📞

Phó Chủ tịch VCCI: Cùng đi chúng ta sẽ tiến rất xa

13:00 | 09/10/2020
Nhân kỷ niệm 16 năm ngày Doanh nhân Việt Nam, Tiến sỹ Đoàn Duy Khương, Phó Chủ tịch VCCI, Chủ tịch Hội đồng tư vấn kinh doanh ASEAN đã có bài viết trên trang Tin tức Kinh tế ngày nay. TG&VN xin trân trọng giới thiệu bài viết.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Chủ tịch ASEAN 2020 và Chủ tịch ASEAN BAC, Phó Chủ tịch VCCI Đoàn Duy Khương, dự Phiên đối thoại của các Nhà lãnh đạo ASEAN với Hội đồng Tư vấn Kinh doanh ASEAN (ASEAN BAC). (Nguồn: TTXVN)

Doanh nhân thời đại Hồ Chí Minh

Mùa thu 2020, chúng ta cùng nhau chào mừng 16 năm ngày Doanh nhân Việt Nam (13/10/2004-13/10/2020) trong một thời kỳ đầy ý nghĩa của thời đại Hồ Chí Minh. Việt Nam đang kỷ niệm 75 năm Quốc khánh và hướng tới hoàn thành các mục tiêu, nhiệm vụ kế hoạch phát triển năm 2020. Giai đoạn 2016-2020, chuẩn bị tiến tới Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII. Đại hội Đảng sẽ đề ra những định hướng chiến lược cho phát triển đất nước đến 2025 và 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Trong lĩnh vực đối ngoại, Việt Nam cũng đang dảm đương tốt nhiệm vụ Chủ tịch ASEAN 2020, nhiệm vụ trong Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (2020-2021) và các trọng trách quốc tế khác.

Hơn nữa, đây cũng là thời điểm mà chúng ta đang tổng kết 40 năm công cuộc đổi mới của thời đại Hồ Chí Minh. Theo Sách trắng doanh nghiệp Việt Nam 2020, tính đến ngày 31/12/2019, cả nước có gần 760.000 doanh nghiệp đang hoạt động. Trong số đó, doanh nghiệp hoạt động ở lĩnh vực dịch vụ thương mại chiếm 67,1%. Lĩnh vực công nghiệp và xây dựng chiếm 31,6%. Lĩnh vực nông, lâm nghiệp và thủy sản chiếm 1,3%.

Trong nền kinh tế Việt Nam hiện nay, doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) chiếm 95% tổng số doanh nghiệp đăng kí, tạo ra khoảng 60% GDP, tạo ra hơn 90% việc làm cho người lao động. Điều này khẳng định DNNVV đang là trụ cột chính trong nền kinh tế đất nước.

Có thể nói, lực lượng doanh nghiệp, doanh nhân ngày nay vững mạnh hơn bao giờ hết và là chỗ dựa cơ bản cho các chính sách phát triển kinh tế và hội nhập của đất nước.

Tiến lên cùng đất nước

Kỷ niệm ngày doanh nhân Việt Nam trong thời điểm lịch sử này, nhìn lại lịch sử vinh quang làm nên ngày doanh nhân Việt Nam đầy ý nghĩa ngày nay, chúng ta thấy rõ sự song hành, gây dựng và phát triển của một tổ chức đại diện cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam uy tín bậc nhất ở trong và ngoài nước – Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI).

Phó Chủ tịch VCCI Đoàn Duy Khương. (Nguồn: QT)

Ngày 14/3/1963, Đại hội đầu tiên của Phòng thương mại được tổ chức tại Hà Nội với sự hội tụ của 93 tổ chức hội viên đầu tiên. Đại hội đã thông qua Điều lệ. Kết quả đại hội và bản điều lệ đã được Hội đồng Chính phủ phê duyệt bằng Quyết định số 58-CP ngày 27/4/1963 do Thủ tướng Phạm Văn Đồng ký. Và ngày 27/4/1963 đã đi vào lịch sử là ngày thành lập Phòng Thương mại và Cộng nghiệp Việt Nam (VCCI), tổ chức chính trị-xã hội-nghề nghiệp của cộng đồng doanh nghiệp và đội ngũ doanh nhân Việt Nam. Trong những năm từ 1963-1975, VCCI xây dựng tổ chức và hoạt động trong điều kiện chiến tranh, khi đó, VCCI chủ yếu đảm đương hai nhiệm vụ quan trọng: Xúc tiến thương mại, thúc đẩy quan hệ của doanh nghiệp và nền kinh tế Việt Nam với các nước và tham gia vào công cuộc đấu tranh pháp lý và chính trị chống bao vây, phong tỏa kinh tế nước ta của đế quốc Mỹ.

