phần tăng cường hợp tác giải quyết nạn đưa người di cư trái phép, mua bán người và tội phạm xuyên quốc gia.
Di cư là một sự lựa chọn
Tại cuộc họp, bà Phan Thị Minh Giang, Phó Cục trưởng Cục Lãnh sự, Bộ Ngoại giao đã chia sẻ cách tiếp cận về một chu trình di cư. Bà Giang nhấn mạnh, khi nhìn nhận di cư trong toàn bộ chu trình, có thể thấy sự dễ bị tổn thương có thể xảy ra ở bất kỳ giai đoạn nào của quá trình di cư. Vì vậy, để giảm thiểu tình trạng dễ bị tổn thương của người di cư và đảm bảo bảo vệ kịp thời các quyền của người di cư, điều quan trọng là phải hành động trong tất cả các giai đoạn.
Bà Giang nói: “Trước khi di cư, chúng ta cần khuyến khích di cư an toàn và có đầy đủ thông tin, và/hoặc ngăn chặn bạo lực, bóc lột hoặc lạm dụng người di cư bằng cách xác định các yếu tố thúc đẩy di cư và các yếu tố rủi ro có thể làm trầm trọng thêm tình trạng dễ bị tổn thương trong quá trình di cư và tìm kiếm giải pháp để giảm thiểu rủi ro”.
Theo Phó Cục trưởng Cục Lãnh sự, di cư là một sự lựa chọn chứ không phải là một điều cần thiết. Những người di cư tiềm năng cần phải chuẩn bị kỹ càng trước khi rời quê hương, biết điều gì đang chờ đợi họ, biết cách tự nhận diện rủi ro và tự bảo vệ mình trước những rủi ro.
Trong quá trình di cư, các biện pháp bảo vệ những người di cư dễ bị tổn thương là xác định, loại bỏ rủi ro và hỗ trợ kịp thời cho họ, đặc biệt trong các trường hợp khẩn cấp như đại dịch, thiên tai, bị mua bán.
Sau khi di cư, cần hỗ trợ tái hòa nhập bền vững cho người di cư để giải quyết mọi tổn thương phát sinh.
Mỗi quốc gia tham gia vào quá trình di cư có trách nhiệm ngăn chặn việc bóc lột người di cư vì điều này không chỉ gây tổn hại cho chính người di cư mà còn làm suy giảm uy tín, hình ảnh của đất nước.
Phó Cục trưởng Cục Lãnh sự Phan Thị Minh Giang phát biểu tại Cuộc họp. (Ảnh: Xuân Sơn) |
650.000 người lao động Việt Nam ở nước ngoài
Tại sự kiện, bà Giang đã chia sẻ bức tranh chung về di cư của Việt Nam cũng như những nỗ lực của Việt Nam trong việc phòng chống di cư trái phép và bảo vệ nhóm người dễ bị tổn thương trong quá trình di cư.
Ở Việt Nam hiện có nhiều loại hình di cư, trong đó, di cư lao động là loại hình chính. Tuy nhiên, riêng đối với loại hình này, có rất nhiều hình thức đi ra nước ngoài làm việc: thông qua doanh nghiệp dịch vụ, cá nhân, tổ chức đầu tư ra nước ngoài hoặc đi theo diện kết hợp lao động kỳ nghỉ. Bên cạnh đó, còn có một bộ phận người qua biên giới làm việc hoặc ở lại nước ngoài tìm việc làm sau các chuyến du lịch.
Hiện nay có khoảng 650.000 người lao động Việt Nam đang làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng tại 40 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới, lao động nữ chiếm hơn 30% đến 40%.
Chỉ riêng trong năm 2023 đã có 159.986 người (55.804 nữ) đi làm việc theo diện này. Những thị trường chính tiếp nhận lao động Việt Nam gồm Nhật Bản, Đài Loan (Trung Quốc) và Hàn Quốc. Ngoài ra, còn có một bộ phận lao động tự phát ở khu vực biên giới hoặc ở nước ngoài theo đường du lịch. Lượng kiều hối do người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài chuyển về trong nước hằng năm ước đạt khoảng 4 tỷ USD.
Phó Cục trưởng Cục Lãnh sự Phan Thị Minh Giang cho biết, trong quá trình làm việc ở nước ngoài, người lao động Việt Nam có thể gặp nhiều khó khăn, nguy cơ khác nhau, tùy theo từng hình thức đi làm việc ở nước ngoài và loại hình công việc.
