📞

Phiên toàn thể thứ hai Diễn đàn Tương lai ASEAN 2024: Bảo đảm an ninh toàn diện vì Cộng đồng lấy người dân làm trung tâm

NHÓM PV TG&VN 14:16 | 23/04/2024
Chiều 23/4, tại Hà Nội, Diễn đàn Tương lai ASEAN tiếp tục Phiên toàn thể thứ hai với chủ đề "Bảo đảm an ninh toàn diện về Cộng đồng ASEAN lấy người dân làm trung tâm".
Phiên toàn thể thứ hai Diễn đàn Tương lai ASEAN 2024 với chủ đề "Bảo đảm an ninh toàn diện vì Cộng đồng lấy người dân làm trung tâm". (Ảnh: Nguyễn Hồng)

Phiên toàn thể thứ hai thảo luận về cách tiếp cận toàn diện của ASEAN trong bảo đảm an ninh khu vực, thông qua xem xét tất cả các khía cạnh kinh tế, xã hội, và môi trường, trao đổi, đề xuất những hướng đi giúp ASEAN đóng góp hiệu quả hơn vào việc giải quyết các thách thức toàn cầu, khẳng định vai trò và đóng góp tích cực cho hòa bình, an ninh khu vực và toàn cầu do Đại sứ Phạm Quang Vinh, nguyên Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, nguyên Trưởng SOM ASEAN Việt Nam chủ trì với các diễn giả chính là: Nghị sĩ Sue Lines, Chủ tịch Thượng viện Australia (thông điệp ghi hình), Bộ trưởng Ngoại giao Indonesia Retno Marsudi và Bộ trưởng Ngoại giao Ấn Độ TS Subrahmanyam Jaishankar (thông điệp ghi hình).

Các đại biểu tham gia tham luận là: ông Kung Phoak, Quốc vụ khanh Bộ Ngoại giao Campuchia; Học giả George Yeo, nguyên Bộ trưởn Ngoại giao Singapore; Học giả Kavi Chongkittavorn, Nghiên cứu viên cao cấp tại Viện Nghiên cứu an ninh và quốc tế của Đại học Chulalongkorn; GS. Dương Khiết Miễn, Chủ tịch Hội đồng Học thuật Viện Nghiên cứu quốc tế Thượng Hải (SIIS); Thông điệp ghi hình của nguyên Thủ tướng Anh Tony Blair; TS. Damian Hickey, Giám đốc Khu vực Đông Nam Á, Viện Tony Blair vì sự phát triển toàn cầu.

Bộ trưởng Ngoại giao Indonesia Retno Marsudi phát biểu tại Phiên toàn thể thứ hai Diễn đàn Tương lai ASEAN 2024. (Ảnh: Nguyễn Hồng)

Phát biểu tham luận tại Phiên thảo luận, Bộ trưởng Ngoại giao Indonesia Retno Marsudi khẳng định an ninh luôn là vấn đề quan trọng với ASEAN. Với ASEAN, an ninh bao gồm rất nhiều lĩnh vực như chính trị, quốc phòng, kinh tế, xã hội, môi trường… Mỗi lĩnh vực đều quan trọng như nhau và việc bảo đảm an ninh đều phải toàn diện nhất có thể.

Bộ trưởng Ngoại giao Indonesia chỉ ra cấu trúc an ninh khu vực và thế giới tiếp tục có những biến chuyển khó lường với xung đột, chiến tranh, biến đổi khí hậu, an ninh năng lượng, tội phạm xuyên quốc gia… đòi hỏi ASEAN phải có các biện pháp thích ứng và sáng tạo hiệu quả.

Chia sẻ về những đường hướng mà ASEAN có thể sử dụng để vượt qua các thách thức, bà Retno Marsudi cho rằng ASEAN cần tiếp tục đóng vai trò tiên phong trong việc thúc đẩy những biến chuyển trong khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương và hợp tác trong khu vực. Điều cần thiết hiện nay là xây dựng một Cộng đồng ASEAN mạnh mẽ, hùng cường và tiếp tục duy trì vai trò trung tâm để ứng phó với các thách thức. Đồng thời, ASEAN cần đoàn kết hơn để khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương tiếp tục duy trì hòa bình, hợp tác, và phát triển, trong đó đối thoại đàm phán, đôi bên cùng thắng được thúc đẩy.

Bên cạnh đó, Bộ trưởng Retno Marsudi cũng đề cao sự cần thiết của việc tuân thủ luật pháp quốc tế và thực hiện luật pháp quốc tế một cách nhất quán. Người đứng đầu ngành giao Indonesia nhấn mạnh, ASEAN cần lưu tâm tới quản trị số và nâng cao kỹ năng số cho người dân trong thời đại mới.

