Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh thông báo Việt Nam sẽ ứng cử vị trí thành viên Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2023-2025. (Ảnh: Tuấn Anh) |
Chúng ta vừa mới trải qua năm 2020 với những biến động to lớn chưa từng có. Đại dịch Covid-19là dịch bệnh lớn nhất trong 100 năm trở lại đây, không chỉ gây ra những tổn thất to lớn đối với sức khỏe, tính mạng người dân, tạo thêm nhiều sức ép lên hệ thống y tế, an sinh xã hội của các nước, mà còn để lại những tác động trực tiếp, sâu rộng và lâu dài đến mọi mặt đời sống kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội ở tất cả các nơi trên thế giới.
Đại dịch cũng là tác nhân làm bộc lộ rõ hơn các xu hướng vận động tiêu cực vốn đã âm ỉ từ trước đó, nhất là cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn, sự suy yếu của tiến trình toàn cầu hóa và gắn kết kinh tế quốc tế, sự trỗi dậy của chủ nghĩa dân túy, chủ nghĩa bảo hộ.
Bên cạnh đó, các thách thức an ninh phi truyền thống khác như biến đổi khí hậu, thiên tai, lũ lụt cũng có phần gay gắt hơn trong năm 2020 tại nhiều nơi trên thế giới, trong đó có Việt Nam, tác động đến việc thúc đẩy và bảo đảm việc thụ hưởng các quyền và tự do cơ bản của người dân, nhất là quyền được chăm sóc sức khỏe, y tế, tiếp cận giáo dục, việc làm và nỗ lực giảm tình trạng bất bình đẳng.
Nỗ lực "biến nguy thành cơ"
Tuy nhiên, trong bức tranh chung đó vẫn có nhiều điểm sáng, cho chúng ta niềm tin và hy vọng mạnh mẽ về một tương lai tốt đẹp hơn.
Hòa bình, hợp tác và phát triển tiếp tục được duy trì và là xu thế chủ đạo; nền kinh tế thế giới, sau thời gian đầu suy thoái do các biện pháp phòng chống dịch quyết liệt, đã dần thích ứng với trạng thái “bình thường mới”, từng bước phục hồi, trong khi vẫn tiếp tục tiến trình gắn kết thông qua các hiệp định thương mại tự do được ký kết mới.
Hệ thống y tế của các nước về cơ bản đã đứng vững trước sức ép và thể hiện khả năng chống chọi tốt với dịch bệnh, trong đó việc nghiên cứu thành công và nhanh chóng đưa vào sử dụng vaccine phòng Covid-19 ngay trong năm 2020 thực sự là một kỳ tích chưa từng có của nền y học hiện đại.
Dịch Covid-19 cũng góp phần đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số và ứng dụng khoa học công nghệ, nhất là công nghệ thông tin, vào mọi mặt đời sống xã hội, không chỉ góp phần giải quyết các thách thức do đại dịch gây ra, mà còn mở ra hướng phát triển mới của thế giới trong thời gian tới dựa trên khả năng thích ứng, sáng tạo, tinh thần hợp tác, đoàn kết giữa chính phủ và người dân để cùng nhau vượt qua thử thách.
Việt Nam đã lần đầu tiên đề xuất và thúc đẩy thông qua bằng đồng thuận với 112 nước đồng bảo trợ Nghị quyết của Đại hội đồng LHQ lấy ngày 27/12 hàng năm là Ngày quốc tế phòng chống dịch bệnh. |
Sau hơn 30 năm đổi mới và hội nhập quốc tế, Việt Nam đã thực sự là một bộ phận gắn kết của khu vực và thế giới, cùng chia sẻ cả những cơ hội và thách thức mà thế giới đang đối mặt.
Những nỗ lực vượt qua thách thức, “biến nguy thành cơ”, đạt được nhiều thành tựu trên mọi phương diện, trong đó có lĩnh vực quyền con người, đã tạo động lực và tiền đề vật chất cho bước chuyển sang một giai đoạn phát triển mới của đất nước.
Với chủ trương xuyên suốt là đặt người dân vào trung tâm của sự phát triển, không để ai bị bỏ lại phía sau, Đảng và Nhà nước ta đã hành động hết sức nhanh chóng, quyết liệt, huy động sự đồng lòng tham gia của toàn bộ hệ thống chính trị và phát huy sức mạnh đoàn kết của toàn dân để thực hiện thắng lợi cả hai nhiệm vụ chính là bảo đảm sức khỏe, an toàn của người dân trong phòng chống dịch và phục hồi phát triển kinh tế, xã hội.
