Tổng thống Mỹ Joe Biden và người đồng cấp Hàn Quốc Yoon Suk Yeol. (Nguồn: Twitter) |
Trước hết là vấn đề an ninh. Thời gian gần đây, trong bối cảnh Triều Tiên được cho là có những tiến bộ vượt bậc trong chương trình hạt nhân, một bộ phận dư luận Hàn Quốc đặt câu hỏi nên dựa vào cam kết bảo vệ từ Mỹ hay Seoul cần tự phát triển vũ khí hạt nhân để tự vệ. Nếu không làm rõ được mức độ cam kết của Washington, ông Yoon Suk Yeol khó có thể giải tỏa được sức ép từ phe đối lập đang đòi Hàn Quốc phải sở hữu vũ khí hạt nhân.
Vấn đề nhạy cảm khác là tìm kiếm sự hài hòa trong quan hệ với Mỹ, làm sao vẫn bảo đảm gắn kết đồng minh nhưng lại không ảnh hưởng tới việc làm ăn của các tập đoàn lớn Hàn Quốc. Hiện Hàn Quốc đang rơi vào thế kẹt trong cuộc cạnh tranh Mỹ-Trung, khi Washington muốn Seoul tăng cường liên kết để ngăn chặn Bắc Kinh, nhất là việc tiếp cận công nghệ tiên tiến như sản xuất chip.
Thế nhưng, kinh tế Hàn Quốc hiện chịu ảnh hưởng lớn từ Trung Quốc do Bắc Kinh là đối tác thương mại lớn nhất của Seoul. Trong năm 2022, xuất khẩu của Hàn Quốc sang Trung Quốc đạt 155,8 tỷ USD, chiếm tới 22,8% tổng kim ngạch xuất khẩu của nước này. Với Mỹ, con số này thấp hơn, chỉ 109,8 tỷ USD.
Trung Quốc lại còn là “mỏ vàng” với ngành sản xuất chip của Hàn Quốc. 40% sản lượng chip của Hàn Quốc là xuất sang Trung Quốc. Samsung Electronics và SK Hynix ước tính đã đầu tư 37 tỷ USD vào các cơ sở sản xuất chip ở Trung Quốc. Nếu hợp tác với Mỹ để ngăn chặn Trung Quốc, các khoản đầu tư trên có thể trở nên vô nghĩa.
Thật khó cho Hàn Quốc nếu phải tách khỏi Trung Quốc như mong muốn của Mỹ. Sự cân bằng đang thử thách quan hệ Mỹ-Hàn.