Back to E-magazine
e magazine
07:45 | 13/01/2021
NHÀ NGOẠI GIAO KỂ CHUYỆN. Ngày quốc tế sẵn sàng phòng chống dịch bệnh và bài học dung hòa lợi ích (Kỳ 1)

07:45 | 13/01/2021

TGVN. Cuộc phỏng vấn với anh Đỗ Hùng Việt, Vụ trưởng Vụ Các Tổ chức Quốc tế, Bộ Ngoại giao xung quanh Nghị quyết của Đại hội đồng Liên hợp quốc (ĐHĐ LHQ) về Ngày Quốc tế sẵn sàng phòng chống dịch bệnh vào ngày 27/12 hằng năm và những ước vọng ngoại giao đa phương thời gian tới.
NHÀ NGOẠI GIAO KỂ CHUYỆN. Ngày quốc tế sẵn sàng phòng chống dịch bệnh và bài học dung hòa lợi ích (Kỳ 1)

Cuộc hẹn phỏng vấn của tôi với anh Đỗ Hùng Việt, Vụ trưởng Vụ Các Tổ chức Quốc tế, Bộ Ngoại giao, bị lùi lịch hai lần do các công việc đột xuất. Đến khi tôi có mặt tại phòng làm việc của anh, không khí làm việc vẫn bận rộn và đầy hứng khởi. Âu cũng là điều dễ hiểu khi anh đang là người phụ trách Vụ đầu mối các công việc liên quan đến Việt Nam với Liên hợp quốc (LHQ), đặc biệt trong lúc này, khi Việt Nam đảm đương trách nhiệm Ủy viên không thường trực của Hội đồng Bảo an (HĐBA) LHQ.

Câu chuyện của chúng tôi bắt đầu từ Nghị quyết của Đại hội đồng (ĐHĐ) LHQ về Ngày Quốc tế sẵn sàng phòng chống dịch bệnh vào ngày 27/12 hằng năm và những ước vọng ngoại giao đa phương thời gian tới.

Ngày quốc tế sẵn sàng phòng chống dịch bệnh Và bài học dung hòa lợi ích

Xin anh cho biết về ý tưởng về Ngày quốc tế sẵn sàng phòng chống dịch bệnh bắt đầu từ khi nào, bối cảnh ra sao?

Năm 2018, Ban Bí thư đã ban hành Chỉ thị 25 về đẩy mạnh và nâng tầm đối ngoại đa phương, đặt ra những yêu cầu mới, cao hơn đối với công tác đối ngoại đa phương, nhất là tại LHQ.

Trong bối cảnh đó, cùng với việc Việt Nam trúng cử vị trí Ủy viên không thường trực HĐBA LHQ nhiệm kỳ 2020-2021, với sự chỉ đạo sát sao từ Lãnh đạo Bộ Ngoại giao, anh em cán bộ Vụ Các Tổ chức Quốc tế luôn thôi thúc phải có ý tưởng, sáng kiến mới đề xuất tại LHQ và đã triển khai một đề tài nghiên cứu về vấn đề này để có cơ sở đề xuất các ý tưởng mới.

Ngày quốc tế sẵn sàng phòng chống dịch bệnh Và bài học dung hòa lợi ích
Ảnh trên: Một cuộc họp của Adhoc HĐBA LHQ của Vụ Các Tổ chức Quốc tế.

Từ ý tưởng chưa “chín” đến “thời khắc vụt sáng”

Thời điểm dịch Covid-19 bùng phát và lan rộng ở khắp các châu lục cũng là lúc nhiều nước thành viên LHQ đưa ra sáng kiến nhằm chung sức đối phó với dịch bệnh. Vào thời điểm này, công cuộc phòng chống dịch bệnh Covid-19 của Việt Nam đạt hiệu quả tốt và bắt đầu được dư luận thế giới để ý, nhiều nước quan tâm, học hỏi kinh nghiệm chống dịch bệnh của ta.

