Cuộc bầu cử tổng thống năm nay đặc biệt hiếm thấy trong lịch sử nước Mỹ. Dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do virus corona gây ra (Covid-19) đã làm thay đổi cơ bản cách thức vận động tranh cử. Nước Mỹ không bị sôi sục bởi cách thức vận động tranh cử truyền thống lâu nay cho dù mức độ chống đối lẫn nhau giữa các phe phái chính trị thậm chí còn quyết liệt và không khoan nhượng lẫn nhau hơn.
Kết cục cuối cùng của các cuộc bầu cử tổng thống thường phụ thuộc vào hai nhân tố. (Nguồn: Import.io) |
Bất định từ thăm dò dư luận…
Cuộc vận động tranh cử của cả hai ứng cử viên tổng thống của đảng Cộng hoà, Tổng thống đương nhiệm Donald Trump, và của đảng Dân chủ, cựu Phó Tổng thống Joe Biden, càng tẻ nhạt và đơn điệu bao nhiêu thì kết quả bầu cử lại càng khó dự đoán được bấy nhiều.
Do ở cuộc bầu cử tổng thống Mỹ cách đây 4 năm, ông Trump đắc cử trong khi gần như mọi dự báo ở Mỹ đều cho rằng và tin rằng bà Hillary Clinton không những chỉ chắc chắn đắc cử và còn thắng cử vang dội nên năm nay ai ai cũng thận trọng với dự liệu về kết quả bầu cử tổng thống. Trong mọi kết quả thăm dò dư luận suốt thời gian dài, ông Biden luôn bỏ xa ông Trump về mức độ tín nhiệm của cử tri, kể cả cho đến tận thời điểm hiện tại, tức là sau cuộc tranh luận trực tiếp đầu tiên trên truyền hình giữa ông Trump và ông Biden, nhưng đâu có nhiều người dám quả quyết chắc chắn là ông Biden sẽ đắc cử tổng thống Mỹ năm nay.
Không những chỉ có kết quả cuộc bầu cử tổng thống này mà còn cả nước Mỹ sau cuộc bầu cử ấy rồi sẽ như thế nào là những điều bất định hiện tại. Hệ thống bầu cử ở Mỹ đặc biệt trên nhiều phương diện khiến cho không loại trừ kịch bản không phải cử tri mà toà án rồi đưa ra quyết định cuối cùng về kết quả bầu cử tổng thống, không phải đa số phiếu bầu phổ thông quyết định mà đa số đại cử tri quyết định ứng cử viên nào đắc cử tổng thống.
Chẳng hạn như nhờ phán quyết của toà án tối cao Mỹ mà trong cuộc bầu cử tổng thống năm 2000 ở đất nước này, 574 cử tri tại bang Florida đã quyết định ai đắc cử tổng thống mới. Một khi phía tư pháp nhảy vào cuộc phân định thắng thua trong bầu cử thì bản chất vụ việc không còn chỉ có liên quan đến tính minh bạch và công bằng của bầu cử mà còn là chuyện mưu tính và dàn xếp quyền lực chính trị.
Toà án tối cao Mỹ có 9 thành viên thì hiện tại đã có đa số 5/3 thuận cho phe của ông Trump và đảng Cộng hoà. Với việc ông Trump đề cử bà Amy Coney Barrett thay bà Ruth Bader Ginsburg, phe này thậm chí còn có thể gia tăng đa số ấy lên thành 6/3. Ông Trump và phe đảng Cộng hoà đã chuẩn bị sẵn sàng cho cuộc chiến pháp lý để giành thắng cử trong trường hợp bị thất cử ở ngày bầu cử tổng thống 3/11 tới.
Hai nhân tố quyết định kết quả
Trong chuyện bầu cử tổng thống ở nước Mỹ xưa nay về cơ bản luôn có tình trạng phe này hay phái kia nắm chắc được sự ủng hộ của cử tri ở một số bang nhất định nhưng chỉ với sự ủng hộ của cử tri ở những bang này không thôi thì không ứng cử viên thuộc bên nào có thể đắc cử. Vì thế, kết cục cuối cùng của các cuộc bầu cử tổng thống thường phụ thuộc vào hai nhân tố là tỷ lệ cử tri tham gia bầu cử và kết quả bầu cử ở 5-6 bang luôn chao đảo giữa các phe phái chính trị khác nhau.
