Khu vực kinh tế tư nhân hiện đóng góp trên 30% thu ngân sách nhà nước và có tốc độ tăng nhanh 15% mỗi năm. (Nguồn: Lao động) |
Đại hội lần thứ XIII của Đảng khẳng định, phát triển mạnh mẽ khu vực kinh tế tư nhân cả về số lượng, chất lượng, hiệu quả thực sự trở thành một động lực quan trọng trong phát triển kinh tế.
"Lực kéo" quan trọng của nền kinh tế
Thực tiễn 35 năm đổi mới đất nước, dưới sự lãnh đạo của Đảng, kinh tế tư nhân đã phát triển rộng khắp trong cả nước; đóng góp quan trọng vào phát triển kinh tế, huy động các nguồn lực xã hội vào sản xuất, kinh doanh, tạo thêm việc làm, cải thiện đời sống nhân dân, tăng ngân sách nhà nước, góp phần giữ vững ổn định chính trị, an sinh xã hội của đất nước.
Đến thời điểm hiện tại, kinh tế tư nhân đã trở thành một trong ba trụ cột quan trọng, đóng vai trò dẫn dắt sự phát triển của nền kinh tế Việt Nam.
Theo Bộ Kế hoạch & Đầu tư, kinh tế tư nhân liên tục duy trì tốc độ tăng trưởng khá, chiếm tỷ trọng 39-40% GDP, đứng đầu trong các loại hình doanh nghiệp và đang đặt mục tiêu tăng lên 55% vào năm 2025; 60-65% GDP vào năm 2030.
Với 800.000 doanh nghiệp đang hoạt động và 5,4 triệu hộ kinh doanh, khu vực tư nhân cũng đang tạo ra 45 triệu việc làm, chiếm 85% tổng số việc làm trong nền kinh tế.
Khu vực này cũng góp phần quan trọng trong huy động các nguồn lực xã hội cho đầu tư phát triển sản xuất kinh doanh, tăng trưởng kinh tế, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, tăng thu ngân sách nhà nước, tạo việc làm, cải thiện đời sống nhân dân, bảo đảm an sinh xã hội.
Ngoài ra, khu vực kinh tế tư nhân hiện đóng góp trên 30% thu ngân sách nhà nước và có tốc độ tăng nhanh 15% mỗi năm, cao gấp 2 lần khu vực kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài và gấp 1,5 lần khu vực kinh tế nhà nước.
Những con số trên cho thấy, kinh tế tư nhân đang ngày càng trở thành “lực kéo” quan trọng của nền kinh tế Việt Nam.
Bên cạnh những thành tựu quan trọng về kinh tế, vị thế của kinh tế tư nhân ngày càng được nâng cao trong đời sống chính trị, xã hội. Kinh tế tư nhân, đặc biệt lực lượng doanh nghiệp tư nhân đã góp phần thực hiện mục tiêu công nghiệp hóa, hiện đại hóa, làm thay đổi “diện mạo” đất nước, tạo dấu ấn, nâng cao vị thế, uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế.
Theo TS. Vũ Tiến Lộc, nguyên Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), trải qua 35 năm kể từ khi đổi mới, đội ngũ doanh nhân và khu vực tư nhân ở Việt Nam đã có những bước tiến thần kỳ.
Sự phát triển của khu vực tư nhân đưa hàng chục triệu đồng bào ta thoát khỏi đói nghèo và đưa Việt Nam thành nước có thu nhập trung bình từ một nước nghèo, bị tàn phá bởi chiến tranh. Chính khu vực tư nhân là ngôi sao hy vọng của nền kinh tế.
TS. Vũ Tiến Lộc nhấn mạnh: "Bên cạnh một cộng đồng kinh doanh đông đảo, Việt Nam đã có trên 800.000 doanh nghiệp tư nhân đang có mặt trên mọi lĩnh vực hoạt động của nền kinh tế.
Việt Nam cũng đã có những doanh nghiệp lớn, sánh vai các thương hiệu hàng đầu trên thế giới và khu vực, góp phần làm rạng danh đất nước trong thời kỳ đổi mới và hội nhập toàn cầu".
Cảng hàng không quốc tế Vân Đồn là sân bay đầu tiên do tư nhân đầu tư tại Việt Nam. (Nguồn: Dân trí) |
Phát triển kinh tế tư nhân trong tình hình mới
Tuy nhiên, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng nhận thấy, bên cạnh những kết quả đạt được, chất lượng phát triển của khu vực kinh tế tư nhân vẫn còn những hạn chế.
Đơn cử như năng suất và tốc độ tăng năng suất của khu vực kinh tế tư nhân còn thấp và có nhiều hạn chế. Theo số liệu thống kê, năng suất lao động bình quân của khu vực doanh nghiệp tư nhân chỉ bằng khoảng 34% năng suất lao động của khu vực doanh nghiệp nhà nước và khoảng 69% năng suất lao động của doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài.
Bên cạnh đó, năng lực khoa học công nghệ của các doanh nghiệp còn hạn chế, có nơi còn lạc hậu; doanh nghiệp chưa mạnh dạn đầu tư cho ứng dụng và phát triển khoa học công nghệ, nhất là công nghệ lõi, công nghệ tiên phong.
