Tóm tắt kết quả và đánh giá nội dung Diễn đàn, Bí thư Thành ủy Nguyễn Thiện Nhân cho biết, hơn 800 đại biểu tới tham dự sự kiện quan trọng của TP. Hồ Chí Minh, trong đó có 160 đại biểu quốc tế là các chuyên gia, nhà khoa học, doanh nhân đại diện cho các tổ chức quốc tế, doanh nghiệp, trường đại học, Viện nghiên cứu… đã mang đến nhiều nội dung tham luận, cũng như chia sẻ kinh nghiệm, trở thành kênh đối thoại, trao đổi quan trọng và hiệu quả giữa cộng đồng doanh nghiệp, các nhà nghiên cứu và Chính quyền, vì mục tiêu phát triển nhanh và bền vững cho Thành phố.
Xây dựng Đô thị sáng tạo là một lộ trình
Bí Thư Thành ủy Nguyễn Thiện Nhân cho biết, trọn một ngày làm việc, với phiên toàn thể và 4 phiên thảo luận về: (i) giải pháp nâng cao năng lực sáng tạo và hiệu quả đổi mới của doanh nghiệp; (ii) giải pháp nâng cao hệ sinh thái sáng tạo - khởi nghiệp và vai trò của các doanh nghiệp lớn; (iii) giải pháp tăng cường quan hệ liên kết, tương tác giữa các doanh nghiệp - cơ quan nghiên cứu, đào tạo - chính quyền trong quá trình xây dựng đô thị sáng tạo, tương tác”; (iv) “giải pháp thúc đẩy kế hoạch xây dựng khu Đông Thành phố thành đô thị sáng tạo - tương tác”.
Bí thư Thành ủy Nguyễn Thiện Nhân tóm tắt kết quả và đánh giá nội dung Diễn đàn. (Ảnh: Thanh Tùng) |
TP. Hồ Chí Minh là một đô thị đặc biệt, là trung tâm văn hóa, giáo dục - đào tạo, khoa học công nghệ, thương mại - tài chính, trung tâm nghiên cứu khoa học - dịch vụ, y tế chất lượng cao của cả nước. Tuy nhiên, theo Bí Thư Thành ủy, hiện nay, vốn và lao động đã không còn là lợi thế cạnh tranh đủ lớn của nền kinh tế Thành phố. Sự bùng nổ về nhân khẩu, công nghệ, toàn cầu hóa, cùng các mối đe dọa về môi trường và tăng trưởng bền vững đang là những thách thức ngày càng lớn đối với các Thành phố trên thế giới, trong đó có TP. Hồ Chí Minh.
Theo Bí thư Thành ủy TP. Hồ Chí Minh, nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, phát triển theo hướng nhanh và bền vững, Thành phố đã phê duyệt Đề án xây dựng TP. Hồ Chí Minh trở thành một Đô thị thông minh, xây dựng khu Đông của Thành phố trở thành Khu Đô thị sáng tạo, được xem là hạt nhân để dẫn đầu và thúc đẩy kinh tế trong bối cảnh Cách mạng công nghiệp 4.0.
Khu vực phía Đông của TP. Hồ Chí Minh là nơi tập trung nhiều trường đại học, viện nghiên cứu, các doanh nghiệp với những sản phẩm mang hàm lượng khoa học - công nghệ cao; đồng thời, là môi trường làm việc, học tập, sinh sống thuận lợi của các chuyên gia, nhà khoa học và lực lượng lao động có trình độ và chất lượng”.
Phiên thảo luận 4 về Giải pháp thúc đẩy kế hoạch xây dựng khu Đông Thành phố thành Đô thị sáng tạo - tương tác. (Ảnh: Thanh Tùng) |
Tổng kết các ý kiến tại Diễn đàn, Bí thư Thành ủy Nguyễn Thiện Nhân cho biết, bản chất của khu đô thị sáng tạo là nơi có các hoạt động sáng tạo và khởi nghiệp diễn ra với cường độ và mật độ cao. Cần xem việc xây dựng khu “đô thị sáng tạo” là một lộ trình chứ không phải là một đích đến cụ thể nào. Lộ trình xây dựng “đô thị sáng tạo” đòi hỏi một chiến lược toàn diện, dài hạn với các mục tiêu chiến lược và những sáng kiến cụ thể.
“Ba mỏ neo” quan trọng đã được định hình
Thực tiễn từ các nước chỉ ra, khu đô thị sáng tạo luôn gắn với đại học nghiên cứu hay trung tâm đổi mới sáng tạo do đại học tham gia xây dựng và vận hành dựa trên các cụm ngành sản xuất chuyên sâu nào đó xuất phát từ thực tế khách quan là các tổ chức này là nguồn cung các nhà cách tân, doanh nhân khởi nghiệp tiềm năng, chủ thể của hoạt động sáng tạo và khởi nghiệp.