Ngay trong những ngày tháng đó, chúng tôi bắt đầu trăn trở làm thế nào để giới thiệu với các nước về thành tựu và bài học chống dịch Covid-19 của Việt Nam, coi đó như một đóng góp của nước ta vào quyết tâm và nỗ lực chung của các nước. Là thành viên HĐBA, chúng tôi nghiên cứu về tác động của dịch bệnh đến hòa bình và an ninh quốc tế, nhất là tại các khu vực xung đột hay các Phái bộ LHQ để xem HĐBA cần có các hành động gì.

Nhưng có lẽ ý tưởng lúc đó chưa được “chín” và cũng bị chậm một bước vì chỉ vài ngày sau, có nước khác đã nêu đề xuất tương tự. Anh em chúng tôi có phần tiếc nuối, cảm giác như “ bị giành mất ý tưởng”. Tuy thế, ai cũng vẫn đau đáu về một sáng kiến mới, sáng kiến mang dấu ấn của Việt Nam để theo đuổi mục tiêu chung.

Đó là một ngày cuối tháng Ba.

Giữa lúc nhiều anh em chúng tôi phải làm việc từ nhà, khi cả nước thực hiện giãn cách xã hội, ý tưởng về một ngày quốc tế phòng chống dịch bệnh nêu ra và nhanh chóng được mọi người ủng hộ. Trao đổi thường xuyên trên nhóm trực tuyến, chúng tôi lúc đầu mới chỉ nhắm tới một ngày quốc tế của LHQ, như LHQ vẫn thường lựa chọn từ trước đến nay, để nâng cao nhân thức của cộng đồng quốc tế trong một lĩnh vực nào đó.

Nhưng trong năm 2020, điều rõ ràng ai cũng nhận thấy là đại dịch Covid-19 ập đến mà chưa một quốc gia nào sẵn sàng ứng phó. Hệ thống y tế ở nhiều nước không đủ sức chống chọi. Phần lớn các quốc gia đều bất ngờ vì bản thân chưa có khung chính sách, năng lực cần thiết để ứng phó với cuộc khủng hoảng chưa từng có và ở quy mô rộng lớn như thế này.

Cho nên, càng suy nghĩ phát triển ý tưởng, chúng tôi càng thấy ý nghĩa quan trọng của một ngày quốc tế của LHQ, nhằm nhắc nhở mọi người ứng phó với dịch bệnh quan trọng đến nhường nào.

Khi LHQ thông qua Ngày quốc tế phòng chống dịch bệnh và hằng năm tổ chức các hoạt động kỷ niệm với nhiều chủ đề khác nhau chắc chắn sẽ thu hút được sự quan tâm của người dân, của các cơ quan LHQ và của cả cộng đồng quốc tế đối với nguy cơ dịch bệnh mà hiện nước nào cũng đang phải gồng mình lên đối phó. Hơn thế nữa, nguy cơ này rất có khả năng sẽ lặp lại trong tương lai. Tổng Giám đốc Tổ chức Y tế thế giới (WHO) hay Tổng thư ký LHQ đều nói là đại dịch lần này chưa phải là đại dịch cuối cùng và chắc chắn loài người sẽ còn phải đối mặt với các dịch bệnh khác nữa.

Từ nhận thức đó, chỉ trong vòng khoảng 2-3 ngày, chúng tôi đã dự thảo nghị quyết, lên kế hoạch sơ bộ triển khai và tiến hành các thủ tục nội bộ để xin chủ trương triển khai. Ban đầu, chúng tôi dự tính tranh thủ thủ tục rút gọn được áp dụng trong tình hình đại dịch để đề xuất thông qua tại ĐHĐ bằng “thủ tục im lặng”, tức là nếu không nước nào có ý kiến thì nghị quyết được thông qua. Cách thức này có thể giúp nghị quyết được thông qua trong vòng vài ngày.

Tuy nhiên, sau khi trao đổi với Đại sứ Đặng Đình Quý, Trưởng Phái đoàn Việt Nam tại LHQ, Đại sứ đề nghị phải làm bài bản, đúng quy trình, thủ tục của LHQ để tranh thủ sự ủng hộ rộng rãi hơn của các nước. Vì vậy, Vụ và Phái đoàn phối hợp lên phương án vận động một cách bài bản, quy củ hơn.