Đặc biệt, tình trạng công dân bị lừa đi làm việc tại các cơ sở lừa đảo trực tuyến trong khu vực Đông Nam Á nhằm mục đích ép buộc thực hiện hành vi vi phạm pháp luật diễn ra trong thời gian qua cho thấy những nguy cơ đó đã trở thành vấn đề hết sức nhức nhối. Quyền và lợi ích chính đáng của công dân bị xâm phạm nghiêm trọng, nhiều người trong số họ trở thành nạn nhân của các loại tội phạm, nhất là tội phạm mạng, hoặc trở thành nạn nhân bị mua bán.
Theo tổng hợp sơ bộ của Cục Lãnh sự, Bộ Ngoại giao, từ năm 2021 đến nay, có khoảng 4.000 công dân được các Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài giải cứu, hỗ trợ và đưa về nước; một số trường hợp được xác định là nạn nhân bị mua bán.
Hiện nay có khoảng 650.000 người lao động Việt Nam đang làm việc ở nước ngoài. (Nguồn: VGP) |
Bảo vệ, tôn trọng người di cư
Về những nỗ lực của Việt Nam trong việc ngăn ngừa bóc lột và bảo vệ người di cư, Phó Cục trưởng Cục Lãnh sự cho biết, thời gian qua, Việt Nam đã có nhiều nỗ lực trong việc tăng cường công tác quản lý di cư và bảo hộ công dân Việt Nam di cư ra nước ngoài, bao gồm ngăn ngừa việc bóc lột người di cư.
Cụ thể, thứ nhất, Việt Nam xây dựng và triển khai Kế hoạch Thỏa thuận toàn cầu về Di cư hợp pháp, an toàn và trật tự của Liên hợp quốc (Thỏa thuận GCM). Ngày 20/3/2020, Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định số 402/QĐ-TTg ban hành Kế hoạch triển khai Thỏa thuận GCM.
Kế hoạch nhằm tạo môi trường di cư minh bạch, dễ tiếp cận, tôn trọng nhân phẩm của người di cư, bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của họ, đặc biệt là các nhóm đặc thù, phụ nữ và trẻ em.
Thứ hai, Việt Nam xây dựng và ban hành Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng năm 2020.
Việt Nam thông qua Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng vào ngày 13/11/2020, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1/1/2022, thay thế Luật số 72/2006/QH11 ngày 29/11/2006.
Luật đã bổ sung các hành vi bị nghiêm cấm gồm: lôi kéo, dụ dỗ, hứa hẹn, quảng cáo, cung cấp thông tin gian dối hoặc dùng thủ đoạn khác để lừa đảo người lao động; lợi dụng hoạt động đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài để tổ chức xuất cảnh trái phép, mua bán người, bóc lột, cưỡng bức lao động hoặc thực hiện hành vi khác trái pháp luật; nghiêm cấm phân biệt đối xử; xúc phạm danh dự, nhân phẩm của người lao động…
Bên cạnh đó, để chủ động bảo vệ quyền của người lao động, Luật quy định công dân Việt Nam giao kết hợp đồng lao động sau khi xuất cảnh có thể đăng ký trực tuyến với cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền của Việt Nam để được hỗ trợ khi có vấn đề phát sinh trong quan hệ lao động ở nước ngoài và hưởng quyền lợi từ Quỹ Hỗ trợ việc làm ngoài nước.
Người lao động khi bị ngược đãi, đe dọa cũng được quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng; được tư vấn và hỗ trợ tạo việc làm, khởi nghiệp sau khi về nước và tiếp cận các dịch vụ tư vấn tâm lý xã hội tự nguyện.
Thứ ba, Việt Nam đang xây dựng Luật Phòng, chống mua bán người (sửa đổi) với 3 nhóm giải pháp chính: hoàn thiện quy định về căn cứ xác định nạn nhân; quy định chế độ hỗ trợ người đang trong quá trình xác định nạn nhân; nâng cao chế độ, chính sách hỗ trợ và bảo vệ nạn nhân.
Luật Phòng, chống mua bán người (sửa đổi) là một bước phát triển trong hoạt động lập pháp của Việt Nam nói chung và trong lĩnh vực phòng, chống mua bán người nói riêng, tạo cơ sở pháp lý thuận lợi cho các cơ quan chức năng trong đấu tranh phòng, chống mua bán người.
Để giảm thiểu tính dễ bị tổn thương của người di cư, theo Phó Cục trưởng Cục Lãnh sự Phan Thị Minh Giang, các quốc gia cần: Rà soát các chính sách và thực tiễn để đảm bảo không tạo ra hay làm trầm trọng hơn tính dễ bị tổn thương của người di cư; tăng cường hợp tác để cung cấp cho người di cư trong những tình huống dễ bị tổn thương, bất kể tình trạng di cư của họ, đặc biệt đối với phụ nữ, trẻ em, người già, nạn nhân bị mua bán; áp dụng các biện pháp hỗ trợ đối với người di cư trong tình huống khủng hoảng.
