📞

Phòng chống dịch Covid-19: Hy vọng từ vaccine

Hồng Nguyễn 20:27 | 01/06/2021
Việc tiêm vaccine trước hết sẽ giúp tạo miễn dịch cộng đồng, bảo vệ sức khỏe người dân, sau đó giảm bớt sức ép đối với hệ thống y tế và sau cùng tạo tác động tích cực cho phục hồi và tăng trưởng kinh tế, duy trì chuỗi cung ứng sản xuất.
Vaccine là công cụ, “vũ khí” hữu hiệu để đưa cuộc sống trở lại bình thường.

Năm 2021 - năm thứ hai của đại dịch Covid-19, chúng ta chưa biết khi nào dịch bệnh sẽ kết thúc. Trên thế giới, số người mắc và tử vong vì Covid-19 tăng lên mỗi ngày và đến nay đã vượt quá con số 170 triệu ca, trong đó hơn 3,5 triệu ca tử vong.

Những con số trên không đơn thuần chỉ là những số liệu, bởi phía sau mỗi con số đó là một sinh mạng với một danh tính, câu chuyện khác nhau. Họ là cha, là mẹ, là con hay là anh chị em hay cha mẹ của người khác...

Giữa lúc đại dịch Covid-19 lây lan khắp thế giới, nhiều quốc gia tích cực bắt tay vào nghiên cứu chế tạo vaccine và thuốc trị bệnh. Theo thống kê của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), đã có hàng trăm dự án của hàng chục quốc gia tham gia vào nghiên cứu và phát triển vaccine ngừa virus SARS-CoV-2.

Sau những nỗ lực chạy đua với thời gian, chúng ta đã cảm thấy lạc quan về sự phát triển của vaccine ngừa Covid-19, khi một số loại an toàn, đạt hiệu quả được đưa vào sản xuất và thực hiện tiêm chủng mở rộng ở nhiều quốc gia. Người dân trên thế giới, trong đó có người dân Việt Nam đang thấp thỏm chờ đợi để tiêm những liều vaccine ngừa Covid-19.

Sự phát triển của khoa học hiện đại, sự hợp tác về ý chí chính trị ở cấp cao, và sự ưu tiên tài chính khổng lồ đã giúp những liều vaccine có có mặt sớm trong thời gian kỷ lục. Đây như một phép màu, mang lại một niềm hy vọng to lớn cho người dân trên thế giới về một ngày nào đó sẽ kết thúc cuộc khủng hoảng tồi tệ đã bao trùm cả năm 2020.

Nhờ có vaccine, cuộc sống tại nhiều quốc gia dần được "tái sinh" đặc biệt tại Mỹ và châu Âu. Ngày 19/5, các đại sứ của 27 nước thành viên EU đã nhất trí cần nới lỏng các biện pháp hạn chế áp dụng với hành khách ngoài EU, đặc biệt là những người đã tiêm vaccine ngừa Covid-19.

Tại Mỹ, tính đến ngày 30/5 có khoảng 40% dân số của nước này đã tiêm đủ 2 liều vaccine ngừa Covid-19. Ngày 19/5, nước này đã hạn chế hầu hết các biện pháp chống dịch trên khắp 3 bang New York, New Jersey và Connecticut đánh dấu giây phút quan trọng trong cuộc chiến chống Covid-19 ở các bang này. Hầu hết các loại hình kinh doanh tại 3 bang này được phép hoạt động với 100% công suất. Thậm chí, tại New York và Connecticut, những người đã tiêm đủ 2 liều vaccine ngừa Covid-19 đều có thể không cần đeo khẩu trang.

Tại Italy - quốc gia từng là "điểm nóng" của đại dịch Covid-19 một thời gian dài, đến nay đã có khoảng 20% dân số tiêm đủ 2 liều vaccine ngừa Covid-19. Từ "vùng đỏ" nước này hiện nay chủ yếu là "vùng vàng", các quán rượu, nhà hàng được mở cửa, học sinh trở lại trường học, người dân tự do đi lại giữa các "vùng vàng" và tham gia một số sự kiện văn hóa ngoài trời. Tuy nhiên, lệnh giới nghiêm từ 22h-5h vẫn được áp dụng trên khắp nước này, và bắt buộc đeo khẩu trang ở tất cả khu vựccông cộng.

Tại Pháp, tính đến ngày 31/5, nước Pháp bắt đầu tiêm chủng cho toàn bộ người từ 18 tuổi trở lên, trong khi gần 50% người trưởng thành đã được tiêm ít nhất 1 mũi vaccine ngừa dịch Covid-19, hơn 16% dân số đã tiêm đủ 2 liều vaccine. Nước này cũng đã dỡ bỏ lệnh cấm đi lại trong nước, học sinh trở lại trường học, các dịch vụ ngoài trời như quán rượu, cafe, nhà hàng được mở cửa trở lại, các địa điểm thể thao, bảo tàng, rạp chiếu phim cũng được mở cửa đón khách với số lượng hạn chế.

Không riêng gì Mỹ và châu Âu, tại Israel, nơi có tỉ lệ tiêm vaccine ngừa Covid-19 lớn nhất hiện nay là 59% đã không còn cần phải thực hiện các biện pháp như đo thân nhiệt, quy định khoảng cách giữa các khách hàng và dựng vách ngăn giữa người mua và người bán... Yêu cầu về trình thẻ xanh chứng nhận đã tiêm phòng vaccine ngừa Covid-19 khi đến những nơi không gian kín như nhà hàng và rạp chiếu phim, cũng sẽ bị hủy bỏ.