Bà Retno Marsudi khẳng định: “Chúng ta cần tiếp tục lắng nghe tiếng nói của người dân, tiếp tục nỗ lực đảm bảo các tiến trình đều phải lấy người dân làm trung tâm. Tôi tin rằng rời khỏi Diễn đàn này, chúng ta có thể tự tin nói rằng chúng ta đã đóng góp vào các tiến trình của ASEAN lấy người dân làm trung tâm trong tương lai”.

Các đại biểu thảo luận tại Phiên toàn thể thứ hai Diễn đàn Tương lai ASEAN 2024. (Ảnh: Nguyễn Hồng)

Trong thông điệp ghi hình, Chủ tịch Thượng viện Australia Sue Lines ghi nhận sáng kiến của Việt Nam trong việc tạo ra Diễn đàn mới này để tạo sân chơi thảo luận về các vấn đề quan trọng định hình tương lai của ASEAN.

Theo bà Sue Lines, năm 2024 đánh dấu 50 năm kể từ khi Australia trở thành đối tác đối thoại đầu tiên của ASEAN. Ngày nay, mối quan hệ của Australia và ASEAN không chỉ dựa trên cơ sở địa lý gần gũi mà còn dựa trên 50 năm hợp tác, tôn trọng, đối tác và tin cậy và được củng cố bởi quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện giữa hai bên. "Hơn 1 triệu người Australia sinh ra hoặc có tổ tiên ở Đông Nam Á. Người dân của chúng ta gắn bó với nhau và tương lai của chúng ta cũng như vậy", bà nói.

Chủ tịch Thượng viện Australia thông tin, tại Hội nghị Cấp cao đặc biệt ASEAN – Australia tháng 3/2024 tại TP. Melbourne, các nhà lãnh đạo hai bên đã cùng nhau nhìn lại 50 năm quan hệ đối tác và hướng tới tương lai. Tuyên bố Melbourne được thông qua tại Hội nghị đã tái khẳng định cam kết chung của hai bên đối với một khu vực cởi mở, toàn diện và minh bạch.

Đây là một khu vực mà vai trò trung tâm của ASEAN hết sức quan trọng trong việc duy trì các nguyên tắc đã được thiết lập và hình thành các chuẩn mực khu vực, nơi mà các quốc gia có quyền tự do quyết định tương lai của chính mình. Đây cũng là khu vực có các thị trường mở, tạo điều kiện thuận lợi cho luân chuyển hàng hóa, dịch vụ, vốn và ý tưởng.

Trong Phiên thảo luận thứ hai Diễn đàn Tương lai ASEAN 2024, các đại biểu đã cùng trao đổi những nội dung trọng tâm về bảo đảm an ninh toàn diện về Cộng đồng ASEAN lấy người dân làm trung tâm. (Ảnh: Nguyễn Hồng)

"Thành công của ASEAN ngày nay nằm ở việc tập trung thúc đẩy hợp tác ở mọi cấp độ trong xã hội cũng như giữa các chính phủ. Tầm nhìn ASEAN với Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương là một ví dụ liên quan mật thiết đến điều này và được Australia ủng hộ mạnh mẽ", bà Sue Lines nhấn mạnh.

Là một trong những đối tác quan trọng của ASEAN, trong thông điệp ghi hình gửi tới Diễn đàn, Tiến sĩ S. Jaishankar, Bộ trưởng Ngoại giao Ấn Độ nêu rõ, quan hệ ASEAN-Ấn Độ đã được vun đắp trở thành quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện dựa trên những giá trị, quan điểm tương đồng.

Tiến sĩ S. Jaishankar khẳng định, ASEAN giữ vị trí trung tâm trong chính sách hướng Đông của Ấn Độ và là một trụ cột quan trọng trong tổng thể chính sách của New Delhi đối với khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương. Ấn Độ ủng hộ một ASEAN đoàn kết, vai trò trung tâm của ASEAN và Tầm nhìn của ASEAN về khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương. Đồng thời tin tưởng một ASEAN đoàn kết và vững mạnh sẽ đóng vai trò kiến tạo cho một cấu trúc khu vực mới đang nổi lên tại Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương.

Nhấn mạnh quyết tâm với ASEAN trong việc duy trì hòa bình, ổn định và thịnh vượng khu vực, Bộ trưởng Ngoại giao Ấn Độ đề cao vai trò của Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS) 1982 cho các hoạt động trên các vùng biển và đại dương.

