Nhóm các nhà khoa học nói trên đã đến khu vực Vành đai Đá xanh Nuvvuagittuq ở phía Bắc tỉnh Quebec, nơi có các tảng đá cổ nhất trên Trái Đất, để tìm kiếm dấu vết hình thành sự sống.
Qua nghiên cứu và áp dụng công nghệ phân tích đặc biệt, nhóm khoa học phát hiện ra rằng các trầm tích đá BIF (đá ghi dấu sự hình thành các dải tầng sắt) ở Nuvvuagittuq có niên đại tối thiểu là 3,8 tỷ năm và có thể lên tới 4,3 tỷ năm.
Ngoài ra, trên các trầm tích đá này còn có vết tích của một số loài vi sinh vật có thể được coi là dấu vết cổ xưa nhất về sự sống trên Trái Đất được phát hiện đến nay.
Ảnh minh họa. (Nguồn: Science Daily) |
Vành đai Đá xanh Nuvvuagittuq được coi là nơi hình thành lớp vỏ đại dương đầu tiên trên Trái Đất.
Qua phân tích trầm tích đá BIF được bao bọc trong lớp thạch anh ở khu vực này, các nhà khoa học tìm thấy vết tích hình sợi và hình ống do các vi sinh vật tạo ra trên các tầng sắt.
Theo nhà nghiên cứu Jonathan O’Neil, “một số cấu trúc trên các trầm tích đá cho thấy các vi sinh vật đã bị hóa thạch” và “chúng có thể là những hóa thạch vi sinh cổ xưa nhất từng được tìm thấy”.
Cũng theo nhà khoa học, phát hiện của nhóm nghiên cứu củng cố lý thuyết cho rằng sự sống được hình thành từ các dòng khí nóng dưới đáy biển xuất hiện ngay sau khi Trái Đất hình thành.
Hiện, các nhà nghiên cứu đang ghép nối phát hiện của nhóm O’Neil với giả thiết về sự hình thành Trái Đất, được cho là cách đây hơn 4,5 tỷ năm, để tìm hiểu xem Trái Đất có cấu trúc như thế nào khi mới được hình thành và trong thời kỳ cách đây từ 3,8-4,3 tỷ năm.
Theo ông O’Neil, các loại khoáng chất và đá quý thời kỳ đó cho thấy thế giới được hình thành từ núi lửa và đại dương cạn, và có thể cả các tiểu lục địa.
Hơn 3 tỷ năm sau, trên Trái Đất mới bắt đầu xuất hiện các động vật đa bào đầu tiên và cách đây 600 triệu năm mới hình thành môi trường gần giống với ngày nay.
Ông O’Neil cũng khẳng định việc hiểu rõ hơn môi trường hình thành sự sống trên Trái Đất sẽ giúp các nhà khoa học giải đáp về sự sống trên những hành tinh khác, chẳng hạn như sao Hỏa.