Ngày quốc tế sẵn sàng phòng chống dịch bệnh Và bài học dung hòa lợi ích

Cảm giác của anh khi ĐHĐ LHQ thông qua bằng đồng thuận Nghị quyết về Ngày quốc tế phòng chống dịch bệnh?

Hôm đó là khoảng 11 giờ đêm Việt Nam, ngày 7/12/2020.

Chúng tôi nhận được tin nhắn của các anh chị em ở Phái đoàn ta tại LHQ đang dự họp và thực sự òa lên vui sướng. Từ khi hình thành ý tưởng đến khi được thông qua là 9 tháng. Chín tháng kéo dài khiến chúng tôi hồi hộp, thấp thỏm, lo lắng.

Trong khoảng thời gian này, nhiều nước cũng đã đề xuất nhiều dự thảo nghị quyết về các khía cạnh khác nhau về phòng chống dịch bệnh nên các nước đề nghị gom lại thành một nghị quyết tổng hợp (Nghị quyết Omnibus) nên chúng tôi càng lo lắng hơn vì nếu bị gom vào một nghị quyết chung thì e sẽ mất đi nhiều bản sắc của một sáng kiến do Việt Nam đề xuất.

Chúng ta đã rất quyết tâm, kiên trì thuyết phục các nước về giá trị của Ngày quốc tế và chính vì vậy, khi đề xuất của Việt Nam được thông qua bằng một nghị quyết riêng, chúng tôi thấy hết sức tự hào. Tự hào thực sự, bởi vì trên chặng đường 40 năm tham gia LHQ, đây là Nghị quyết đầu tiên do Việt Nam chủ trì đề xuất, thương lượng và thúc đẩy thông qua thành công tại ĐHĐ LHQ. Tự hào vì đây là dấu ấn mới, khẳng định thêm một bước trưởng thành của đối ngoại đa phương Việt Nam tại diễn đàn LHQ.

NHÀ NGOẠI GIAO KỂ CHUYỆN: Ngày quốc tế sẵn sàng phòng chống dịch bệnh và bài học dung hòa lợi ích (Kỳ 1)

Vì sao ĐHĐ LHQ đã chấp thuận và thông qua nghị quyết nói trên do Việt Nam đề xuất?

Tôi nghĩ, vấn đề mình đưa ra LHQ, trước tiên cần phải ở tầm mức toàn cầu, phản ánh mối quan tâm chung, thách thức chung đang đặt ra với toàn nhân loại. Con số 112 nước đồng bảo trợ và 193 nước thành viên LHQ đồng thuận thông qua cho thấy Nghị quyết đã "bắt mạch" trúng được quan tâm của các nước, nhất là được đưa ra vào đúng thời điểm.

Câu chuyện này cho thấy, trên "sân chơi" đa phương, nếu muốn phát huy vai trò dẫn dắt hay tham gia định hình luật chơi chung thì ý tưởng là vô cùng quan trọng. Sáng tạo trong ý tưởng chưa đủ, mà còn cần mạnh dạn đưa ra ý tưởng, quyết tâm, kiên trì theo đuổi ý tưởng đó. Thêm vào đó, cần có sự hiểu biết chuyên sâu và nắm vững quy trình, thủ tục, các cơ chế, diễn đàn liên quan để vận động, đàm phán và cụ thể hóa ý tưởng đó. Điều quan trọng là ta cần hiểu được mức độ quan tâm cùng lợi ích của các quốc gia, từ đó tập hợp lực lượng, xây dựng đồng thuận và điều hòa lợi ích các bên.

Trong quá trình triển khai, chúng tôi nhận được sự chỉ đạo sát sao, quyết liệt của Lãnh đạo Bộ, trực tiếp là Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh. Chính Phó Thủ tướng, Bộ trưởng là người đã nêu ra ý tưởng này đầu tiên trong một hội nghị quốc tế về phòng chống dịch bệnh với sự tham dự của 26 bộ trưởng các nước.

Ngày quốc tế sẵn sàng phòng chống dịch bệnh Và bài học dung hòa lợi ích

Việt Nam đang là Ủy viên không thường trực HĐBA LHQ. Việc này có khiến Nghị quyết được thông qua một cách thuận lợi hơn không?

