Tuyển tập “Lục bát mỗi ngày” dày 1.248 trang sách khổ lớn, nội dung tác phẩm được chia làm 3 phần. (Nguồn: Tạp chí Môi trường và Đô thị) |
Tuyển tập Lục bát mỗi ngày do NXB Văn học ấn hành năm 2021. Ấn phẩm dày 1.248 trang khổ lớn. Là sản phẩm làm việc online của thời giãn cách xã hội phòng chống Covid-19, ngoài sách giấy Lục bát mỗi ngày còn có bản định dạng pdf 4 màu.
Phần thứ nhất, tái bản tập lục bát và lời bình Học quên để nhớ. Cách đây 20 năm, khi còn làm việc tại báo An ninh Thế giới, nhà thơ Đặng Vương Hưng đã tạo nên một hiện tượng phát hành và cơn “sốt thơ” với tập Học quên để nhớ (NXB Hội Nhà văn, 2001) bằng cách công bố thông tin trên báo chí để bạn đọc đăng ký và gửi sách đến nhà theo đường bưu điện. Đã có hàng vạn lá thư được gửi về cho tác giả và gần 100.000 bản in sách được phát hành.
Phần thứ hai, Lục bát mỗi ngày, tuyển chọn hơn 900 bài lục bát được tác giả sáng tác trong khoảng thời gian từ năm 2005 đến 2020, với đủ các cung bậc cảm xúc buồn vui, như nhật ký cuộc đời và số phận con người.
Phần thứ ba, dư luận tác phẩm và tác giả gồm 12 bài viết của nhiều nhà nghiên cứu văn hoá, phê bình văn học, giới thiệu, đánh giá, cảm nhận về tác phẩm Lục bát mỗi ngày và nhà thơ Đặng Vương Hưng, giúp bạn đọc tiếp cận tác phẩm và tác giả dễ dàng hơn.
Đánh giá về tập thơ, TS nhà văn Phạm Việt Long (Tổng Biên tập Tạp chí điện tử Văn hoá và Phát triển) chia sẻ: "Cựu chiến binh, Đại tá Đặng Vương Hưng thể hiện tình yêu đất nước bằng con đường binh nghiệp và con đường thơ. Cả hai con đường đều vẻ vang và mang đậm tính cách Đặng Vương Hưng, hết sức quyết liệt nhưng không ồn ào, mà lặng thầm cống hiến.
Phải yêu thắm thiết và hiểu sâu sắc tâm hồn Việt, phong cách Việt, Đặng Vương Hưng mới dám chọn thể loại lục bát, thể thơ thuần Việt, có vẻ dễ làm nhưng thực chất làm rất khó hay, để làm phương tiện đi đến cùng con đường thơ của mình. Anh đã thành công, không chỉ ở số lượng cả ngàn bài thơ, mà quan trọng hơn, ở chất lượng cao của các bài thơ ấy, nhuần nhuyễn về thể loại, phong phú về nội dung, giàu hình tượng, giàu sức cuốn hút".
PGS.TS Lê Thị Bích Hồng (Đại học Sân khấu Điện ảnh Hà Nội) đã viết: “Mỗi ngày, nhà thơ đón nhân, nâng niu cuộc sống, con người đưa vào thơ. Mỗi bài lục bát như một trang nhật ký thơ, ăm ắp cảm xúc của thi nhân gửi vui buồn vào đó. Đọc cả ngàn bài thơ, tôi nhận thấy nội lực rất đáng nể của một nhà thơ chọn lục bát – thể thơ dân tộc thể hiện những cung bậc cảm xúc của mình…
Thơ là nơi ký thác tâm hồn. Mọi nỗi buồn vui Đặng Vương Hưng gửi vào thơ. Vịn tựa vào thơ là vịn vào sự thiêng liêng, nhân văn. Phải coi đó là điều may mắn, bởi không phải ai cũng có được đặc ân đó nếu như trời không cho ăn lộc…”
| 'Biển là trẻ con 2020' - Món quà ý nghĩa tặng con trẻ dịp Hè TGVN. Tháng Sáu năm nay, Biển là trẻ con của tác giả Huỳnh Mai Liên lần đầu kết hợp với nét vẽ của con gái ... |
| "Nhớ rất nhiều là nhớ được bao nhiêu" Là tên tập thơ đầu tay của cây bút trẻ Huyền Thư với mong muốn truyền tải một thông điệp chung rằng lòng tốt và ... |