Tỷ lệ cử tri đi bầu cử càng cao thì càng có lợi cho phe đảng Dân chủ. Điều này lý giải vì sao phe đảng Dân chủ tập trung vận động và khích lệ cử tri Mỹ tham gia bầu cử cũng như ủng hộ việc tiến hành bỏ phiếu bầu gửi qua bưu điện trong bối cảnh tình hình dịch bệnh tiếp tục hoành hành dữ dội ở nước Mỹ. Số liệu thống kê cho thấy diện cử tri ủng hộ đảng Dân chủ nhưng thường không đi bỏ phiếu lớn và đông hơn rất nhiều diện cử tri ủng hộ phía đảng Cộng hoà nhưng thường không đi bỏ phiếu. Cũng vì thế mà ông Trump kịch liệt phê phán và chống đối hình thức bầu cử bằng cách bỏ phiếu bầu gửi qua bưu điện, công khai ủng hộ những lực lượng bán vũ trang người da trắng ở Mỹ, khuấy động nỗi sợ hãi và lo ngại chung ở Mỹ về bạo lực và hỗn loạn, sử dụng cả cảnh sát lẫn quân đội và lực lượng Cận vệ quốc gia để tạo cảm giác thị uy khiến những cử tri là người da mầu, gốc xuất thân nước ngoài, ở vùng nông thôn - thường đi bầu cử thì sẽ bỏ phiếu cho phía đảng Dân chủ - ngần ngại tham gia bầu cử. Năm 1968, Richard Nixon và đảng Cộng hoà đã vận dụng rất thành công chiêu thức này. Chiến lược ấy được họ đặt cho tên gọi chính thức là "Southern Strategy".
Những bang thuộc diện luôn chao đảo giữa các phe phái chính trị kia luôn được các phe tranh giành quyết liệt. Chính những bang này tạo ra tình trạng không phải đa số phiếu bầu phổ thông mà đa số đại cử tri - được cử ra từ kết quả bầu cử ở các bang theo tỷ lệ nhất định - quyết định ai đắc cử và ai thất cử. Nhờ mấy bang này mà ông Trump đã đắc cử tổng thống cách đây 4 năm. Ở lần bầu cử tổng thống năm nay rồi cũng sẽ lại như vậy.
Xoay chuyển tình thế ra sao?
Tình thế hiện tại bất lợi đối với ông Trump và thuận lợi đối với ông Biden. Nhưng thời gian gần 3 tuần tới tuy ngắn nhưng cũng vẫn đủ để ông Trump xoay chuyển tình thế nếu có được chiến lược vận động tranh cử đúng đắn và sách lược vận động tranh cử thích hợp.
Nếu ông Trump đắc cử thì nước Mỹ chỉ bất định trên phương diện chương trình cầm quyền của ông Trump trong nhiệm kỳ tới. Đấy sẽ là nhiệm kỳ cầm quyền cuối cùng của ông Trump nên người này không còn phải lo ngại gì nữa về chuyện tái ứng cử. Trên thực tế, ông Trump hiện chẳng khác gì ở trong tình thế thật sự chẳng còn gì để mất nên vừa phải chạy đua với thời gian vừa phải tung ra hết mọi chiêu thức hiện còn có thể sử dụng được để kịp xoay chuyển tình thế.
Nếu kết quả bầu cử ngày 3/11 tới là thắng cử của ông Biden với tỷ lệ số đại cử tri chênh lệch sát sao thì ông Trump sẽ phát động cuộc chiến pháp lý sau bầu cử. Nhưng nếu ông Biden thắng cử một cách thuyết phục thì đa số thuận trong toà án tối cao sẽ không giúp được ông Trump trong cuộc chiến pháp lý về tính hợp pháp, hợp hiến của kết quả cuộc bầu cử tổng thống.
Chính trường và nội bộ xã hội nước Mỹ trong mọi kịch bản đều tiếp tục phân rẽ và thái cực hoá sâu sắc với mức độ diễn biến hiện không thể dự liệu hết được.