Ông đánh giá như thế nào về sự thích ứng của doanh nghiệp Việt Nam trước những bất ổn về môi trường kinh doanh và đầu tư do ảnh hưởng của dịch Covid-19 hiện nay?
Có thể nói rằng, tình hình đại dịch Covid-19 tại Việt Nam là khá yên bình, người dân không còn phải thực hiện các biện pháp giãn cách nghiêm ngặt cũng như không phải đeo khẩu trang mỗi khi ra đường nữa.
Covid-19 đã ảnh hưởng tới toàn bộ thế giới và Việt Nam cũng vậy. Tuy nhiên, thời gian qua, Việt Nam đã chủ động và biến những thách thức thành cơ hội. Có thể kể đến việc các doanh nghiệp Việt Nam đã nhanh chóng thúc đẩy quá trình số hoá, thích ứng với việc áp dụng công nghệ vào công việc hàng ngày, trong bối cảnh các doanh nghiệp không thể ra nước ngoài để làm việc.
Chúng ta cũng có thể nhận ra rằng, tình hình kinh tế của Việt Nam không bị ảnh hưởng nhiều do dịch bệnh, đầu tư vào thị trường vẫn cao, số liệu của các ngành như năng lượng vẫn ổn định.
Bước ra khỏi đại dịch, Việt Nam có rất nhiều tiềm năng để phát triển, thậm chí còn có thể trở thành đầu tàu của chuỗi cung ứng toàn cầu.
Tôi đã ở Việt Nam được 5 năm và trong thời gian đó, tôi đã chứng kiến được sự phát triển vượt bậc của đất nước các bạn. Chính phủ Việt Nam cũng rất linh động, luôn lắng nghe các doanh nghiệp, dù đó là doanh nghiệp trong nước hay nước ngoài.
Ông nhận xét như thế nào về quan hệ hợp tác doanh nghiệp Việt Nam - Ấn Độ hiện nay?
Việt Nam và Ấn Độ có quan hệ khá bền chặt, tuy nhiên số liệu về đầu tư giữa hai nước lại không phản ánh đúng tính chất của quan hệ hai nước, nếu như so sánh với mối quan hệ giữa Ấn Độ và các quốc gia khác tại Đông Nam Á. Theo tôi, một trong những nguyên nhân là do vấn đề thuế. Ấn Độ không phải quốc gia thành viên ASEAN, vì vậy, hiện các doanh nghiệp Ấn Độ thường đầu tư qua Singapore, sau đó, nguồn vốn từ Singapore được đầu tư vào Việt Nam để giảm thuế. Thế nhưng, tôi nghĩ rằng, xu thế này sẽ không kéo dài.
Ông Vaibhav Saxena, Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Ấn Độ tại Việt Nam. (Ảnh: Tuấn Anh) |
Ông có kỳ vọng thế nào về tiềm năng hợp tác trong tương lai giữa cộng đồng doanh nghiệp hai nước?
Các doanh nghiệp Ấn Độ hiện nay đang hướng sự chú ý rất nhiều đến thị trường Việt Nam. Đó là thành công lớn của ngoại giao Việt Nam, đặc biệt là từ Đại sứ Việt Nam tại Ấn Độ Phạm Sanh Châu. Giờ đây, khi tôi về Ấn Độ, rất nhiều doanh nghiệp có sự quan tâm và tìm hiểu thực chất thị trường, môi trường kinh doanh ở Việt Nam. Ngược lại, Đại sứ Ấn Độ tại Việt Nam Pranay Verma cũng đã có những hoạt động tuyệt vời, giúp doanh nghiệp Việt Nam hiểu rõ hơn và tìm kiếm thêm các cơ hội ở thị trường Ấn Độ.
Khi kinh tế Ấn Độ ngày một phát triển, các doanh nghiệp sẽ muốn đẩy mạnh đầu tư ra thị trường của nước ngoài. Tôi có thể kể một số lĩnh vực điển hình như thương mại điện tử, fintech, ngân hàng kỹ thuật số, dầu và khí đốt và đáng chú ý là năng lượng tái tạo. Đương nhiên, nếu họ biết được những cơ hội tuyệt vời tại thị trường Việt Nam, các doanh nghiệp này sẽ không ngại ngần gì mà đẩy mạnh đầu tư vào quốc gia của các bạn.
Gần đây, Ấn Độ cũng đã tiếp quản một dự án đầu tư rất quan trọng tại Đồng bằng sông Cửu Long về xử lý nước thải. Tôi cũng biết, Tổng Lãnh sự Ấn Độ tại TP. Hồ Chí Minh đã làm việc rất tích cực với Chính phủ Việt Nam để hai bên có thể hoàn thành dự án này sớm nhất có thể.
Về cơ bản, Việt Nam và Ấn Độ là hai người bạn rất khăng khít và khởi nguồn từ khi Chủ tịch Hồ Chí Minh và Thủ tướng Jawaharlal Nehru gặp nhau vào năm 1958. Tôi tin rằng, quan hệ giữa hai nước sẽ ngày càng được đẩy mạnh và kéo theo đó là hợp tác giữa các doanh nghiệp hai bên tiếp tục có những tiến triển tích cực.