📞

Phát động cuộc thi “Tìm hiểu lịch sử quan hệ đặc biệt Việt Nam – Lào năm 2017”

06:12 | 19/04/2017
Ngày 18/4, tại Hà Nội, Ban Tuyên giáo Trung ương đã phát động cuộc thi “Tìm hiểu lịch sử quan hệ đặc biệt Việt Nam - Lào” nhằm hưởng ứng “Năm Đoàn kết Hữu nghị Việt Nam – Lào 2017”, 55 năm thiết lập quan hệ ngoại giao (1962 –2017) và 40 năm ký Hiệp ước hữu nghị và hợp tác Việt Nam - Lào (1977 –2017).

Ông Phạm Văn Linh - Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương, Trưởng Ban Chỉ đạo cuộc thi nhấn mạnh, Cuộc thi được tổ chức nhằm đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục truyền thống cách mạng, nhất là cho thế hệ trẻ của hai nước về quan hệ hữu nghị đặc biệt Việt Nam - Lào, Lào - Việt Nam trong quá trình đấu tranh chống lại kẻ thù chung, giải phóng dân tộc và xây dựng đất nước phát triển.

Không chỉ giúp phát huy giá trị tốt đẹp của công trình “Lịch sử quan hệ đặc biệt Việt Nam - Lào, Lào - Việt Nam 1930 -2007” (xuất bản năm 2011) và công trình bổ sung đến năm 2017, Cuộc thi còn góp phần vun đắp ngày càng tốt đẹp hơn tình cảm của hai dân tộc anh em, đồng thời đấu tranh phản bác những luận điệu xuyên tạc, bóp méo lịch sử, gây chia rẽ tình đoàn kết hữu nghị đặc biệt Việt Nam - Lào.

Ông Phạm Văn Linh phát biểu tại buổi họp báo. (Ảnh: T.T)

Đây là lần thứ hai Ban Tuyên giáo Trung ương phát động Cuộc thi đầy ý nghĩa này. Cuộc thi được tổ chức lần đầu vào năm 2012 đã thu hút sự tham gia của đông đảo các tầng lớp nhân dân, với hàng triệu lượt người tham gia thi trắc nghiệm và trên 3 triệu bài thi viết sâu sắc, lắng đọng và tâm huyết.

Theo ông Phạm Văn Linh, trong bối cảnh toàn cầu hóa hiện nay, sự nghiệp đổi mới, mở cửa, hội nhập quốc tế mà nhân dân hai nước Việt Nam và Lào đang tiến hành đã tạo ra những xung lực mới, đồng thời đặt ra những yêu cầu khách quan về gia tăng mối quan hệ đặc biệt giữa Việt Nam và Lào với những phương thức và những nội dung mới.

Đại diện Bộ Ngoại giao tham dự họp báo phát động, Đại sứ Phạm Sanh Châu – Trợ lý Bộ trưởng Bộ Ngoại giao cũng cho rằng, Việt Nam hiện có quan hệ ngoại giao với 178 nước, nhưng chưa có mối quan hệ nào đặc biệt như với Lào. Trợ lý Bộ trưởng mong muốn, Cuộc thi sẽ nhận được sự tham gia tích cực của các cơ quan hữu quan, sự hưởng ứng nhiệt tình của người đân, đặc biệt là sự tham gia sổi nổi của giới trẻ - thế hệ tương lai của mối quan hệ Lào – Việt được coi là tài sản vô giá này.

“Tìm hiểu lịch sử quan hệ đặc biệt Việt Nam – Lào năm 2017” tập trung vào chặng đường 55 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa hai nước (1962 – 2017), với những bước phát triển mới mạnh mẽ và sâu sắc, thắm đượm tình cảm giữa hai dân tộc Việt – Lào anh em - minh chứng của tình đoàn kết đặc biệt, trong sáng, mẫu mực, thủy chung. Cuộc thi được tổ chức theo hình thức: thi trắc nghiệm hằng tuần trêm các cơ quan báo chí điện tử phối hợp và thi viết theo các nội dung chủ đề do Ban tổ chức công bố.

Đại sứ Phạm Sanh Châu chia sẻ về Cuộc thi. (Ảnh: T.T)

Đặc biệt, tất cả công dân Việt Nam và người nước ngoài đều có quyền tham gia dự thi, không phân biệt lứa tuổi, thành phần, tôn giáo. Ban Tổ chức khuyến khích các đối tượng tham gia dự thi là kiều bào hai nước Việt Nam và Lào đang sinh sống, lao động và học tập ở nước ngoài, bạn bè quốc tế tham gia dự thi. Mỗi cá nhân được tham gia thi cả hai hình thức và không hạn chế số bài tham gia.

Với hình thức thi trắc nghiệm, mỗi tuần, Ban Tổ chức Cuộc thi đưa ra 3 câu hỏi  với các phương án trả lời trắc nghiệm có sẵn. Người dự thi truy cập vào chuyên trang Cuộc thi Tìm hiểu lịch sử quan hệ đặc biệt Việt Nam – Lào của một trong các trang báo điện tử: Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam, Báo Nhân dân, Báo Quân đội Nhân dân, Tạp chí Tuyên giáo điện tử, Báo Tiền Phong, Báo Thanh Niên và Báo Tuổi trẻ để thi. Kết quả thi trắc nghiệm sẽ được cập nhật vào tuần cuối hàng tháng trên trang báo điện tử này và Ban Tổ chức sẽ tổ chức trao giải thưởng cho những người đoạt giải trong các cuộc thi trắc nghiệm tuần vào các quý.

Với hình thức thi viết, bài tham gia dự thi là các tác phẩm chưa được công bố ở bất kỳ báo, tạp chí, sách... và phải chuyển tải được một trong các chủ đề gợi ý viết của Ban Tổ chức. Bài dự thi có thể viết tay hoặc đánh máy, với dung lượng tối đa 5.000 từ, có thể sử dụng ảnh để minh họa (ghi rõ nguồn, tên tác giả của ảnh).

Về giải thi trắc nghiệm, mỗi tuần có 33 giải thưởng, bao gồm: 1 giải Nhất; 1 giải Nhì; 1 giải Ba. Đối với giải thi viết, giải cá nhân sẽ có 28 giải (1 giải Nhất; 3 giải Nhì; 5 giải Ba; 20 giải khuyến khích) và giải tập thể có 28 giải (1 giải Nhất; 3 giải Nhì; 5 giải Ba; 20 giải khuyến khích). Lễ tổng kết và trao giải cuộc thi dự kiến tổ chức vào tháng 12/2017.