Những kết quả đạt được đến nay là hết sức đáng khích lệ. Dịch bệnh về cơ bản được kiểm soát tốt; kinh tế duy trì tốc độ tăng trưởng dương 2,91%, thuộc nhóm cao nhất thế giới; an sinh xã hội được bảo đảm; hỗ trợ kịp thời người dân và doanh nghiệp bị tác động bởi đại dịch, nhất là các nhóm yếu thế như người già, phụ nữ, trẻ em, người khuyết tật, đồng thời ta tổ chức gần 300 chuyến bay, đưa hơn 80.000 công dân từ hơn 60 quốc gia, vùng lãnh thổ về nước an toàn.
Những kết quả trên là minh chứng rõ ràng nhất cho thấy Đảng và Nhà nước ta luôn ưu tiên dành mọi nguồn lực để bảo đảm ngày càng tốt hơn các quyền và tự do cơ bản của người dân, ngay cả trong những thời điểm khó khăn nhất.
Vượt trên những khó khăn, thách thức cả trong và ngoài nước, Việt Nam đã chủ động thích ứng với thời cuộc, thể hiện bản lĩnh và sự sáng tạo, qua đó phát huy được vai trò là Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc và Chủ tịch ASEAN, Chủ tịch AIPA 41, có những đóng góp tích cực, cụ thể vào việc duy trì môi trường hòa bình, an ninh, ổn định ở khu vực và trên thế giới.
Chúng ta tiếp tục củng cố và thúc đẩy quan hệ hợp tác với các nước, các tổ chức quốc tế, các đối tác chủ chốt; thúc đẩy thương lượng, ký kết các hiệp định thương mại, đầu tư quan trọng như Hiệp định Thương mại tự do và Hiệp định Bảo hộ đầu tư giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EVFTA, EVIPA), Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện khu vực (RCEP) để tạo động lực mới cho phát triển kinh tế; huy động sự hỗ trợ nguồn lực kịp thời của các nước, tổ chức quốc tế trong phòng chống dịch và khắc phục hậu quả lũ lụt ở miền Trung.
Trên tinh thần đoàn kết quốc tế, tương thân tương ái, Việt Nam đã hỗ trợ khẩu trang, vật tư y tế cho hơn 50 nước và các đối tác quốc tế để phòng chống dịch.
Khép lại năm 2020, Việt Nam đã lần đầu tiên đề xuất và thúc đẩy thông qua bằng đồng thuận với 112 nước đồng bảo trợ Nghị quyết của Đại hội đồng LHQ lấy ngày 27/12 hằng năm là Ngày quốc tế phòng chống dịch bệnh, qua đó đóng góp thiết thực vào nỗ lực chung của thế giới nhằm nâng cao nhận thức về sự cần thiết sẵn sàng ứng phó với dịch bệnh, thể hiện rõ bản lĩnh, khả năng thích ứng nhanh chóng của Việt Nam trước những thử thách, khó khăn.
Chúng ta tự hào khi hai chữ Việt Nam được gắn liền với một điểm đến an toàn, điểm sáng về phòng chống dịch Covid-19 cũng như phục hồi kinh tế, một dân tộc nhân văn và một đối tác tin cậy.
Chủ động thích ứng diễn biến mới
Thế giới của năm 2021 vẫn còn rất nhiều thách thức. Dịch Covid-19 tiếp tục diễn biến phức tạp ở nhiều khu vực và khó có thể được kiểm soát hoàn toàn trong ngắn hạn, kèm theo đó là sức ép và tác động tiêu cực đối với hệ thống y tế và an sinh xã hội, trì hoãn đà phục hồi của nền kinh tế thế giới;
Trong khi đó cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn, chiến tranh, xung đột khu vực, những thách thức về an ninh phi truyền thống như biến đổi khí hậu, thiên tai, lũ lụt có xu hướng gay gắt hơn.
Bối cảnh đó tiềm ẩn nhiều nguy cơ đe dọa tới hòa bình, an ninh và phát triển của đất nước nói chung cũng như tác động mạnh đến nỗ lực thúc đẩy và bảo đảm quyền con người ở Việt Nam nói riêng.
Do đó, giữ vững ổn định chính trị, phát triển kinh tế, thúc đẩy và bảo đảm các quyền con người tiếp tục là ưu tiên và là động lực cho sự phát triển của đất nước, trong đó cần nêu cao tinh thần chủ động, sáng tạo, linh hoạt và thích ứng với bối cảnh mới luôn biến động.