Lãnh đạo TP. Hồ Chí Minh tham gia thảo luận toàn thể cùng các diễn giả. (Ảnh: Thanh Tùng) |
Trên cơ sở này, khu đô thị sáng tạo phía Đông cần phát triển xoay quanh một số mỏ neo (anchor) cụ thể. Trong đó có ba mỏ neo quan trọng đã được định hình và khẳng định vai trò, bao gồm: (i) khu đô thị mới Thủ Thiêm định hướng xây dựng thành trung tâm tài chính quận 2, khu đô thị hiện đại, Nhà hát lớn, Trung tâm triển lãm; (ii) Khu công nghệ cao quận 9 với 136 dự án đầu tư, hơn 34.000 lao động, tổng giá trị đầu tư hơn 7 tỷ USD, xuất khẩu gần 10 tỷ USD năm 2018 và (iii) Khu đô thị Đại học, có 4 đại học lớn với 4.000 giảng viên, 1.500 tiến sỹ, 100.000 sinh viên. Trong bán kính 50km, có 60 trường đại học, 500.000 sinh viên.
Các mỏ neo này chính là điểm tựa để hình thành các phân khu của đô thị sáng tạo thông qua việc kết nối với nhau và kết nối với các đối tác khác cùng chia sẻ một tầm nhìn, một mục tiêu chung.
5 giải pháp cho Chính quyền Thành phố
Theo Bí thư Thành ủy, thực tiễn phát triển tại TP. Hồ Chí Minh cũng cho thấy hợp tác bốn nhà (nhà trường, nhà nước, nhà doanh nghiệp và người sử dụng, hay khách hàng) là một mô hình hiệu quả để thúc đẩy quá trình ứng dụng các thành tựu khoa học - công nghệ phục vụ phát triển kinh tế - xã hội.
Các trung tâm đổi mới sáng tạo, các công viên khoa học hay khu công nghệ cao về bản chất là hình thành các điều kiện để tăng cường sự hợp tác của bốn chủ thể này. Để phát huy các mỏ neo này cần đẩy mạnh các nguồn lực từ xã hội và nguồn lực từ bên ngoài.
Phiên thảo luận 3 về Giải pháp tăng cường quan hệ liên kết, tương tác giữa các doanh nghiệp - Cơ quan nghiên cứu, đào tạo - Chính quyền trong quá trình xây dựng đô thị sáng tạo, tương tác. (Ảnh: Thanh Tùng) |
Tuy nhiên, Bí thư Thành Ủy đánh giá mức độ phát triển hiện tại hướng đến định hướng đô thị thông minh là một vấn đề còn khá mới và nhiều thách thức ở Việt Nam. Bên cạnh đó, các bài học kinh nghiệm từ các nước Mỹ, Hàn Quốc, Trung Quốc, Singapore... cho thấy Nhà nước không chỉ khuyến khích mà còn tham gia trực tiếp như một bên thứ ba, là cầu nối và bà đỡ cho sự hợp tác giữa Đại học và Doanh nghiệp. Đồng thời, Nhà nước cũng hưởng lợi từ sự phát triển của Đại học, của Doanh nghiệp và quan trọng nhất là đất nước phát triển, lớn mạnh.
Hiện nay tại các nước đi đầu về khởi nghiệp, có thể nhận thấy công tác cố vấn là một trong những ưu tiên hàng đầu trong việc phát triển phong trào đổi mới sáng tạo. Thông qua kinh nghiệm và sự hướng dẫn của các doanh nghiệp thành công hoặc các cá nhân, tổ chức với chuyên môn sâu, các start-up có thể xác định mục tiêu dài hạn khi phát triển ý tưởng, kế hoạch quản lý nhân sự và hoạt động hiệu quả, các đối tượng khách hàng tiềm năng cũng như khả năng thương thuyết với đối tác trong quá trình quảng bá sản phẩm và gọi vốn đầu tư.
Lãnh đạo TP. Hồ Chí Minh chụp hình cùng các đại biểu tham gia Diễn đàn Kinh tế 2018. (Ảnh: Thanh Tùng) |
Cuối cùng, Bí thư Thành ủy Nguyễn Thiện Nhân ghi nhận các khuyến nghị và giải pháp thúc đẩy đô thị sáng tạo trong bối cảnh của TP. Hồ Chí Minh, đã được các diễn giả nêu tại Diễn đàn. Trong đó, ông nhấn mạnh tới nhóm giải pháp cho Chính quyền bao gồm: Thứ nhất, cần có một lộ trình cho sự phát triển đô thị thông minh của TP. Hồ Chí Minh trong bối cảnh hội nhập và toàn cầu hóa hiện nay. Lộ trình này được triển khai chi tiết gồm các bước sau: (i) xây dựng khung tổng quát cho định hướng phát triển đô thị thông minh của TP. Hồ Chí Minh; (ii) huy động sự tham gia của nhiều tổ chức chính phủ và phi chính phủ trong và ngoài nước; (iii) triển khai các chính sách/dự án cụ thể nhằm giải quyết các vấn đề cấp thiết hiện nay; (iv) và áp dụng các ứng dụng CNTT&TT vào nhiều khía cạnh trong đời sống của người dân.
Thứ hai, tăng tốc và xóa bỏ các quy định, chính sách gây cản trở sự đổi mới; Thứ ba, tham khảo đề xuất của khu vực tư nhân trong việc hoạch định và triển khai các chính sách liên quan đến khu đô thị sáng tạo.
Thứ tư, cải thiện việc quản lý các quỹ tài trợ cho các dự án nghiên cứu khoa học. Thứ năm, xem xét bổ sung vào chương trình nâng cao chất lượng nguồn nhân lực một giải pháp (hoặc chương trình nhánh) là “Gắn kết giữa các Trường Đại học, Viện nghiên cứu với Doanh nghiệp”.