Hội nghị rà soát tình hình triển khai thỏa thuận toàn cầu về di cư hợp pháp, an toàn và trật tự tháng 12/2023. (Ảnh: Quang Hòa) |
Hợp tác là chìa khóa
Trong khuôn khổ Hội nghị, Đại sứ New Zealand tại Việt Nam Beresford đánh giá cao những nỗ lực của Việt Nam trong việc ngăn ngừa bóc lột và bảo vệ người di cư, cũng như sự tích cực của Việt Nam trong hợp tác quốc tế về lĩnh vực này. Đồng thời, Đại sứ khẳng định sẵn sàng hợp tác với Việt Nam để xây dựng cũng như thực hiện các chiến lược ứng phó với di cư bất hợp pháp, buôn người.
Là người trực tiếp tham gia các hoạt động hợp tác giữa New Zealand và Việt Nam trong lĩnh vực di cư trong suốt 12 tháng qua, ông Ben Quinn, sĩ quan liên lạc về di cư trái phép của Cơ quan Quản lý xuất nhập cảnh New Zealand chia sẻ với phóng viên báo chí bên lề hội nghị những ấn tượng của ông trong nỗ lực chống di cư trái phép và buôn bán người của Việt Nam.
Ông Ben Quinn nhấn mạnh: “Chúng tôi rất hài lòng với cách New Zealand và Việt Nam hợp tác trong 12 tháng qua để chống lại tình trạng di cư bất hợp pháp và buôn bán người”.
Bày tỏ ấn tượng về những bước đi mà Việt Nam đã thực hiện để ứng phó với tình trạng di cư bất hợp pháp, ông đồng thời hy vọng sự hợp tác giữa hai nước sẽ góp phần vào giải quyết bài toán chung về di cư.
Đại diện Cơ quan Quản lý xuất nhập cảnh New Zealand khẳng định tầm quan trọng của việc chia sẻ thông tin, hợp tác song phương và đa phương trong việc triệt phá các mạng lưới đưa người di cư trái phép, mua bán người và tội phạm xuyên quốc gia.
Ông nói: “Hợp tác giữa các quốc gia có ý nghĩa quan trọng trong việc chống lại tình trạng di cư trái phép và buôn bán người. Các quốc gia không thể đơn độc chống lại những tội ác này khi sự di chuyển của người dân mang tính quốc tế”.
Trong khuôn khổ cuộc họp, ông Carl Knight, Cơ quan Quản lý xuất nhập cảnh New Zealand chia sẻ một số thực tiễn về những người Việt Nam lao động tại New Zeland. Theo ông, người lao động Việt Nam tại New Zealand đang gặp phải một số vấn đề nghiêm trọng như nợ nần, bị lừa đảo, bóc lột lao động, trong đó có nhiều phụ nữ và trẻ em. Hiện nay, chính quyền New Zealand đã và đang có những cách tiếp cận thông qua chính sách và truyền thông để bảo vệ người di cư, tuyên truyền để người di cư nhận thức được các loại hình tội phạm xuyên quốc gia…
Hợp tác song phương, đa phương, đưa ra chiến lược, khung khẩu hiệu chung, thúc đẩy Tiến trình Bali mạnh hơn, hiệu quả hơn… là những điểm chính được các đại biểu nhấn mạnh trong các tham luận tại cuộc họp nhằm chung tay giải quyết bài toán di cư nan giải, phức tạp xuyên biên giới, tạo ra một không gian an toàn, an ninh cho phát triển bền vững.
| Hiệp ước di cư và tị nạn mới của châu Âu Khi cuộc bầu cử vào tháng 6/2024 đang đến gần thì việc Nghị viện châu Âu thông qua một thỏa thuận của 27 quốc gia ... |
| Cuba công bố Dự thảo Luật Di cư, Nhập cư và Quốc tịch Dự luật sẽ được đưa ra thảo luận để thông qua trong phiên họp thường kỳ của Quốc hội Cuba ngày 17/7 tới đây. |
| Việt Nam củng cố bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của người di cư và ngăn chặn mua bán người Chiều ngày 4/7, tại họp báo thường kỳ, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Phạm Thu Hằng thông tin phản ứng của Việt Nam về ... |
| ‘Tấm khiên’ di cư an toàn bảo vệ công dân Việt Nam Trong bối cảnh số lượng người di cư lao động ngày càng gia tăng, Việt Nam đang nỗ lực triển khai nhiều biện pháp nhằm ... |
| Ngân hàng Thế giới: Di cư và kiều hối là động lực thiết yếu cho sự phát triển kinh tế và con người Ngân hàng Thế giới dự đoán lượng kiều hối đến các quốc gia có thu nhập thấp và trung bình sẽ tăng với tốc độ ... |