Từ năm 1975-1982, sau giải phóng miền Nam, VCCI tiếp thu cơ sở của Phòng thương mại-Công kỹ nghệ Sài Gòn, tổ chức Chi nhánh Phòng Thương mại tại TP.Hồ Chí Minh, mở rộng hoạt động trên phạm vi cả nước. VCCI tiếp tục thúc đẩy quan hệ thương mại với các nước phục vụ yêu cầu của nền kinh tế sau chiến tranh, đồng thời thúc đẩy giao lưu kinh tế giữa các vùng miền trong nước.

Tuy nhiên, những tư duy thời chiến cùng với sự trì trệ trong lý luận phát triển đã gây ra nhiều hệ lụy kìm hãm phát triển kinh tế và doanh nghiệp. Bước đột phá đầu tiên là Nghị quyết Hội nghị lần thứ 6 Ban Chấp hành Trung ướng Đảng khóa IV (8/1979) với chủ trương động viên, khuyến khích mọi người lao động, mọi năng lực sản xuất và thành phần kinh tế.

Chỉ thị số 100 của Ban Bí thư trung ương Đảng ngày 13/1/1981 về khoán sản phẩm đến nhóm và người lao động trong hợp tác xã nông nghiệp đã tạo ra bước phát triển to lớn trong sản xuất nông nghiệp. Sự đột phá và thành công của mặt trận nông nghiệp đã kích thích và lan toản sang các lĩnh vực khác.

Quyết định 25-CP và 26-CP ngày 21/1/1981 của Chính phủ cho phép các đơn vị kinh tế quốc doanh xây dựng và thực hiện 3 kế hoạch đã tạo ra bước chuyển biến trong sản xuất công nghiệp.

Những chủ trương đó đã như một làn gió mới thúc đẩy cho sản xuất cũng như doanh nghiệp phát triển toàn diện cả trong nông nghiệp và sản xuất công nghiệp, xây dựng,…

Cùng với sự đột phá tích cực đó của đất nước, từ năm 1983-1992, VCCI thực hiện cơ chế tự chủ tài chính, mở ra nhiều dịch vụ phục vụ doanh nghiệp. Khi đất nước đổi mới, VCCI hoạt động trong điều kiện nền kinh tế chuyển sang cơ chế thị trường.

Trong thời kỳ này, VCCI tập trung đóng góp vào việc tạo lập những nền tảng ban đầu của môi trường kinh doanh mới, phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp thuộc khu vực tư nhân đồng thời tham gia tích cực vào nỗ lực mở cửa nền kinh tế, đẩy mạnh xuất khẩu, thu hút đầu tư.

Năm 1992, Hoa Kỳ chấm dứt các hạn chế đối với các tổ chức phi chính phủ (NGO) của Mỹ làm việc tại Việt Nam vào năm 1992 và rút lại sự phản đối cho vay từ các tổ chức tài chính quốc tế cho Việt Nam vào năm 1993. Và đây chính là thời khắc quan trọng nhất trong quá trình phát triển của VCCI.

Năm 1993, Đại hội lần thứ II, VCCI trở thành tổ chức độc lập và phát triển vượt bậc. Từ một tổ chức chịu sự quản lý của Bộ trưởng Ngoại thương (theo sự ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ), VCCI đã tách ra thành một tổ chức độc lập với hai chức năng cơ bản là đại diện cho cộng đồng doanh nghiệp, tham mưu cho Nhà nước và chức năng xúc tiến thương mại, đầu tư.

Việc bổ sung thêm chức năng đại diện cho cộng đồng doanh nghiệp đánh đấu bước trưởng thành vượt bậc của VCCI. Với tư cách là tổ chức quốc gia đại diện cho cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam, VCCI đã góp phần thúc đẩy quá trình hình thành và phát triển cơ chế kinh tế thị trường ở Việt Nam, xây dựng đội ngũ doanh nghiệp, doanh nhân, cải thiện môi trường kinh doanh và đầu tư, trở thành cầu nối quan trọng giữa Nhà nước và doanh nghiệp, cùng hướng tới mục tiêu phát triển đất nước.

Với tư cách là tổ chức quốc gia đại diện cho cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam, VCCI đã góp phần thúc đẩy quá trình hình thành và phát triển cơ chế kinh tế thị trường ở Việt Nam, xây dựng đội ngũ doanh nghiệp, doanh nhân, cải thiện môi trường kinh doanh và đầu tư, trở thành cầu nối quan trọng giữa Nhà nước và doanh nghiệp, cùng hướng tới mục tiêu phát triển đất nước.

Tháng 2 năm 1994, Hoa Kỳ dỡ bỏ lệnh cấm vận thương mại đối với Việt Nam đã có hiệu lực năm 1975. Tháng 9/1994, đoàn doanh nghiệp Việt Nam gồm 150 nhà doanh nghiệp do Chủ tịch VCCI dẫn đầu sang thăm Hoa Kỳ và tổ chức triển lãm tại San Francisco, bang Clifornia.

