📞

Phó Thủ tướng gặp các Bộ trưởng Thụy Điển, Ai-len

19:50 | 15/07/2016
Sáng 15/7, Phó Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh đã có cuộc tiếp Bộ trưởng Giáo dục Thụy Điển Gustav Fridolin và Bộ trưởng Ngoại giao Ai-len Charlie Flanagan.

Các cuộc tiếp diễn ra trong khuôn khổ Hội nghị cấp cao ASEM 11 tổ chức tại Ulaanbaatar, Mông Cổ.

Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh hoan nghênh đề xuất của Thủ tướng Thụy Điển về thiết lập quan hệ Đối tác chiến lược trong lĩnh vực giáo dục - đào tạo và khoa học - công nghệ. Ảnh: N.K

Tại cuộc tiếp Bộ trưởng Giáo dục Thụy Điển Gustav Fridolin, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh đánh giá cao hợp tác kinh tế giữa hai nước, trong đó có việc đầu tư và kinh doanh hiệu quả của nhiều doanh nghiệp Thụy Điển tại Việt Nam.

Phó Thủ tướng cũng cảm ơn Thụy Điển đã luôn ủng hộ Việt Nam trong sự nghiệp giải phóng đất nước trước đây và công cuộc phát triển hiện nay; Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh hoan nghênh đề xuất của Thủ tướng Thụy Điển về thiết lập quan hệ Đối tác chiến lược trong lĩnh vực giáo dục - đào tạo và khoa học - công nghệ. Bộ Ngoại giao sẽ phối hợp với Bộ Giáo dục & Đào tạo và Bộ Khoa học & Công nghệ nghiên cứu đề xuất này.

Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh đề nghị Thụy Điển ủng hộ Việt Nam được tiếp tục tiếp cận vốn ưu đãi IDA của WB với cam kết giảm theo lộ trình phù hợp với khả năng và điều kiện của Việt Nam, đồng thời thúc đẩy WB xây dựng phương án trả nợ phù hợp nhằm bảo đảm khả năng trả nợ bền vững.

Tại cuộc gặp Bộ trưởng Ngoại giao Ai-len Charlie Flanagan, Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh hoan nghênh chuyến thăm Việt Nam của Tổng thống Ai-len dự kiến vào cuối năm 2016 nhân dịp hai nước kỷ niệm 20 năm ngày thiết lập quan hệ ngoại giao.

Phó Thủ tướng đánh giá cao Chiến lược Quốc gia về Hợp tác phát triển với Việt Nam giai đoạn 2011-2015 do Chính phủ Ai-len đưa ra và sẵn sàng hợp tác chặt chẽ với Ai-len trong việc xây dựng và triển khai Chiến lược này trong giai đoạn tiếp theo.

Bộ trưởng Ngoại giao Ai-len mong muốn hai nước đẩy mạnh hợp tác trên nhiều lĩnh vực còn rất nhiều tiềm năng như văn hóa, giáo dục, nông nghiệp, mở rộng thị trường xuất khẩu hàng hóa Ai-len vào Việt Nam và Đông Nam Á.