Đào tạo sử dụng máy tính an toàn ở tỉnh Pampanga, ở Bắc Philippines, ngày 6/10/2016. Reuters/Erik de Castro |
Bên trong một tòa nhà ở khu thương mại Manila đang diễn ra một chiến dịch chống lại những tội ác đen tối - lạm dụng và bóc lột tình dục trẻ em trực tuyến. Tại đây, hàng ngày, các chuyên gia an ninh mạng của công ty viễn thông lớn nhất Philippines PLDT đang triển khai một hệ thống xử lý và ngăn chặn hàng triệu thuê bao "nỗ lực" truy cập các dự liệu liên quan đến lạm dụng tình dục ở trẻ em.
Kể từ tháng 11 năm 2022, PLDT đã chặn hơn 1,3 tỷ nỗ lực truy cập các địa chỉ website có nội dung lạm dụng tình dục. Theo Giám đốc an ninh thông tin của PLDT Angel Redoble: “Rất nhiều, thật đáng lo ngại. Chúng tôi phải đối phó hàng ngày."
Theo báo cáo năm 2020 của International Justice Mission - một tổ chức phi chính phủ có trụ sở tại Hoa Kỳ hoạt động trong lĩnh vực chống lại nạn buôn bán và bóc lột tình dục, Philippines được mệnh danh là “nguồn” cung cấp các nội dung liên quan đến tình dục ở trẻ em trực tuyến hàng đầu thế giới. Ước tính tại thời điểm năm 2022, ở quốc gia này có khoảng 2 triệu trẻ em là nạn nhân của lạm dụng và bóc lột tình dục trực tuyến.
Hiện Bộ Tư pháp Philippines đã yêu cầu các công ty viễn thông và nhà cung cấp dịch vụ internet báo cáo và cung cấp các tài liệu này cho các cơ quan chức năng. Tuy nhiên, các công ty này cũng đang gặp khó bởi luật bảo mật dữ liệu của Philippines hạn chế quyền truy cập và sử dụng dữ liệu cá nhân.
Tội phạm không biên giới
Theo International Justice Mission, hoạt động khai thác tình dục trẻ em trực tuyến là một loại hình "tội phạm phát triển nhanh, không biên giới" và thủ phạm ở các nước phương Tây đã dụ dỗ người Philippines lạm dụng tình dục trẻ em và cung cấp hình ảnh hoặc video về hành vi bóc lột trực tuyến.
Bên cạnh đó, một số yếu tố ở quốc gia này như cước truy cập internet rất rẻ, hệ thống chuyển tiền nhanh, trình độ tiếng Anh phổ biến... khiến cho việc post và chia sẻ các hình ảnh/video dễ dàng và phổ biến, qua đó cũng gây khó dễ cho các công ty viễn thông và nhà cung cấp dịch vụ internet trong quá trình triển khai các hoạt động ngăn chặn dữ liệu được truy cập và phát tán.
Bộ Tư pháp Philippines cho biết đại dịch Covid-19 đẩy nhiều người Philippines vào cảnh nghèo đói, nước này đã chứng kiến sự gia tăng 260% trong các báo cáo về bóc lột tình dục trực tuyến từ năm 2019 đến năm 2022.
Vai trò của công ty công nghệ
Trước đây, do luật bảo mật dữ liệu, PLDT chỉ có thể chặn các tên miền nghi ngờ. Từ năm 2018, công ty đã triển khai phong toả các nguồn dữ liệu liên quan đến nội dung này. Công ty đã thành lập nhóm an ninh mạng có nhiệm vụ xử lý các tài liệu lạm dụng tình dục trẻ em mà không vi phạm luật bảo mật dữ liệu.
Bên cạnh đó, nhóm cũng nhận được sự hỗ trợ tích cực từ Internet Watch Foundation - Quỹ Giám sát Internet có trụ sở tại Anh. Theo đó, Quỹ sẽ theo dõi và "đính" vân tay kỹ thuật số có các nội dung được xác nhận có liên quan đến lạm dụng tình dục trẻ em, từ đó các nhà cung cấp dịch vụ internet sẽ triển khai ngăn chặn. Tính đến tháng 5/2023, PLDT đã nhận được hơn 400.000 mã như vậy từ Internet Watch Foundation.