Hiện tại, chỉ có 10% số doanh nghiệp đã từng đăng ký, hoặc đăng ký thành công 1 bằng sáng chế trong vòng 3 năm liên tiếp; đầu tư của doanh nghiệp cho đổi mới công nghệ chỉ chiếm khoảng 0,3% doanh thu, thấp hơn nhiều so với các nước như Ấn Độ (5%), Hàn Quốc (10%)…
Ngoài ra, các doanh nghiệp Việt Nam chưa chú trọng cải thiện khả năng liên kết, nâng cao năng lực cạnh tranh để tham gia chuỗi giá trị khu vực và toàn cầu. Hiện chỉ có khoảng 21% doanh nghiệp nhỏ và vừa tham gia được một phần chuỗi giá trị toàn cầu, 14% thành công trong việc liên kết với đối tác nước ngoài, trong khi số doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp từ nước ngoài tại Việt Nam rất lớn.
Thời gian tới, để khắc phục những khó khăn, thách thức kể trên, Việt Nam cần phải tiếp tục có những cơ chế, chính sách để khu vực kinh tế tư nhân phát triển mạnh hơn nữa và trở thành những con “sếu đầu đàn” của nền kinh tế, nhất là trong giai đoạn hậu Covid-19.
Báo cáo Nghiên cứu Đánh giá khu vực kinh tế tư nhân Việt Nam do Công ty Tài chính Quốc tế (IFC) và Ngân hàng Thế giới (WB) thực hiện cho rằng, trong khi khu vực kinh tế tư nhân đóng vai trò tiên phong trong sự phát triển vượt bậc của Việt Nam trong thời gian qua, tiềm năng của khu vực này cần được tiếp tục khai thác mạnh mẽ hơn nhằm thúc đẩy tăng trưởng.
Giám đốc khu vực Đông Á và Thái Bình Dương Kim-See Lim của IFC nhận định: “Khu vực kinh tế tư nhân đã giúp đưa Việt Nam gia nhập hàng ngũ những nền kinh tế có thu nhập trung bình chỉ trong một thế hệ. Khi quốc gia này đang chuẩn bị cho giai đoạn phát triển tiếp theo thì phải đối mặt với đại dịch Covid-19.
Với làn sóng Covid-19 hiện nay, Việt Nam càng nhất thiết phải thúc đẩy một khu vực kinh tế tư nhân năng động, đa dạng và đổi mới sáng tạo cho giai đoạn phục hồi hậu Covid-19, khi các nguồn lực công trở nên khan hiếm”.
Bà Carolyn Turk, Giám đốc Quốc gia WB cũng nhấn mạnh, khu vực tư nhân mới nổi và năng động của Việt Nam đã chứng tỏ được khả năng chống chịu trong đại dịch Covid-19, giúp Việt Nam trở thành một trong số ít quốc gia đạt được tăng trưởng dương trong năm 2020.
Do đó, Việt Nam cần tiếp tục cải cách cơ cấu và pháp luật mạnh mẽ hơn nữa để tạo nền tảng vững chắc hơn cho cạnh tranh và đổi mới trong nền kinh tế. Từ đó, thúc đẩy sự phát triển hơn nữa của khu vực tư nhân, trong lộ trình chuyển dịch sang một mô trình tăng trưởng kinh tế cacbon thấp do khu vực kinh tế tư nhân dẫn dắt, để đạt mục tiêu trở thành quốc gia có thu nhập cao vào năm 2045 - theo như nghị quyết Đại hội Đảng XIII đề ra.
Song song với đó, khi Việt Nam đặt mục tiêu dịch chuyển lên các công đoạn cao hơn trong chuỗi giá trị toàn cầu bằng cách phát triển các ngành định hướng xuất khẩu thâm dụng tri thức, dịch vụ và các ngành có giá trị gia tăng cao hơn thì nhu cầu về lao động có tay nghề và công nghệ hiện đại sẽ tăng lên. Vì vậy, Việt Nam cần có chiến lược tổng thể để giải quyết tình trạng thiếu hụt kỹ năng trong nước.
Cũng theo báo cáo của IFC và WB, việc chuyển dịch theo hướng chú trọng đầu tư tư nhân xanh, hiệu quả và hiệu suất cao là vô cùng cần thiết để duy trì sự phát triển kinh tế nhanh và bền vững cho Việt Nam.
Để đạt được điều này, cần thúc đẩy khu vực kinh tế tư nhân bằng cách giảm bớt rào cản thủ tục gia nhập thị trường, tăng năng lực cạnh tranh để cải thiện vị thế trong chuỗi giá trị toàn cầu cũng như giải quyết sự thiếu hụt về kỹ năng và đẩy mạnh số hóa.
Báo cáo khuyến nghị, Việt Nam cần tập trung vào những lĩnh vực quan trọng như tạo môi trường cạnh tranh bình đẳng giữa tất cả các doanh nghiệp; thúc đẩy cơ hội tiếp cận tài chính cho doanh nghiệp vừa và nhỏ; mở rộng nguồn vốn dài hạn, tăng cường và xanh hoá dịch vụ hạ tầng và bảo đảm lực lượng lao động có kỹ năng để đạt được mô hình tăng trưởng giá trị cao, đổi mới sáng tạo, có năng suất cao.
| TS. Nguyễn Quốc Việt: Xuất khẩu khối FDI góp phần ‘đảo chiều’ tăng trưởng kinh tế Việt Nam Trao đổi với TG&VN, TS. Nguyễn Quốc Việt, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế và chính sách (VEPR) nhận định, trong ngắn hạn, ... |
| Tránh đứt gãy chuỗi cung ứng lao động khi 'bão' Covid-19 dần đi qua Khi tâm "bão" Covid-19 dần qua đi, Việt Nam bước vào trạng thái bình thường mới thì đứt gãy chuỗi cung ứng lao động là ... |