📞

Phiên họp giả định 'Quốc hội trẻ em' - diễn đàn để thiếu nhi thể hiện tiếng nói của mình

19:29 | 23/09/2024
Phiên họp giả định “Quốc hội trẻ em” sẽ là diễn đàn để thiếu nhi thể hiện tiếng nói, tâm tư, nguyện vọng của mình; đồng thời tập dượt sinh hoạt chính trị nhằm hun đúc ước mơ, xây hoài bão lớn cho các em
Phiên họp giả định 'Quốc hội trẻ em' - diễn đàn để thiếu nhi thể hiện tiếng nói của mình. (Ảnh: Thanh Hùng)

Sáng 23/9, T.Ư Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, Hội đồng Đội T.Ư phối hợp với Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội, Văn phòng Quốc hội tổ chức thông tin về phiên họp giả định “Quốc hội trẻ em” lần thứ II - năm 2024.

Tại phiên họp này, các em học sinh sẽ vào vai các bộ trưởng, Chủ tịch Quốc hội, đại biểu Quốc hội để chất vấn hoặc trả lời chất vấn các vấn đề.

Phiên họp giả định “Quốc hội trẻ em” sẽ là diễn đàn để trẻ em thể hiện tiếng nói, tâm tư, nguyện vọng của mình; đồng thời tập dượt sinh hoạt chính trị nhằm hun đúc ước mơ, xây hoài bão lớn cho thiếu nhi.

Đây cũng là mô hình hoạt động mới thúc đẩy quyền tham gia của trẻ em vào các vấn đề liên quan phù hợp với tâm lý, khả năng; tạo điều kiện để trẻ em phát huy năng lực, kỹ năng trình bày ý kiến, quan điểm, nhận thức và tham gia vào quá trình ra quyết định về các vấn đề liên quan.

Thông qua hoạt động cũng giúp các em được trải nghiệm, tìm hiểu bộ máy cơ quan quyền lực Nhà nước cao nhất là Quốc hội.

Phiên họp giả định “Quốc hội trẻ em” năm 2024 sẽ diễn ra từ ngày 27-29/9 tại Hà Nội với sự tham dự của 306 đại biểu là các em đội viên, thiếu nhi tiêu biểu đến từ 63 tỉnh, thành phố trên cả nước. Thành phần đại biểu tham gia phiên họp giả định này gồm có 259 em dân tộc Kinh và 47 em dân tộc thiểu số.

Cụ thể, ngày 28/9, buổi sáng, các “đại biểu nhí” tham gia khai mạc phiên họp giả định “Quốc hội trẻ em”. Buổi chiều, các đại biểu tham gia thảo luận tại 12 tổ tại Tòa nhà Quốc hội với 2 chủ đề: “Phòng chống bạo lực học đường” và “Phòng chống tác hại của thuốc lá, chất kích thích, nhất là trong môi trường học đường”.

Ngày 29/9 sẽ diễn ra phiên chất vấn tại Hội trường Diên Hồng toà nhà Quốc hội. Tại phiên chất vấn, các em được đóng vai thành đại biểu Quốc hội và các chức danh lãnh đạo chủ chốt của Quốc hội, Chính phủ. Trong phiên họp, các ý kiến phát biểu đóng góp của các đại biểu “Quốc hội trẻ em” sẽ phản ánh những ý kiến, mong muốn, nguyện vọng của các cử tri trẻ em tại địa phương.

Đồng thời, các đại biểu nhí sẽ tham gia phiên chất vấn và trả lời chất vấn về công tác phòng chống bạo lực học đường, tác hại của thuốc lá, chất kích thích, nhất là trong môi trường học đường để làm rõ các vấn đề được “cử tri trẻ em” cả nước quan tâm.

Kết thúc phiên toàn thể, các em sẽ thông qua Nghị quyết của phiên họp. Nghị quyết này được xem như một báo cáo kiến nghị của các cử tri đặc biệt đối với các vấn đề liên quan đến trẻ em.

Ban tổ chức cho biết, ông Trần Thanh Mẫn, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội cũng sẽ dự và phát biểu chỉ đạo tại chương trình.

Tham dự chương trình cũng có các lãnh đạo Đảng, Nhà nước, lãnh đạo các cơ quan thuộc Quốc hội, Chính phủ, các ban, bộ, ngành, Ban Bí thư T.Ư Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, Thường trực Hội đồng Đội T.Ư.

Bà Nguyễn Phạm Duy Trang, Bí thư BCH T.Ư Đoàn, Chủ tịch Hội đồng Đội T.Ư cho biết, chương trình sẽ không chỉ dừng lại ở việc thảo luận, tương tác giữa các em. Năm nay, kết thúc mỗi phần chất vấn với từng vấn đề, Bộ trưởng đương nhiệm của Bộ GD&ĐT và Bộ Y tế sẽ tiếp tục trả lời với các em. “Như vậy, chúng ta sẽ có 2 góc nhìn. Góc nhìn trẻ em sẽ giải quyết vấn đề như thế nào và thực tế hiện nay và 2 bộ đang giải quyết ra sao”, bà Trang nói.

Phiên họp giả định “Quốc hội trẻ em” được tổ chức nhằm triển khai thực hiện có hiệu quả Luật Trẻ em năm 2016, cụ thể hoá chương trình hành động quốc gia vì trẻ em giai đoạn 2021-2030.

Đây cũng là một trong những nhiệm vụ, giải pháp cụ thể trong triển khai hiệu quả Đề án “Đoàn TNCS Hồ Chí Minh thúc đẩy quyền tham gia của trẻ em vào các vấn đề trẻ em giai đoạn 2023-2027”.

(theo Vietnamnet)