Cùng với đó, Tiến sĩ S. Jaishankar cho rằng, Ấn Độ và ASEAN cần hướng đến một chuỗi cung ứng đa dạng, an toàn, minh bạch và tự cường trong tương lai. “Chúng tôi tin rằng các nước ở phía Nam bán cầu cần đảm nhiệm vai trò quốc tế lớn hơn…Vai trò của ASEAN và Ấn Độ đang ngày càng quan trọng để đương đầu với các biến số của một trật tự thế giới đang nổi lên, chúng ta cần hợp tác và phối hợp trong khuôn khổ hợp tác ASEAN-Ấn Độ”, Tiến sĩ S. Jaishankar bày tỏ tin tưởng.

Quốc vụ khanh Bộ Ngoại giao Campuchia Kung Phoak (bên phải) cho rằng ASEAN cần một cách tiếp cận thống nhất khi đối phó với những thách thức an ninh truyền thông và phi truyền thống. (Ảnh: Nguyễn Hồng)

Tham gia Phiên thảo luận, Quốc vụ khanh Bộ Ngoại giao Campuchia Kung Phoak đánh giá, ASEAN đã làm được rất tốt trong việc thúc đẩy ổn định, hòa bình trong khu vực, dựa trên việc cam kết tuân thủ luật pháp quốc tế, những nguyên tắc được nêu trong Hiến chương ASEAN cùng nhiều văn bản khác.

Theo ông Kung Phoak, thế giới và khu vực đang đứng trước những biến đổi khó lường, vì vậy ASEAN cũng cần phải tự thân thay đổi. Trong vấn đề an ninh, việc ASEAN chỉ ứng phó với những thách thức là chưa đủ mà cần phải thu hút sự tham gia của nhiều bên khác nhau, đặc biệt là các kênh hợp tác chuyên ngành thuộc 3 trụ cột hợp tác của khối.

Trong tương lai, ông Kung Phoak cho rằng, đối với những thách thức an ninh truyền thống và phi truyền thống, ASEAN cần có một cách tiếp cận thống nhất, tiếp cận mang tính ASEAN, mang tính chất Hiệp hội nhiều hơn.

Còn nguyên Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Singapore George Yeo nhận định năm 2025 sẽ đánh dấu 30 năm Việt Nam trở thành thành viên của ASEAN – một hành trình có nhiều đóng góp năng động và tích cực. Sau khi tham gia vào ASEAN, Việt Nam đã tập trung vào phát triển đất nước, bắt kịp nhiều nước thành viên trong khu vực.

“Việc Việt Nam xây dựng Sáng kiến Diễn đàn Tương lai ASEAN là minh chứng cho vai trò của Việt Nam trong ASEAN, dẫn đắt ASEAN hướng tới tương lai”, ông George Yeo chỉ rõ.

Học giả Kavi Chongkittavorn, Nghiên cứu viên cao cấp tại Viện Nghiên cứu An ninh và Quốc tế của Đại học Chulalongkorn (Thái Lan) đánh giá cao ý nghĩa của Diễn đàn. (Ảnh: Nguyễn Hồng)

Đánh giá cao ý nghĩa của Diễn đàn, học giả Kavi Chongkittavorn, Nghiên cứu viên cao cấp tại Viện Nghiên cứu An ninh và Quốc tế của Đại học Chulalongkorn (Thái Lan), cho rằng xác định được ASEAN cần gì trong tương lai rất quan trọng.

Theo ông Kavi Chongkittavorn, Việt Nam đã mang đến những bước ngoặt cho Hiệp hội như câu chuyện hợp tác Tiểu vùng sông Mekong là một ví dụ. “Việt Nam đang đóng vai trò trong các nỗ lực đưa các bên ngồi lại với nhau và định hình cho tương lai của ASEAN. Đã đến lúc ASEAN cần làm điều này”, ông Kavi Chongkittavorn khẳng định.

Trong thông điệp ghi hình, nguyên Thủ tướng Anh Tony Blair nhấn mạnh, ASEAN đóng vai trò quan trọng đối với các vấn đề mà các quốc gia trong khu vực không thể tự giải quyết. Các nước ASEAN cần hội tụ để thúc đẩy quá trình chuyển đổi số, chuyển đổi năng lượng xanh.

Ông Tony Blair cho rằng, ASEAN đang nỗ lực làm thế nào để có thể tận dụng những cơ hội, giảm thiểu rủi ro và khẳng định Anh mong muốn tiếp tục mở rộng mối quan hệ với ASEAN. Vấn đề quan trọng và khó khăn nhất đối với các nước ASEAN hiện nay là xác định tốc độ phát triển và sự thay đổi của thế giới và Anh có thể hỗ trợ các chính phủ xác định tốc độ đó để có thể tận dụng những cơ hội đến từ tiến trình này.