Trong 4 ngày triển lãm, doanh nghiệp Hoa Kỳ và người Mỹ gốc Việt đến xem rất đông. Hàng hóa Việt Nam mang sang đến ngày thứ ba đã bán hết. Đoàn doanh nghiệp Việt Nam rất phấn khởi và tự hào. Cuộc triển lãm đã thành công ngoài mong đợi và đã được Bộ Ngoại giao ghi vào báo cáo đối ngoại năm 1999 và là 1 trong 10 sự kiện lớn về đối ngoại của Việt Nam thời kỳ đó.

Có thể nói chuyến thăm hoành tráng của đoàn doanh nghiệp Việt Nam tại Hoa Kỳ năm 1994, trước thềm bình thường hóa quan hệ ngoại giao Việt Nam-Hoa Kỳ là một bước đột phá góp phần bắt đầu kỷ nguyên mới chính sách hội nhập quốc tế của Việt Nam là làm bạn với tất cả các nước trên thế giới.

Chuyến đi lịch sử đó cũng mở ra một thời kỳ mới trong quan hệ kinh tế thương mại giữa hai cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam và Hoa Kỳ (một trong những đối tác thương mại quan trọng hàng đầu của Việt Nam hiện nay). Sự kiện doanh nghiệp này cùng với những diễn biến quan trọng cấp cao khác của hai nước, đã mở đường cho quá trình bình thường hóa quan hệ ngoại giao với Việt Nam.

Từ năm 1993 đến nay, VCCI trở thành tổ chức quốc gia có chức năng đại diện để bảo vệ quyền lợi và xúc tiến hỗ trợ cho cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam trong điều kiện tiếp tục hoàn thiện thể chế thị trường và hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế thế giới. VCCI cũng thiết lập quan hệ hợp tác chặt chẽ với gần 200 các tổ chức đối tác quốc tế để hỗ trợ các doanh nghiệp vươn ra thị trường toàn cầu.

VCCI là thành viên tích cực của Phòng Thương mại Quốc tế (ICC), Tổ chức Giới chủ quốc tế (IOE), Liên đoàn Phòng Thương mại và Công nghiệp châu Á-Thái Bình Dương (CACCI), phòng Thương mại và Công nghiệp các nước ASEAN (ASEAN CCI) và các tổ chức khác của cộng đồng doanh nghiệp và giới chủ thế giới.

Khi mới trở thành tổ chức độc lập, cơ quan VCCI có 130 CBCNV, đến nay đã có trên 1.000 CBCNV, hầu hết tuổi đời còn trẻ, 85% tốt nghiệp đại học và trên đại học từ nhiều trường trong và ngoài nước. Về cơ sở vật chất, với tài sản ban đầu hết sức khiêm tốn, chỉ có một trụ sở làm việc đã xuống cấp với diện tích khoảng 600m2, đến nay VCCI đã đầu tư xây dựng một hệ thống trung tâm xúc tiến thương mại đầu tư trong cả nước với tổng diện tích trên 40.000 m2. VCCI đã xây dựng và thành lập một hệ thống văn phòng đại diện, chi nhánh trải đều khắp các vùng miền.

VCCI cũng đã có những đóng góp quan trọng trong việc xây dựng các quan điểm, chính sách và nền tảng pháp lý cho môi trường kinh doanh ở Việt Nam thông qua việc tham gia tích cực vào xây dựng và tổ chức thực hiện Luật Doanh nghiệp đầu tiên năm 1999 tạo tiền đề cơ bản cho các chủ trương, nghị quyết, luật pháp liên quan đến phát triển kinh tế, phát triển doanh nghiệp và doanh nhân sau này.

Ngày 20/9/2004, căn cứ đề nghị của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam và Hiệp hội doanh nghiệp, Thủ tướng Phan Văn Khải đã kí Quyết định số 990/QĐ-TTg về Ngày Doanh nhân Việt Nam, hằng năm lấy ngày 13/10 là “Ngày doanh nhân Việt Nam”. Chính ngày này cách đây 75 năm, Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi thư cho giới công thương Việt Nam.

