📞

Phía sau nụ cười của người Nga

06:00 | 10/06/2016
“Bố mẹ tôi và những người bà con người Nga của tôi chẳng bao giờ cười trong các bức ảnh chụp họ” tác giả Olga Khazan chia sẻ trong bài viết trên tờ The Atlantic mới đây.

Là một người Nga sinh ra và lớn lên tại Mỹ, có một điều luôn khiến tôi thấy thắc mắc. Đó là bất cứ khi nào tôi hoặc những người bạn của tôi được chụp ảnh, chúng tôi luôn luôn được bảo là phải cười lên. Nhưng nếu cha mẹ của tôi cũng nằm trong bức ảnh, gương mặt của họ không hề tươi cười mà lại lạnh như nước đá. Những bà con người Nga của tôi cũng chẳng bao giờ cười trong những bức ảnh khi họ đi chơi dã ngoại. Ngoài ra, trong những bức ảnh tốt nghiệp của bố mẹ tôi, những học sinh chỉ đứng nghiêm trang và trông không vui mừng tí nào.

Những học sinh người Nga đứng chào cờ trong một lễ kỉ niệm tại thị trấn Kazminskoye vào năm 2015. (Nguồn: The Atlantic)

Đó là hiện tượng Bitchy Resting Face Nation (bề ngoài tỏ ra tức giận, bị làm phiền không có chủ đích). Những người thuộc hình mẫu này có lẽ mãi mãi chỉ trả lời “Ừ, tôi nghĩ rằng...” với tất cả các câu hỏi trên đời mà người ta có thể hỏi.

Cười là ngu ngốc?

Tuy nhiên, điều này không có nghĩa là chúng tôi không hạnh phúc! Mà là trái lại, chúng tôi luôn cảm thấy vui vẻ với món rượu vodka và món kem lên men hấp dẫn. Chỉ là việc cười nhăn răng mà không có lí do là một kĩ năng mà người Nga không sở hữu hoặc không bắt buộc phải nuôi dưỡng. Thậm chí có một câu tục ngữ của Nga rằng: “Cười không có lí do là một dấu hiệu của sự ngu ngốc”.

Việc người Nga ưa thích vẻ mặt cau có nhẹ nhàng dường như lạ lùng đối với người nước ngoài hơn là khí hậu lạnh lẽo của đất nước này. Và ngược lại, những người Nga mới đến Mỹ thường cảm thấy lạ khi những người không quen biết nhìn họ và cười.

Vậy tại sao một số xã hội lại không khuyến khích những nụ cười hàng ngày? Tôi đã có được câu trả lời, hoặc ít nhất là một phần của nó, khi tôi bắt gặp một bài báo của tác giả Kuba Krys, một nhà tâm lí học của Viện Hàn lâm khoa học Ba Lan. Tại một số quốc gia, cười không hẳn là một dấu hiệu của sự ấm áp hoặc thậm chí là tôn trọng. Đó là một bằng chứng cho thấy bạn là một kẻ ngốc.

Cười để che sự giả dối?

Ngoài ra, Krys cũng tập trung vào một hiện tượng văn hóa có tên “mức độ e ngại rủi ro”. Những nền văn hóa có chỉ số thấp trong thước đo này thường có hệ thống xã hội thiếu không ổn định. Do đó, những người ở các quốc gia này xem tương lai là điều không thể dự đoán và không thể kiểm soát. Nụ cười là một dấu hiệu của niềm tin chắc chắc và sự tự tin. Vì thế, mọi người tại những quốc gia đó ít khi nở nụ cười. 

Krys còn đưa ra giải thuyết rằng trong những đất nước tham nhũng và mất ổn định, nụ cười thường không được mọi người đồng ý và tán thành. Khi mọi người đang cố gắng lừa gạt lẫn nhau, bạn không thể biết được nụ cười của ai đó có chủ đích tốt hay người đó chỉ đang cố gắng lừa gạt bạn.

Để kiểm tra lí thuyết này, Krys đã mời hàng ngàn người từ 44 quốc gia khác nhau nhận xét về 8 khuôn mặt đang cười và không cười trên thang đo trung thực và thông minh. Ông phát hiện ra rằng, tại những quốc gia như Đức, Thụy Sĩ, Trung Quốc, Malaysia, mọi người nhận xét rằng những khuôn mặt cười thể hiện người đó thông minh hơn so với những người không cười. Ngược lại, tại Nhật Bản, Ấn Độ, Iran, Hàn Quốc, và Nga, những khuôn mặt cười thường được coi như kém thông minh hơn. Thậm chí, khi xét các yếu tố khác như nền kinh tế, có một sự liên quan mật thiết giữa một xã hội khó dự đoán định và chiều hướng người dân cho rằng, một người hay cười là một người kém thông minh.

Tại những đất nước như Ấn Độ, Argentina, Maldives, nụ cười thường được xem là không trung thực – một điều Krys nhận thấy có liên quan đến mức độ tham nhũng của đất nước. “Nghiên cứu này chỉ ra rằng, sự tham nhũng ở mức độ xã hội có thể làm giảm đi ý nghĩa của một dấu hiệu cảm xúc quan trọng là nụ cười”, Krys viết.

Ngoài ra, cũng có bằng chứng cho rằng, một số nền văn hóa không đánh giá hạnh phúc quá cao, điều này tác động đến mức độ cười đùa của mọi người.

Ngoài hệ thống đánh giá của Krys, còn có một hệ thống xếp hạng dựa trên mức độ e ngại rủi ro khác được thiết kế bởi nhà nghiên cứu Geert Hofstede và những năm 80 của thế kỉ XX, và hai bảng xếp hạng đưa ra những kết quả nghiên cứu khác nhau. Tất nhiên, những phiếu điều tra không thể đánh giá và hiểu hết tính cách của một dân tộc.

Công trình của Krys có thể đã mở rộng và vận dụng kiến thức của những nghiên cứu trước đây. Nhưng điều đó ít nhất cũng khiến người ta cảm thấy đỡ bối rối trước sự quá nghiêm nghị của người Nga.

(theo The Atlantic)