Các đại biểu tham dự Phiên thảo luận đặt câu hỏi cho các diễn giả tại Diễn đàn. (Ảnh: Nguyễn Hồng)

“Tôi muốn cảm ơn Chính phủ Việt Nam, đặc biệt là Thủ tướng Phạm Minh Chính vì đã khởi xướng Diễn đàn lần này để hướng tới một tương lai tốt đẹp hơn cho người dân ASEAN”, nguyên Thủ tướng Anh Tony Blair bày tỏ.

Trong Phiên thảo luận thứ hai Diễn đàn Tương lai ASEAN 2024, các đại biểu đã cùng trao đổi những nội dung trọng tâm: Phương cách thúc đẩy khuôn khổ an ninh khu vực toàn diện, nâng cao năng lực thích ứng trước các thách thức an ninh truyền thống và phi truyền thống, đi đôi với tăng trưởng kinh tế; Các biện pháp xây dựng một hệ sinh thái kỹ thuật số an toàn, đáng tin cậy và tăng cường khả năng ứng phó trước các mối đe dọa an ninh mới nổi.

Chiến lược của ASEAN nhằm thúc đẩy hợp tác khu vực trong giải quyết các thách thức xuyên quốc gia, đi đôi với tôn trọng chủ quyền và lợi ích đa dạng của các quốc gia; Khả năng tận dụng những tiến bộ trong trí tuệ nhân tạo (AI), công nghệ sinh học và phân tích dữ liệu lớn để phát triển các giải pháp sáng tạo nhằm đảm bảo an ninh và nâng cao chất lượng cuộc sống người dân.

* Phát biểu tại Phiên bế mạc Diễn đàn Tương lai ASEAN 2024, Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn khẳng định, những cuộc thảo luận và hiểu biết sâu sắc được chia sẻ tại Diễn đàn đã cung cấp những thông tin quý giá để cùng suy ngẫm và tái khẳng định tầm quan trọng của những nỗ lực chung trong việc định hình một tương lai tươi sáng hơn cho Cộng đồng ASEAN.

Dẫn lại 3 xu hướng chiến lược sẽ định hình tương lai của ASEAN trong bài phát biểu khai mạc Diễn đàn của Thủ tướng Phạm Minh Chính đó là sự cạnh tranh ngày càng gay gắt và sự chia rẽ giữa các cường quốc, sự phát triển nhanh chóng của các công nghệ đột phá mới và tính cấp thiết trong phát triển bền vững và toàn diện, Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn khẳng định, những xu hướng chiến lược này sẽ mang đến cả những cơ hội cũng như những thách thức lớn chưa từng thấy đối với ASEAN.

Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn phát biểu bế mạc Diễn đàn Tương lai ASEAN 2024. (Ảnh: Nguyễn Hồng)

Từ đó, Bộ trưởng đặt vấn đề: Làm thế nào ASEAN có thể tận dụng tốt nhất các xu hướng chiến lược này để thúc đẩy phát triển nhanh chóng, bền vững trong khi vẫn đảm bảo an ninh toàn diện cho người dân?

“Chúng ta đã nghe thấy nhiều từ khóa được lặp lại và thậm chí còn có nhiều ý tưởng thú vị được thảo luận ngày hôm nay. Chúng ta cũng được biết công nghệ, đặc biệt là công nghệ kỹ thuật số, dữ liệu lớn và AI sẽ định hình tương lai theo những cách quan trọng. Thông điệp này được thể hiện rõ ràng không chỉ tại Phiên họp toàn thể thứ nhất mà còn được nhắc lại tại Hội nghị bàn tròn doanh nghiệp do Thủ tướng Phạm Minh Chính và Thủ tướng Lào Sonexay Siphandone đồng chủ trì.

Cả chính phủ và khu vực doanh nghiệp đang hợp tác chặt chẽ tìm ra cách tối ưu nhất để tận dụng công nghệ nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội nhanh chóng, bền vững. Bởi vì những công nghệ này hứa hẹn sẽ thay đổi cách chúng ta sống và làm việc hàng ngày, đồng thời đòi hỏi những chuyển đổi về kinh tế, cơ sở hạ tầng và thể chế. Những chuyển đổi này cũng yêu cầu chúng ta phải nỗ lực hơn nữa để đầu tư vào nguồn nhân lực và đặc biệt là cung cấp kỹ năng số cho các thanh thiếu niên trong khu vực”, Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn chỉ rõ.

