Hệ sao này quay quanh ngôi sao Epsilon Eridani, nằm trong chòm sao Eridanus, cách Trái đất 10,5 năm ánh sáng. Tuổi thọ của Epsilon Eridani bằng 1/5 Mặt trời, nên các nhà khoa học có thể thu thập thông tin từ ngôi sao này để nghiên cứu sự hình thành Mặt trời và các hành tinh.
Nhà khoa học Massimo Marengo - một trong những tác giả của nghiên cứu khoa học phát hiện ra hệ sao mới cho biết: “Ngôi sao này có một hệ hành tinh đang trải qua quá trình biến động lớn giống như hệ Mặt trời thời kỳ đầu khi Mặt trăng hình thành phần lớn các miệng núi lửa, Trái đất tích tụ nước trong các đại dương và những điều kiện thích hợp cho sự sống trên hành tinh được hình thành”.
Trên thực tế, các nhà khoa học đã nghiên cứu về sao Epsilon Eridani từ năm 2004, nhưng gần đây họ mới phát hiện ra hệ sao quay quanh ngôi sao này nhờ Đài thiên văn hồng ngoại trên tầng bình lưu (SOFIA) của NASA. SOFIA có thể chụp được những bức ảnh chi tiết về những ngôi sao ở khoảng cách xa.
Các nhà nghiên cứu cho rằng, phát hiện này có thể giúp giới thiên văn học nhìn vào quá khứ cổ đại của Trái đất và các hành tinh khác. Mục đích cuối cùng là để hiểu về cấu trúc đĩa của sao Epsilon Eridani cũng như tương tác của nó với các hành tinh.