Theo đánh giá của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị về phòng chống tham nhũng vừa qua: “Công tác phòng, chống tham nhũng được chỉ đạo thực hiện ráo riết, quyết liệt, đạt nhiều kết quả tích cực, được nhân dân đồng tình, ủng hộ; các tổ chức quốc tế ghi nhận, đánh giá tích cực”.
Có thể nói, kết quả chống tham nhũng thời gian qua đã được công khai. Chúng ta không chỉ xử lý cán bộ mà còn thu hồi được tài sản tham nhũng; không chỉ chống tham nhũng tài sản mà còn chống tham nhũng quyền lực, học hàm…
Đại biểu Quốc hội Lưu Bình Nhưỡng (Ủy viên Thường trực Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội). |
Mặc dù công tác phòng chống tham nhũng đã có kết quả rõ rệt nhưng so với yêu cầu và kỳ vọng của nhân dân, cử tri cả nước dường như vẫn chưa khớp. Còn nhiều vụ việc tham nhũng chưa được mổ xẻ, nhiều “ung nhọt” vẫn tồn tại.
Báo chí, người dân có nhiều đơn thư phản ánh, tố cáo nhưng việc xử lý chưa nhạy bén. Cùng với đó, tính công khai trong công tác phòng chống tham nhũng chưa cao. Cử tri phản ánh rằng, họ còn chưa được thông tin đầy đủ, rõ ràng về tình trạng và hành vi tham nhũng. Vì thế, tính thuyết phục còn hạn chế, người dân có điểm vẫn nghi ngờ rằng, việc chống tham nhũng còn phụ thuộc vào quan điểm, thẩm quyền, ý muốn của người có trách nhiệm, thậm chí muốn thì làm không muốn thì để đó. Đặc biệt, có cử tri còn chất vấn rằng, tại sao “sờ vào đâu cũng thấy tham nhũng?”.
Thiết nghĩ, muốn tạo phong trào phải làm tốt các khâu từ lập chương trình, kế hoạch. Cần tổ chức phát động rộng rãi, tuyên truyền mạnh mẽ cả bề rộng lẫn chiều sâu. Đồng thời, trang bị cho người dân kiến thức về tham nhũng, biện pháp phát hiện, phản ánh, tố cáo hành vi tham nhũng; đẩy mạnh công khai, dân chủ trong mọi mặt đời sống xã hội. Chúng ta cần coi phòng chống tham nhũng là “giặc nội xâm” là kẻ thù nhằm huy động tổng lực sức mạnh đoàn kết dân tộc.
Khi nhận được tín hiệu qua phản ánh, tố cáo, phải tiến hành xử lý thông tin, xử lý cán bộ tham nhũng ngay. Xử lý nghiêm, loại trừ khỏi bộ máy cán bộ tham nhũng, không thực hiện kiểu “giơ cao đánh khẽ”, “đánh rắn giữa khúc”, hay cho nghỉ “vì lý do sức khỏe”.
Hơn hết, phải kiện toàn mạnh mẽ cơ quan phòng chống tham nhũng, cần xử lý thật nặng người đứng đầu. Nghiên cứu cơ chế để nhân dân trực tiếp bầu, trực tiếp bãi miễn lãnh đạo để lựa chọn người tài, đức tham gia bộ máy lãnh đạo. Xét cho cùng, công tác cán bộ phải được quan tâm hàng đầu, vừa rà soát, đánh giá cán bộ hiện nay, vừa đào tạo, bồi dưỡng chuẩn bị đội ngũ cán bộ cho mai sau theo định hướng tư tưởng và nhân cách vì dân.
Nhìn ra thế giới, có thể nói, Singapore là quốc gia đứng đầu về sự trong sạch cả về môi trường và tham nhũng. Cuộc chiến chống tham nhũng của họ được tiến hành từ những năm 1960, với nhiều giải pháp và hành động quyết liệt nhằm tạo môi trường trong sạch, tin cậy cho các nhà đầu tư; chống thất thoát tài sản của Nhà nước. Công chức tham nhũng sẽ bị xử lý triệt để cả về hình phạt và cắt mọi quyền lợi, dù trốn đi nước khác vẫn bị xử lý. Thái độ chống tham nhũng của họ được cả thế giới kính nể, lấy làm kinh nghiệm. Trong đó, kinh nghiệm có tính “cốt tử” là đội ngũ công chức lãnh đạo được tạo ra rất trong sạch, gương mẫu.
Công cuộc phòng chống tham nhũng của nước ta mới đi vào thực chất và quyết liệt trong thời gian gần đây. Hành vi tham nhũng ngày càng tinh vi, có gốc rễ, bám rất sâu, rất chặt ở mọi lĩnh vực. Bản thân các quy định về phòng chống tham nhũng ra đời từ năm 2005 chưa thực sự hiệu quả, đang được xem xét sửa đổi để đáp ứng yêu cầu phòng chống tham nhũng trong tình hình mới. Vì vậy, việc học tập kinh nghiệm các nước, trong đó có Singapore là hết sức cần thiết.
Lưu Bình Nhưỡng
ĐBQH, Ủy viên Thường trực Ủy ban
Các vấn đề xã hội của Quốc hội