Một con cá mập báo trong cuộc thí nghiệm, được đeo thiết bị theo dõi trên vây. (Nguồn: Fox News) |
Một nghiên cứu mới, được công bố trên tạp chí PLOS ONE (Mỹ) ngày 6/1 đã kết luận rằng, khứu giác có thể giúp cá mập định hướng ở đại dương, có thể chúng dựa vào khả năng này để cảm nhận được những thay đổi hóa học trong nước khi bơi.
"Chúng tôi đã biết từ lâu rằng cá mập có khả năng di chuyển qua những chặng đường dài. Chúng đi xa, theo những tuyến đường khá thẳng"- Andrew Nosal, một nhà nghiên cứu tại Viện Hải dương học San Diego (Mỹ) cho biết."Câu hỏi là chúng làm điều này chính xác như thế nào?".
Để kiểm tra, ông Nosal và đồng nghiệp đã bắt 26 con cá mập báo sống ven bờ ở vùng biển La Jolla, California và đưa chúng ra xa bờ khoảng 9km. Họ làm giảm tạm thời khả năng khứu giác của một nửa số cá mập bằng cách nhét quả bóng bông vào lỗ mũi của chúng. Sau đó, cả đàn cá được gắn thiết bị theo dõi và được thả ra.
Kết quả, những con cá mập không bị bịt mũi đã vượt qua 62,6% quãng đường bơi vào bờ sau bốn giờ, theo những tuyến đường tương đối thẳng. Ngược lại, nhóm cá mập bị bịt mũi chỉ bơi được 37,2 % quãng đường vào bờ, và bơi theo những con đường quanh co hơn.
"Một số con cá mập không bị bịt mũi mà chúng tôi thả theo hướng ra xa ngoài biển, thoạt tiên chúng bắt đầu bơi ra xa bờ. Nhưng chỉ trong vòng 30 phút, chúng đã thực hiện một vòng quay hình chữ U và bơi vào rất gần bờ", ông Nosal nói. "Những con bị bịt mũi đã không vào được gần bờ như thế và những con đường của chúng cũng ngoằn nghoèo hơn".
Thực tế là trong nghiên cứu này, một số cá mập bị bịt mũi cũng trở lại được bờ, cho thấy còn có thể có những dấu hiệu khác có thể giúp cá mập tìm đường về nhà. Đó có thể là dấu hiệu âm thanh như những âm thanh tần số thấp của sóng vỗ vào bờ hoặc các tín hiệu địa-từ trường mà loài rùa cũng sử dụng, nhà nghiên cứu này cho biết.