📞

Philippines tạm đóng cửa "thiên đường" nghỉ dưỡng Boracay

15:01 | 05/04/2018
Dù biết rõ việc kinh doanh của các doanh nghiệp và kế hoạch đi nghỉ của du khách bị ảnh hưởng, nhưng Philippines vẫn quyết định đóng cửa hòn đảo Boracay - vốn được biết tới là thiên đường nghỉ dưỡng tại nước này trong 6 tháng tới nhằm khắc phục các vấn đề liên quan đến nước thải và môi trường. 

Trong một tuyên bố đăng trên trang mạng Twitter ngày 4/4, Người Phát ngôn của Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte, ông Harry Roque cho biết, Tổng thống đã ra lệnh đóng cửa "thiên đường" du lịch này từ ngày 26/4 tới, song không cho biết thêm chi tiết.

Trước đó, theo Thứ trưởng Môi trường Philippines Jonas Leones, quyết định đóng cửa hòn đảo nghỉ dưỡng này cũng đồng nghĩa với việc các dịch vụ hàng không và đường biển phải ngừng hoạt động. 

Với khoảng 17.000 người lao động đang làm việc tại hơn 500 khách sạn, cùng với hơn 11.000 công nhân xây dựng đang làm tại các dự án mới ở Boracay, quyết định trên đã khiến nhiều người đặt ra câu hỏi cuộc sống của hàng nghìn người lao động tại hòn đảo thu hút khoảng 2 triệu lượt du khách mỗi năm này sẽ như thế nào?

Philippines tạm ngừng khai thác "thiên đường" nghỉ dưỡng Boracay. (Nguồn: Reuters)

Đó là chưa kể khoản doanh thu "khủng", khoảng 56 tỷ Peso (tương đương 1,07 tỷ USD) mỗi năm mà các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực du lịch này thu được. 

Tháng Hai vừa qua, Tổng thống Duterte cho rằng, chính những khách sạn, nhà hàng và các doanh nghiệp khác trên Boracay đã làm môi trường của hòn đảo này bị ô nhiễm nghiêm trọng khi xả trực tiếp nước thải chưa qua xử lý xuống biển thông qua các hệ thống thoát nước hiện nay.

Cụ thể, khoảng 300 doanh nghiệp được cho là đã phớt lờ các quy định về vệ sinh môi trường, trong đó, 51 doanh nghiệp đã nhận được cảnh báo chính thức từ chính quyền.

Theo giới chức Philippines, dù biết rõ thiệt hại từ việc đóng cửa "thiên đường" du lịch Boracay, song họ vẫn phải áp dụng biện pháp cứng rắn này nhằm khôi phục hệ sinh thái biển cho hòn đảo. Tuy nhiên, đây cũng chỉ là giải pháp tạm thời. 

Trước những thiệt hại được dự báo, Hiệp hội Doanh nghiệp Boracay đã đề nghị Chính phủ chỉ đóng cửa những doanh nghiệp vi phạm luật môi trường.

Trên thực tế, ngay từ trước khi Chính phủ thông báo quyết định đóng cửa Boracay, các doanh nghiệp tại đây đã phải đối mặt với nhiều khó khăn trong kinh doanh khi du khách bắt đầu vắng bóng. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp cũng phải nhận vô số cuộc gọi của khách hàng yêu cầu giải đáp về việc liệu họ có nên tiếp tục thực hiện kỳ nghỉ đã được lên kế hoạch hay không.

(theo Reuters)