Đối với Đông Nam Á, nhiều quốc gia đang chứng kiến làn sóng Covid-19 quay trở lại với các biến thể nguy hiểm hơn, sau vài tháng tương đối êm ả. Các chuyên gia nhận định, vaccine vẫn sẽ đóng vai trò quan trọng giúp khu vực thoát khỏi đại dịch. Đây cũng là khu vực có mức độ tin tưởng vào vaccine khá cao, song cũng có nhiều nhóm cộng đồng có quan điểm khác nhau. Hầu hết các nước Đông Nam Á đều sử dụng nguồn cung vaccine từ sáng kiến Covax của WHO.

Việc tiêm vaccine ngừa Covid-19 trên diện rộng được xem một biện pháp hữu hiệu nhằm giúp kiểm soát đại dịch. Hiện nay, tỉ lệ tiêm vaccine trung bình trên thế giới là 19/100 người và con số này có sự chênh lệch lớn giữa các nước.

Tại Việt Nam, tốc độ tiêm chủng tăng mạnh kể từ giữa tháng 4. Chỉ trong 20 ngày, từ 18-28/4, gần 700.000 người đã được tiêm 1 liều vaccine. Tỷ lệ người đã tiêm chủng trên 100 dân tại Việt Nam là 0,92, đứng thứ 11 trong khu vực.

Việt Nam chủ yếu dùng vaccine AstraZeneca. Hãng này đến nay đã phân phối cho Việt Nam khoảng 1,6 triệu liều trong tổng cam kết hơn 38 triệu liều.

Bên cạnh đó, chính phủ cho biết đang đàm phán với Pfizer, Moderna, CureVac, Johnson & Johnson và Viện Gamaleya để mua vaccine. Việt Nam đã nhận được cam kết khoảng 110 triệu liều trong năm 2021 từ các đơn vị và nhà sản xuất. Ngoài ra, hai loại vaccine sản xuất trong nước là Nanocovax và Covivac đang được thử nghiệm lâm sàng.

Ngày 17/5, tại cuộc họp Thường trực Chính phủ, Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định, việc mua vaccine phòng Covid-19 là cần thiết, cấp bách và cần phải thực hiện ngay.

Trong điều kiện “chống dịch như chống giặc”, khan hiếm vaccine phòng Covid-19, để sớm có vaccine, Thủ tướng yêu cầu các cơ quan liên quan nêu cao tinh thần trách nhiệm vì sức khỏe nhân dân, cộng đồng, lợi ích của quốc gia, dân tộc, thống nhất thực hiện các giải pháp để có vaccine sớm nhất.

Mới đây, tại cuộc họp Thường trực Chính phủ về phòng, chống dịch Covid-19 ngày 26/5, trước tình hình dịch Covid-19 có những diễn biến phức tạp như hiện nay, Thủ tướng yêu cầu cần phải khẩn trương, thực hiện các giải pháp phù hợp để có đủ vaccine sớm nhất để tiêm phòng cho nhân dân trên diện rộng.

Thủ tướng nhấn mạnh: “Từ Chính phủ đến các bộ, ngành, địa phương, nhất là người đứng đầu đều phải triển khai mạnh mẽ, quyết liệt, thần tốc hơn nữa, hiệu quả hơn nữa chiến lược vaccine phòng dịch Covid-19”.

Theo Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long, vaccine là công cụ, “vũ khí” hữu hiệu để đưa cuộc sống trở lại bình thường.

Bộ trưởng Y tế cho biết, chúng ta đang cố gắng từ nay đến cuối năm 2021 có đủ 150 triệu liều vaccine phòng Covid-19. Không chỉ năm 2021 mà các năm tiếp theo, chúng ta phải đảm bảo đủ vaccine phòng Covid-19 cho người dân.

Ngoài huy động mọi nguồn lực để nhập vaccine từ các nước trên thế giới, chúng ta còn tự nghiên cứu, phát triển, sản xuất vaccine “made in Vietnam”, mua bản quyền, nhận chuyển giao công nghệ sản xuất vaccine phòng Covid-19 cũng như liên doanh, liên kết đối với những đơn vị sản xuất vaccine phòng Covid-19 trên thế giới để có thể tự chủ được nguồn vaccine phòng Covid-19 sớm nhất; đồng thời, lập Quỹ vaccine để tạo nguồn lực sớm mua vaccine cho người dân. Song song với đó, Chính phủ cũng đang cố gắng đảm bảo nguồn lực xã hội để tất cả người dân Việt Nam được tiếp cận vaccine miễn phí.

Bước sang năm thứ hai đương đầu với đại dịch, chúng ta chưa biết khi nào dịch Covid-19 sẽ kết thúc, nhưng chúng ta biết rằng, chiến thuật đúng, thực hiện nghiêm túc 5K, vaccine công bằng, thực hiện trên diện rộng là vũ khí bảo vệ các thành trì chống dịch giúp Việt Nam chiến thắng toàn cục trước “sát nhân vô hình” này.

Theo Bộ Y tế và nhiều chuyên gia Việt Nam, giai đoạn đầu, khi chưa được tiêm vaccine, mỗi người nhiễm virus có thể lây cho trung bình 2-3 người. Khi khoảng 70% dân số Việt Nam được tiêm vaccine sẽ tạo ra quần thể có thể miễn dịch với tác nhân truyền nhiễm và đủ để bảo vệ những đối tượng không thể tiêm chủng như trẻ em. Biện pháp 5K vẫn sẽ đóng vai trò chính trong việc ngăn chặn sự lây lan của virus trong cộng đồng cho tới khi số người được tiêm vaccine đạt được ngưỡng này.

Việc tiêm vaccine trước hết sẽ giúp tạo miễn dịch cộng đồng, bảo vệ sức khỏe người dân, sau đó giảm bớt sức ép đối với hệ thống y tế và sau cùng tạo tác động tích cực cho phục hồi và tăng trưởng kinh tế, duy trì chuỗi cung ứng sản xuất.