Ngày 15/2, Reuters đưa tin một vụ tấn công bằng rocket vào căn cứ liên quân do Mỹ đứng đầu tại Iraq đã khiến một nhà thầu dân sự thiệt mạng và 5 người bị thương, trong đó có một quân nhân Mỹ.
Rất có thể, cuộc tấn công này là một phép thử dành cho phản ứng của tân Tổng thống Mỹ Joe Biden đối với khu vực Trung Đông, và cụ thể là cho quan hệ Mỹ-Iran.
Khói bốc lên tại Erbil, sau vụ tấn công bằng rocket đêm ngày 15/2. (Nguồn: Reuters) |
Vụ tấn công đẫm máu
Theo Guardian, 15 quả rocket đã được phóng vào căn cứ này. Cuộc tấn công nhắm vào căn cứ của lực lượng này ở Erbil, thủ phủ vùng tự trị của người Kurd ở miền Bắc Iraq. Đây cũng là vụ tấn công đẫm máu nhất nhằm vào các lực lượng do Mỹ dẫn đầu ở Iraq trong gần một năm qua. Nhà thầu thiệt mạng không phải là công dân Mỹ và trong số những dân thường bị thương có 4 người Mỹ và 1 người đến từ Thổ Nhĩ Kỳ.
Một nhóm tự xưng Saraya Awliya al-Dam đã lên tiếng nhận trách nhiệm cho cuộc tấn công nhắm vào căn cứ quân sự do Mỹ dẫn đầu nói trên, nói rằng cuộc tấn công nhắm vào “sự chiếm đóng của Mỹ” ở Iraq, nhưng không đưa ra bằng chứng cho tuyên bố nhận trách nhiệm. Nhóm này được cho là có liên hệ mật thiết và trung thành với Iran.
Sau khi vụ tấn công diễn ra, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken cũng xác nhận đã trao đổi với lãnh đạo người Kurd ở khu vực xảy ra vụ tấn công trong đó lãnh đạo khu vực này cam kết hỗ trợ mọi nỗ lực điều tra, buộc những kẻ trách nhiệm cho vụ tấn công phải trả giá.
Chính phủ trung ương ở Baghdad đang thành lập một ủy ban phối hợp với chính quyền khu vực người Kurd để điều tra vụ tấn công bởi tin rằng tên lửa được phóng từ một khu vực không thuộc quyền kiểm soát của người Kurd.
"Đòn phủ đầu" của Iran?
Mặc dù tên tuổi của Saraya Awliya al-Dam giờ mới được biết tới, nhưng rất có thể, chính Iran đã đứng sau vụ tấn công đầu tiên kể từ khi ông Biden nhậm chức hồi tháng 1. Theo Guardian, cuộc tấn công này được dành riêng để tưởng niệm Phó chỉ huy lực lượng dân quân PMF Abu Mahdi al-Muhandis và Chỉ huy đặc nhiệm Iran Qassem Soleimani.
Động thái quyết liệt này của Iran đi ngược lại với những gì mà quốc gia Trung Đông này từng thể hiện dưới thời Tổng thống Donald Trump, đó là sự kín kẽ, cân nhắc và cẩn thận từng bước.
Tổng thống Mỹ Joe Biden sẽ phải nghĩ cách để 'hoà thuận' hơn với Iran và đưa các bên trở lại bàn đàm phán thoả thuận hạt nhân. (Nguồn: Shutterstock) |
Trong khi đó, chướng ngại vật lớn nhất trong quan hệ Mỹ-Iran hiện này chính là thoả thuận hạt nhân được ký năm 2015 còn được gọi là Kế hoạch hành động chung toàn diện (JCPOA).
Kể từ khi ông Biden nhậm chức, vị tổng thống thứ 46 đã khẳng định “Nước Mỹ đã trở lại”, kèm theo đó là trở lại với những biện pháp ngoại giao truyền thống hơn và đưa thoả thuận hạt nhân Iran thành một trong những vấn đề quan trọng nhất tại Trung Đông.
Ngày 16/2, Ngoại trưởng Mỹ Blinken cho biết, "con đường ngoại giao hiện đã mở" với Iran, tuy nhiên khẳng định Tehran vẫn chưa tuân thủ thỏa thuận hạt nhân và Washington "sẽ phải theo dõi những việc họ làm".
Trong khi đó, ngày 17/2, lãnh đạo tinh thần tối cao Iran Ali Khamenei tuyên bố, Iran muốn thấy "hành động chứ không phải lời nói suông" từ các bên tham gia ký thỏa thuận này năm 2015.
Việc ký kết lại thoả thuận này sẽ giúp Iran thoát khỏi các lệnh trừng phạt, nhưng cũng ép buộc quốc gia này giảm nỗ lực làm giàu uranium để chế tạo vũ khí hạt nhân. Đó là điều có thể chấp nhận được, trong bối cảnh Iran đang gặp nhiều khó khăn do đại dịch Covid-19 và Tehran cũng cần mở cửa để vực dậy nền kinh tế.
Chính vì vậy, theo Guardian, Iran dường như đang cảm thấy phải chờ đợi quá lâu mà không có bất cứ hành động cụ thể nào đến từ phía Mỹ. Do đó, họ sử dụng mặt trận khác vừa để tạo áp lực cho Mỹ và đồng minh, đồng thời đẩy mạnh lập trường trong các cuộc đàm phán có thể diễn ra trong thời gian tới.
Trên thực tế, Iran đã đạt được mục đích bằng vụ tấn công vào Erbil, với việc yêu cầu Mỹ rời khỏi Iraq và gửi lời cảnh báo các lãnh đạo người Kurd.
Giờ đây, ông Biden bắt buộc phải chuyển hướng và tập trung nhiều hơn vào Iran và có những hành động cụ thể, vừa để kéo Tehran trở lại bàn đàm phán, vừa để ngăn chặn sớm những động thái căng thẳng, thậm chí là bạo lực diễn ra tại Trung Đông.