Đề xuất được đưa ra tại ĐHĐ LHQ nên trong trường hợp Việt Nam không phải là Ủy viên không thường trực HĐBA LHQ thì với tư cách là nước thành viên, chúng ta hoàn toàn có thể đề xuất ý tưởng.

Nhưng phải nhấn mạnh rằng vì Việt Nam đang là Ủy viên HĐBA nên vị thế và tiếng nói của ta rất khác. Các nước rất quan tâm và coi trọng tiếng nói của Việt Nam. Là thành viên của HĐBA cũng tạo lợi thế cho ta trong việc tập hợp lực lượng và vận động các nước tham gia đồng bảo trợ cho nghị quyết.

Quan trọng hơn, thành tích chống dịch tốt của ta cũng làm cho các nước thực sự nể trọng Việt Nam, các ý tưởng của Việt Nam đưa ra là dựa trên kinh nghiệm thực tiễn, nói đi kèm với việc làm và thực tế đã chứng mình năng lực chống dịch Covid-19 của ta. Ở đây, thành tích chống dịch của Việt Nam có ý nghĩa cực kỳ quan trọng. Nghị quyết được thông qua với sự đồng thuận rất cao trong LHQ một phần cũng nhờ vào thành tích đó.

Sẵn sàng cho những nấc thang mới

Với tư cách là quốc gia khởi xướng, Việt Nam cần làm gì để Nghị quyết đi sâu hơn vào thực tiễn?

Mặc dù Nghị quyết được thông qua ngày 7/12, chỉ có 20 ngày để chuẩn bị nhưng Việt Nam cùng 5 nước trong nhóm nòng cốt đã đề nghị TTK LHQ, Chủ tịch ĐHĐ LHQ, Tổng Giám đốc WHO… có thông điệp nhân Ngày quốc tế phòng chống dịch bệnh.

Ở Việt Nam, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã có thông điệp rất quan trọng nhân ngày 27/12. Bộ Y tế tổ chức gặp gỡ trực tuyến trên 700 điểm cầu về công tác phòng dịch.

NHÀ NGOẠI GIAO KỂ CHUYỆN: Ngày quốc tế sẵn sàng phòng chống dịch bệnh và bài học dung hòa lợi ích (Kỳ 1)Từ kinh nghiệm các nước khác khi chủ trì những ngày quốc tế được ĐHĐ LHQ thông qua, chúng ta sẽ chủ động tổ chức các hoạt động kỷ niệm hằng năm. Mỗi năm sẽ có các chủ đề kỷ niệm khác nhau, phối hợp trong nước và với LHQ, WHO cùng các cơ quan đại diện của Việt Nam ở nước ngoài để có các hoạt động phù hợp nhằm gia tăng khả năng sẵn sàng chống dịch bệnh, có sự đầu tư dài hạn cho y tế cộng đồng, chú trọng chăm sóc sức khỏe của người dân.

Chúng ta có nên kỳ vọng vào các ngày quốc tế khác do Việt Nam đề xuất?

Một ngày khác có lẽ là không nhưng chúng tôi đang ấp ủ các sự kiện khác, có thể là các nghị quyết, văn kiện khác. Trước mắt, với tư cách thành viên của HĐBA và Việt Nam làm Chủ tịch HĐBA trong tháng 4/2021, chúng tôi đang định hình các chủ đề ưu tiên để đề xuất được HĐBA xem xét thông qua.

Về lâu dài, Vụ Các Tổ chức Quốc tế với tư cách là đơn vị đầu mối trong Bộ Ngoại giao về quan hệ với LHQ sẽ tiếp tục nghiên cứu, thúc đẩy các sáng kiến khác phù hợp với lợi ích của Việt Nam nhưng cũng phải trúng với quan tâm của các nước khác. Nếu mình chỉ đưa vấn đề mình quan tâm thì sẽ khó được đông đảo các nước đón nhận và ủng hộ. Chỉ khi ta hài hòa được lợi ích quốc gia, dân tộc với mối quan tâm chung của cộng đồng quốc tế thì ý tưởng của chúng ta đưa ra, dù có nhỏ hay khiêm tốn, cũng thực sự có giá trị và mang lại ý nghĩa thiết thực.

