Binh sĩ Thụy Điển tham gia tập trận trên đảo Gotland, ngày 17/5/2022. (Nguồn: Getty) |
Phát biểu trước khi diễn ra cuộc hội đàm với Thủ tướng Thụy Điển Ulf Kristersson tại Paris, ngày 3/1, ông Macron cho biết: "Chúng tôi sẽ thảo luận về quá trình Thụy Điển gia nhập NATO, điều mà tôi hy vọng sẽ diễn ra sớm nhất có thể, giống như tiến trình gia nhập liên minh của Phần Lan. Phần Lan có thể tin tưởng vào sự đoàn kết và hỗ trợ của Pháp".
Trước đó, ngày 18/5/2022, Stockholm và Helsinki đã đệ trình đơn xin gia nhập lên Tổng thư ký NATO, trong bối cảnh đang diễn ra chiến dịch quân sự của Nga ở Ukraine. Cho đến nay, các đơn xin gia nhập NATO của hai quốc gia Bắc Âu vẫn chưa được Hungary và Thổ Nhĩ Kỳ, 2/30 quốc gia thành viên phê chuẩn.
Ngày 3/1, Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ Mevlut Cavusoglu trả lời báo giới rằng, chẳng có "áp lực thời gian" nào cho việc Thụy Điển và Phần Lan gia nhập NATO.
Ông Cavusoglu nhắc lại, Ankara sẽ chấp nhận việc thực hiện quy trình thành viên của hai bên khi các bước thích hợp được thực hiện và "các cam kết được thực hiện".
Nhà lãnh đạo Thổ Nhĩ Kỳ nhấn mạnh rằng nước này đã "có một cử chỉ và cho phép bắt đầu quá trình đàm phán tư cách thành viên sau khi ký kết thỏa thuận ba bên" và giờ đến lượt Stockholm, Helsinki tuân theo yêu cầu.
Ngược lại, cuộc thăm dò gần đây cho thấy hầu hết người Thụy Điển tin rằng đất nước của họ nên tiếp tục tuân thủ luật pháp khi đối mặt với yêu cầu của Thổ Nhĩ Kỳ ngay cả khi điều đó có nghĩa là trì hoãn tư cách thành viên NATO.
Trước đó, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan đã phản đối việc Thụy Điển và Phần Lan gia nhập NATO, coi hai quốc gia Bắc Âu này là "nhà trọ cho các tổ chức khủng bố".
Tháng trước, Tòa án Tối cao Thụy Điển đã ra phán quyết bác bỏ việc dẫn độ một nhà báo Thổ Nhĩ Kỳ lưu vong, đi ngược lại một trong những yêu cầu chính của Ankara về việc gia nhập NATO của Stockholm.