Theo Bộ trưởng, vai trò trung tâm của ASEAN không phải ngẫu nhiên mà có mà là nỗ lực của các thế hệ lãnh đạo và ngoại giao ASEAN đã phải vất vả mới đạt được. “Khi chúng ta suy ngẫm về những nội dung quan trọng rút ra từ Diễn đàn lần này, rõ ràng là ASEAN đang đứng trước một ngã rẽ rất quan trọng. Chỉ có thông qua những nỗ lực chung thì chúng ta mới có thể đưa ‘con thuyền ASEAN’ vượt qua thách thức và chông gai", Bộ trưởng nói.

Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn chụp ảnh lưu niệm với các đại biểu. (Ảnh: Nguyễn Hồng)

Tuy nhiên, theo người đứng đầu Bộ Ngoại giao Việt Nam, bằng cách chủ động và sáng tạo trong việc vạch ra lộ trình của riêng mình, ASEAN có thể quản lý những vấn đề phức tạp về mặt chiến lược và góp phần xây dựng một cộng đồng toàn cầu nơi tất cả các quốc gia, bất kể quy mô, đều được tôn trọng, hợp tác bình đẳng và cùng nhau giải quyết những thách thức chung. Sự hội tụ các quan điểm xung quanh những ưu tiên chính này mang lại nền tảng vững chắc để ASEAN biến Tầm nhìn chung thành hành động cụ thể.

“Tôi hy vọng rằng những hiểu biết sâu sắc và khuyến nghị rút ra từ Diễn đàn Tương lai ASEAN 2024 sẽ đóng vai trò là lời kêu gọi hành động rõ ràng. Khi chúng ta tiến về phía trước, điều bắt buộc là chúng ta phải tăng gấp đôi nỗ lực của mình để xây dựng một môi trường toàn diện và bền vững hơn cho tất cả các dân tộc của chúng ta.

Điều này sẽ đòi hỏi sự lãnh đạo mạnh mẽ, tư duy đổi mới và cam kết kiên định về sự hợp tác giữa tất cả các bên liên quan - từ chính phủ, doanh nghiệp đến cộng đồng quốc tế. Khi kết thúc cuộc họp này, chúng ta hãy tái khẳng định tầm nhìn chung về một Cộng đồng ASEAN lấy con người làm trung tâm - một cộng đồng kiên cường, toàn diện, bền vững và an toàn cho tất cả mọi người.

Chúng ta hãy đoàn kết với quyết tâm biến tầm nhìn này thành hiện thực, chung tay xây dựng một ngày mai tốt đẹp hơn cho người dân của chúng ta và cho các thế hệ mai sau. Con đường phía trước có thể còn nhiều thách thức nhưng với sức mạnh và trí tuệ tập thể của Cộng đồng ASEAN, không có trở ngại nào mà chúng ta không thể vượt qua”, Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn nhấn mạnh.

Diễn đàn Tương lai ASEAN 2024 với chủ đề "Xây dựng Cộng đồng ASEAN phát triển nhanh, bền vững, lấy người dân làm trung tâm" là một sáng kiến quan trọng do Thủ tướng Phạm Minh Chính đề xuất tại Hội nghị cấp cao ASEAN lần 43 vào tháng 9/2023.

Đây là ý tưởng mới của Việt Nam với mong muốn tạo diễn đàn chung cho các nước thành viên ASEAN cũng như các bạn bè đối tác của ASEAN, người dân ASEAN cùng đóng góp vào việc thúc đẩy, định hình con đường phát triển cho tương lai của ASEAN.

Điểm khác biệt lớn nhất của Diễn đàn Tương lai ASEAN so với các diễn đàn khác, đây là diễn đàn dành riêng cho ASEAN, của ASEAN, vì ASEAN và vì người dân của ASEAN.

Bên cạnh Phiên khai mạc Diễn đàn Tương lai ASEAN đã diễn ra Phiên toàn thể thứ nhất với chủ đề “ASEAN phát triển nhanh vì tương lai bền vững”.

Buổi trưa, các đại biểu dự hai phiên ăn trưa làm việc với hoạt động Tọa đàm với Doanh nghiệp ASEAN và đối tác “Cộng đồng doanh nghiệp ASEAN gắn kết, tự cường và bền vững: Nắm bắt thời cơ trong thời đại số” và chủ đề “Tái xác định vai trò trung tâm của ASEAN”.

Buổi chiều tiếp tục với Phiên toàn thể thứ hai chủ đề “Bảo đảm an ninh toàn diện vì Cộng đồng ASEAN lấy người dân làm trung tâm” và Phiên bế mạc Diễn đàn.