Cảnh trong phim “Tiếng vĩ cầm ở Mỹ Lai”. |
Từ khi ra đời, phim tài liệu Việt Nam đã khẳng định được vị thế trong lĩnh vực điện ảnh và đời sống xã hội bởi cách phản ánh chân thực và giá trị nhân văn. Người ta sẽ nhớ đến những thước phim tài liệu giá trị ghi danh ở các giải thưởng quốc tế như: “Nước về Bắc Hưng Hải” của NSND Bùi Đình Hạc đoạt Huy chương Vàng đầu tiên của điện ảnh Việt Nam tại Liên hoan phim Quốc tế Moscow (1959), “Đường dây lên sông Đà” đoạt giải Bồ câu vàng tại Đức (1982), “Chìm nổi Sông Hương” giành danh hiệu Kịch bản xuất sắc tại Nhật Bản (1995); “Chị Năm khùng” đoạt giải Phim tài liệu xuất sắc nhất tại LHP châu Á – Thái Bình Dương (2000)… Tuy nhiên, gần đây, phim tài liệu Việt đang thiếu những tác phẩm mới ghi dấu ấn trong lòng người hâm mộ.
Tài chính có phải vấn đề mấu chốt?
Cận kề tuổi 55, Hãng phim Tài liệu và Khoa học Trung ương đã trải qua vinh quang và nhọc nhằn trên con đường dựng nghiệp. Mới đây, bà Phạm Thị Tuyết, Giám đốc Hãng phim phải thừa nhận, các hãng phim tài liệu nhà nước đang gặp rất nhiều khó khăn. Với thu nhập khá thấp, những người trẻ thực sự có đam mê để dấn thân với phim tài liệu không nhiều. Bên cạnh những thiếu thốn về công nghệ sản xuất thì khán giả cùng các đơn đặt hàng bị hạn chế cũng là bài toán khó cho các hãng phim còn hoạt động với mục đích chính trị. Cũng theo bà Tuyết, mặc dù được Nhà nước quan tâm nhưng nguồn tài chính ổn định để phát triển cho các hãng phim tài liệu còn hạn hẹp. Hãng phim Tài liệu và Khoa học Trung ương một năm sản xuất được gần 20 bộ phim bằng nguồn ngân sách nhà nước. Tuy nhiên, con số này so với những đề tài, sự kiện diễn ra hàng ngày, hàng giờ cần được tuyên truyền là quá ít.
Trên thực tế, cái khó của phim tài liệu không chỉ nằm ở tài chính mà còn ở đề tài. Hầu như các đạo diễn phim tài liệu chỉ làm phim theo đơn đặt hàng, phục vụ cho tuyên truyền, trong khi những đề tài góc cạnh về cuộc sống hoặc mang tính thời sự được dư luận quan tâm thì lại chưa được đầu tư nhiều. Đạo diễn nổi tiếng Thierry Michel (người Bỉ), khi sang giảng dạy ở Việt Nam đã nói rằng, phim tài liệu là nghệ thuật kể một câu chuyện chứ không phải là làm tư liệu lưu kho. Ông cho biết, ở châu Âu việc sản xuất phim tài liệu là phải có sự liên kết chặt chẽ giữa đạo diễn và các nhà sản xuất, nhà phát hành để tạo thành một guồng máy. Theo ông, điểm yếu và thiếu của điện ảnh tài liệu Việt Nam là các bộ phim vẫn đưa vào quá nhiều lời bình và chưa biết cách xây dựng kịch tính của câu chuyện.
Chủ động gần với công chúng
Đạo diễn, NSND Bùi Đình Hạc từng nói, thời đại ngày nay là thời đại của phim tài liệu và công cuộc đổi mới chính là chất liệu dồi dào. Thế nhưng, phim tài liệu Việt dường như vẫn loay hoay tìm đường đến với công chúng.
Trong đợt Liên hoan phim tài liệu châu Âu – Việt Nam vừa qua, Hãng phim Tài liệu và Khoa học Trung ương đã lựa chọn 10 bộ phim tài liệu Việt Nam được giới chuyên môn đánh giá cao. Các bộ phim thể hiện nhiều chủ đề khác nhau có liên quan đến lịch sử, văn hóa và xã hội của đất nước như: Sông Hồng 12 khúc, Nghèo đa chiều ở Đồng Mậm, Còn lại với thời gian, Tiếng vĩ cầm ở Mỹ Lai... Thế nhưng, theo đạo diễn Nguyễn Sỹ Bằng, hầu hết các bộ phim tài liệu của Việt Nam vẫn đi theo vết xe đổ với cách làm cũ và sự sáo mòn trong cách tiếp cận vấn đề.
Nhận xét về phim tài liệu Việt Nam, Đạo diễn Joseph Peaquin, người Italy cũng cho biết, chủ đề mà các nhà làm phim tài liệu Việt Nam chọn rất “đời sống” nhưng các nhà làm phim có vẻ hơi lên gân và giáo điều. Còn theo đạo diễn Lâm Nguyễn Quang Tâm, muốn một bộ phim tài liệu chạm được đến trái tim khán giả, trước hết câu chuyện phải đủ thuyết phục người đạo diễn, sau mới mong thuyết phục được khán giả. Theo anh, phim tài liệu của chúng ta hiện đang thiếu sự đào sâu vào cuộc sống và các đề tài đều na ná như nhau.
Có thể lấy bộ phim “Chuyến đi cuối cùng của Phụng” là ví dụ sinh động cho việc chủ động đến gần công chúng. Với hơn 2.500 vé đã được bán ra, nội dung được bàn tán rôm rả trên các mạng xã hội… là những kỷ lục chưa từng xảy ra đối với phim tài liệu Việt nhiều năm qua. Đây là bộ phim tài liệu không có lời bình, kể về cuộc sống của một gánh hát rong gồm những người thuộc giới tính thứ ba. Bộ phim là cái nhìn trực diện vào thân phận những con người được coi là bên lề xã hội, được đánh giá đầy tính chân thực và ám ảnh.
Và nhạy bén “ngoại giao văn hóa”
Phải nói rằng, cuộc đối thoại giữa phim tài liệu châu Âu và Việt Nam mới đây đã mang đến cho công chúng và người trong nghề cũng như khán giả nhiều trải nghiệm thú vị. Không chỉ vậy, ngày chiếu phim tài liệu Đông Nam Á cũng là một trong những ngày thành công nhất của Liên hoan. Với tám bộ phim ngắn được công chiếu, các nhà làm phim trẻ trong khu vực Đông Nam Á đã mang đến cho người xem những mảng màu văn hóa đặc sắc của các nước trong khu vực, tạo được hiệu ứng tốt và đồng cảm từ khán giả.
Qua những Liên hoan phim quốc tế như vậy, chúng ta hiểu kinh phí không phải là trở ngại ngăn cản phim tài liệu Việt Nam ra thế giới. Chính ý tưởng độc lập, sự nhạy bén trước các sự kiện, thể hiện vai trò người ghi sự thật trong xã hội mới là chìa khóa cho những nhà làm phim tài liệu trẻ của Việt Nam mở các cánh cửa bước ra ngoài.
Hiện nay, Hà Nội có hàng loạt trung tâm văn hóa của các nước như Pháp, Nhật, Anh, Hàn Quốc… hoạt động theo xu thế và mục tiêu ngoại giao văn hóa. Với kho phim tài liệu phong phú, nhiều bộ phim đã từng có dấu ấn quốc tế, Việt Nam có thể góp phần giới thiệu công cuộc đổi mới, và đời sống văn hóa của đất nước thông qua hệ thống trung tâm văn hóa này.
HÀ ANH