Ngày quốc tế sẵn sàng phòng chống dịch bệnh Và bài học dung hòa lợi ích
Vụ trưởng Đỗ Hùng Việt và tập thể cán bộ Vụ Các Tổ chức Quốc tế.

Nội dung: Vân An
Đồ họa: Nguyễn Hồng
Ảnh: Nguyễn Hồng, Vụ Các tổ chức Quốc tế

Đọc thêm

OECD 2024: Nơi kết nối và giao lưu - Mở cơ hội phát triển

OECD 2024: Nơi kết nối và giao lưu - Mở cơ hội phát triển

Nhận lời mời của Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio và Tổng thư ký Tổ chức Hợp tác và phát triển kinh tế (OECD) Mathias Cormann, từ ngày 2-3/5, tại thủ đô Paris, Pháp, Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn đã tham dự Hội nghị Hội đồng Bộ trưởng OECD năm 2024 (MCM 2024).
Một ngày hoạt động đầy năng lượng của Chủ tịch Đại hội đồng UNESCO tại Ninh Bình

Một ngày hoạt động đầy năng lượng của Chủ tịch Đại hội đồng UNESCO tại Ninh Bình

Trong chuyến thăm chính thức Việt Nam từ ngày 24-27/4, Chủ tịch Đại hội đồng Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên hợp quốc (UNESCO) Simona-Mirela Miculescu dành trọn một ngày tham gia nhiều hoạt động ở Ninh Bình.
Diễn đàn Tương lai ASEAN: Mở đầu cho những kế hoạch mới

Diễn đàn Tương lai ASEAN: Mở đầu cho những kế hoạch mới

ASEAN không phải dấu cộng của các cuộc họp, ASEAN là một hành trình. Diễn đàn Tương lai ASEAN (AFF) cũng không phải là tổng các phiên thảo luận, tiếp xúc mà là những ý tưởng vô tận với ý nghĩa đặc biệt “dành riêng cho ASEAN, của ASEAN, vì ASEAN và vì người dân ASEAN”.
Câu chuyện của người xây dựng AWEN - 'Ngôi nhà chung' cho nữ doanh nhân ASEAN

Câu chuyện của người xây dựng AWEN - 'Ngôi nhà chung' cho nữ doanh nhân ASEAN

AWEN - “ngôi nhà chung” cho doanh nhân nữ ASEAN, là dấu ấn đẹp của Việt Nam trong việc tạo dựng một mạng lưới hỗ trợ các doanh nhân nữ trong khu vực, đồng thời khơi dậy tiềm năng của họ cho sự tiến bộ và phát triển toàn diện trong ASEAN.
Mỗi bước đi đều mang theo khát vọng vươn mình

Mỗi bước đi đều mang theo khát vọng vươn mình

Còn nhớ trong một trả lời phỏng vấn trước thềm Xuân Giáp Thìn, Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn từng nhắc đến ước vọng của chính Bộ trưởng và mỗi cán bộ ngoại giao về một thế giới hòa bình và đất nước có cơ đồ, tiềm lực ngày càng lớn mạnh. Tháng Hai - tháng của khát vọng mùa Xuân, với hai chuyến thăm “xuất hành” đa phương và song phương của Bộ trưởng tới châu Âu, có thể thấy rõ những mầm ươm của ước vọng đang lớn dần.
Phụ nữ - hạnh phúc lấp lánh giữa cả những lo toan!

Phụ nữ - hạnh phúc lấp lánh giữa cả những lo toan!

Hạnh phúc là gì? Nhiều khi ta lúng túng! Với mỗi người và đặc biệt với phụ nữ, thật khó để định nghĩa rõ khái niệm này. Cùng Thứ trưởng Ngoại giao, Ủy viên Ban chấp hành Trung ương Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam Nguyễn Minh Hằng có một góc nhìn về “hạnh phúc” nhân dịp Quốc tế Phụ nữ 8/3.