“… Việc nước và việc nhà bao giờ cũng đi đôi với nhau. Nền kinh tế quốc dân thịnh vượng nghĩa là sự kinh doanh của các nhà công nghiệp, thương nghiệp thịnh vượng. Vậy tôi mong giới Công-Thương nỗ lực và khuyên các nhà công nghiệp và thương nghiệp mau mau gia nhập vào ‘Công-Thương cứu quốc đoàn’ cùng đem vốn vào làm công cuộc ích quốc lợi dân” - Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Cùng đi chúng ta sẽ tiến rất xa

Đến nay, với sự đóng góp chủ lực của cộng đồng doanh nghiệp, Việt Nam vẫn là một trong những nền kinh tế có sự tăng trưởng kinh tế nhanh nhất trên thế giới. Về quan hệ hợp tác song phương, Việt Nam đã thiết lập quan hệ ngoại giao với hơn 170 quốc gia trên thế giới, mở rộng quan hệ thương mại, xuất khẩu hàng hóa tới trên 230 thị trường của các nước và vùng lãnh thổ, ký kết trên 90 Hiệp định thương mại song phương, gần 60 Hiệp định khuyến khích và bảo hộ đầu tư, 54 Hiệp định chống đánh thuế hai lần và nhiều Hiệp định hợp tác về văn hóa song phương với các nước và các tổ chức quốc tế.

Về hợp tác đa phương và khu vực, tháng 7/1995 Việt Nam đã gia nhập ASEAN và chính thức tham gia Khu vực thương mại tự do ASEAN (AFTA) từ 1/1/1996. Đây được coi là một bước đột phá về hành động trong tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế của Việt Nam. Tiếp đó, năm 1996 Việt Nam tham gia sáng lập Diễn đàn hợp tác Á-Âu (ASEM) và đến năm 1998, Việt Nam được kết nạp vào Diễn đàn hợp tác kinh tế châu Á-Thái Bình Dương (APEC). Đặc biệt, tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế của Việt Nam đã có một bước đi quan trọng khi Việt Nam chính thức trở thành thành viên của Tổ chức thương mại thế giới (WTO) vào ngày 11/1/2007 sau 11 năm đàm phán gia nhập Tổ chức này.

Vị thế và sự thịnh vượng đất nước, người dân và doanh nghiệp là sự song hành. Điều này cũng được các doanh nhân nổi tiếng trên thế giới đúc kết. Đương kim giám đốc điều hành của Apple (công ty có giá trị nhất thế giới hiện nay và là công ty Mỹ đầu tiên đạt mức vốn hóa thị trường 2.000 tỷ USD), Tim Cook đã nói: “Tất cả chúng ta đều có cùng một mục đích. Chúng ta đừng tìm kiếm mục đích gì khác nữa bởi mục đích của chúng ta là đều phục vụ nhân loại”. Luôn đặt đất nước lên hàng đầu và sau đó là người tiêu dùng - đây là tư tưởng đầu tiên mà ông Musesh Ambina - doanh nhân giàu nhất châu Á đã chia sẻ trong Hội nghị Thượng đỉnh Lãnh đạo Hindustan Times nhiều năm trước đây và vẫn còn giá trị đến bây giờ. Kinh doanh vì lợi ích quốc gia là ý tưởng cơ bản của doanh nhân Hàn quốc “sae-obboguk”, hay việc tạo ra một quốc gia mạnh hơn thông qua sự thịnh vượng trong kinh doanh.

Cha đẻ của nền công nghiệp sông Hàn, Lee Byung-Chull (nhà sáng lập tập đoàn Samsung) cũng lập luận: việc theo đuổi mục tiêu này phải dựa trên tư duy làm việc vì lợi ích của nhà nước, người dân và cuối cùng là nhân loại.

Trong thư Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi tới giới công thương đã nêu rõ lý luận này ngay sau khi thành lập nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa: “… Việc nước và việc nhà bao giờ cũng đi đôi với nhau. Nền kinh tế quốc dân thịnh vượng nghĩa là sự kinh doanh của các nhà công nghiệp, thương nghiệp thịnh vượng. Vậy tôi mong giới Công-Thương nỗ lực và khuyên các nhà công nghiệp và thương nghiệp mau mau gia nhập vào ‘Công-Thương cứu quốc đoàn’ cùng đem vốn vào làm công cuộc ích quốc lợi dân”.

Chắc chắn không bao lâu nữa khi chúng ta kỷ niệm 40 mùa thu doanh nhân Việt Nam và sau đó là 100 năm ngày thành lập nước, Doanh nghiệp, doanh nhân vẫn sẽ là động lực chính để phát triển kinh tế. Chúng ta sẽ nhìn thấy sự phát triển của các hiệp hội ngành nghề cốt lõi của Việt Nam dưới ngọn cờ VCCI ở trong nước, những thương hiệu sản phẩm “Made in Vietnam” sẽ song hành cùng với sự hiện diện của các VietCham trên các thị trường quốc tế chiến lược của Việt Nam… Và với lý luận Hồ Chí Minh về mục đích chung của Chính phủ và doanh nghiệp, doanh nhân là luôn đặt “quyền lợi đất nước lên hàng đầu” sẽ đảm bảo cho tất cả chúng ta cùng tiến rất xa để Việt Nam “sánh vai với các cường quốc năm Châu”.