Chúng ta cần tiếp tục nỗ lực hoàn thiện nhà nước pháp quyền, củng cố nền tảng pháp lý và chính sách liên quan đến bảo vệ và thúc đẩy quyền con người; đẩy mạnh hơn nữa việc thực hiện các Mục tiêu phát triển bền vững, trong đó chú trọng các chính sách hướng đến phục vụ người dân, nhất là các nhóm dễ tổn thương;
Làm sâu sắc hơn quan hệ với các đối tác và huy động các nguồn lực từ bên ngoài để phục vụ phát triển đất nước; chủ động, tích cực hội nhập quốc tế sâu rộng, tham gia đóng góp vào các công việc chung của thế giới và khu vực.
Tăng cường hợp tác quốc tế và đối thoại về quyền con người tiếp tục là hướng ưu tiên của Chính phủ trong thời gian tới.
Chúng ta cần phát huy vai trò tại các thể chế đa phương, trong đó hoàn thành tốt nhiệm kỳ Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an LHQ, ứng cử làm thành viên Hội đồng Nhân quyền LHQ nhiệm kỳ 2023-2025; nghiêm túc thực hiện các nghĩa vụ theo các công ước quốc tế về quyền con người mà Việt Nam là thành viên, cũng như các cam kết theo cơ chế Rà soát định kỳ phổ quát (UPR) chu kỳ III của Hội đồng Nhân quyền LHQ.
Ở cấp độ khu vực, Việt Nam tiếp tục giữ vai trò dẫn dắt và tham gia đóng góp thiết thực nhằm thúc đẩy sự phát triển của Cộng đồng ASEAN trên cả ba trụ cột và hợp tác trong ASEAN về quyền con người.
Ở cấp độ song phương, Việt Nam tiếp tục duy trì và tăng cường hiệu quả các cơ chế đối thoại song phương thường kỳ về quyền con người và các chương trình, dự án hợp tác với các nước, các tổ chức quốc tế nhằm trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm đảm bảo ngày càng tốt hơn các quyền con người.
Để thực hiện được các nhiệm vụ nêu trên, các bộ, ban, ngành từ trung ương đến địa phương cũng như từng cán bộ trong phạm vi chức trách của mình phải luôn quán triệt chủ trương, đường lối của Đảng ta về quyền con người, chủ động, tích cực trong phối hợp triển khai các chính sách, pháp luật của Nhà nước, sáng tạo, linh hoạt trên tinh thần vì nhân dân phục vụ.
Với thế và lực mới của đất nước, sự chỉ đạo sáng suốt của Đảng và Chính phủ, sự đồng lòng của người dân, chúng ta sẽ vượt qua mọi thách thức, chủ động thích ứng và nắm bắt được các cơ hội mà thời cuộc mang lại, triển khai thắng lợi Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 2021-2025 và Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2021-2030, qua đó bảo đảm việc thụ hưởng ngày càng tốt hơn các quyền của người dân.
Chịu tác động nặng nề bởi đại dịch Covid-19, kinh tế đất nước suy giảm, thương mại bị đình trệ, hệ thống y tế phải gồng mình chống dịch, số người lao động bị mất hoặc giảm việc làm tăng cao…, việc thụ hưởng các quyền con người cơ bản bị tác động mạnh, nhất là quyền sống, được bảo đảm sức khỏe. Trong bối cảnh đó, với quyết tâm thực hiện các cam kết quốc tế về quyền con người, Chính phủ Việt Nam đã nhanh chóng đưa ra các chính sách, biện pháp đồng bộ, hiệu quả, với ưu tiên hàng đầu là kiểm soát dịch bệnh nhằm bảo vệ sức khỏe của người dân; đồng thời giảm thiểu tác động của dịch đối với nền kinh tế, duy trì và phục hồi sản xuất kinh doanh, bảo đảm việc làm, an sinh xã hội và đời sống của người dân, nhất là những người dễ bị tổn thương. Cùng với quyết liệt kiểm soát dịch bệnh, Chính phủ Việt Nam đặc biệt chú ý bảo vệ các nhóm dễ bị tổn thương, kịp thời thông qua các biện pháp như các gói hỗ trợ an sinh xã hội, với tổng kinh phí hơn 62 nghìn tỷ đồng (tương đương gần 3 tỷ USD) để hỗ trợ hơn 20 triệu người thuộc nhóm người nghèo, người khuyết tật, người già, người lao động bị mất việc làm, không có thu nhập hoặc bị giảm thu nhập… nhanh chóng ổn định cuộc sống. |