Cùng triển khai hoạt động giống PLDT có Globe Telecom. Chỉ trong quý đầu tiên của năm nay, Globe Telecom đã chặn hơn 65.000 trang web lạm dụng tình dục trẻ em.
Tuy nhiên, theo Internet Watch Foundation, loại tội phạm này hoạt động không biên giới, việc ngăn chặn chỉ ở mức hạn chế sự truy cập, phát tán của các tài liệu liên quan.
Phương pháp tiếp cận toàn diện
Các tổ chức xã hội dân sự cho rằng cuộc chiến chống lại lạm dụng tình dục trẻ em phải được triển khai và tuyên truyền rộng rãi trong cộng đồng, đặc biệt là ở những khu vực nghèo, nơi bọn tội phạm, rất có thể cả cha mẹ của những đứa trẻ bị lạm dụng, tìm mọi cách săn lùng những đứa trẻ dễ bị tổn thương.
Tại tỉnh Cebu, một dự án đảm bảo an toàn cho trẻ em khỏi các hành vi lạm dụng trực tuyến mang tên Dự án SCROL sẽ được triển khai trong thời gian 3 năm trên cơ sở hợp tác giữa nhóm Terre des Hommes của Hà Lan và Bidlisiw Foundation, một nhóm chống buôn người ở địa phương.
Ra mắt vào năm nay, dự án nhằm mục đích thu hút các nhà cung cấp dịch vụ internet, công ty viễn thông, đại lý chuyển tiền và công ty công nghệ xây dựng một hệ thống pháp luật, cung cấp các báo cáo về những nạn nhân bị bóc lột tình dục trẻ em trực tuyến. Dự án này cũng hoạt động ở Campuchia, Nepal và Kenya.
Judith Pulvera, một thành viên của Bidlisiw cho biết: "Các công ty viễn thông có công nghệ và công cụ mà chúng tôi không có. Nhưng họ thiếu mối quan hệ, đặc biệt là với chính quyền địa phương, cơ quan thực thi pháp luật và các hộ gia đình trong việc truyền bá nhận thức".
Các thành viên tham gia dự án Project SCROL làm việc tại các trường học và khu nghỉ dưỡng ở Cebu, thông tin và hướng dẫn cho người dân cách phát hiện và báo cáo với chính quyền các dấu hiệu nguy hiểm của bóc lột tình dục trẻ em. Ví dụ, việc sử dụng các tài khoản email riêng biệt để gửi hoặc nhận chuyển tiền từ nước ngoài có thể là một dấu hiệu cho thấy những kẻ phạm tội đang cố gắng che giấu danh tính của họ.
Bên cạnh đó, dự án cũng cung cấp chương trình đào tạo kỹ thuật số về an toàn và bảo vệ trẻ em cho các cơ quan thực thi pháp luật và các nhà cung cấp dịch vụ tuyến đầu...
Năm ngoái, Quốc hội Philippines đã thông qua luật trừng phạt việc sản xuất, phân phối, sở hữu và tiếp cận tài liệu lạm dụng tình dục trẻ em. Luật đã quy định chi tiết nhiệm vụ của các nhà cung cấp dịch vụ internet, máy chủ lưu trữ nội dung, trang mạng xã hội và tổ chức tài chính trong việc chặn tài liệu.
Đối với Redoble, mục tiêu tiếp theo phải là "tạo ra một không gian mạng sạch hơn." Ông đang đề xuất một "chuỗi niềm tin toàn cầu" giữa các công ty viễn thông và nhà cung cấp dịch vụ internet trên toàn cầu để xóa sổ một lần và vĩnh viễn các trang web có hại truyền bá lạm dụng tình dục trẻ em trực tuyến.
"Khi đó, môi trường sạch hơn, sẽ an toàn hơn, đặc biệt là đối với phụ nữ và trẻ em," Redoble nói.