TIN LIÊN QUAN | |
Nhiều hoạt động nhân Tháng hành động quốc gia phòng chống HIV/AIDS | |
Còn nhiều thách thức trong công tác phòng, chống HIV/AIDS |
Nhân Ngày thế giới phòng chống HIV/AIDS, sáng 1/12, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Chủ tịch Ủy ban quốc gia phòng, chống AIDS và phòng, chống tệ nạn ma túy và mại dâm đã dự Hội thảo về tăng cường hiệu quả hợp tác giữa các tổ chức xã hội với các đối tác trong phòng, chống HIV/AIDS.
Nhắc lại không khí Hội nghị Thượng đỉnh lần thứ nhất về HIV/AIDS tại Paris (Pháp) năm 1994 với những ánh mắt lo lắng, có nét hoang mang của không ít đại biểu trước thực trạng lây nhiễm nhanh của HIV/AIDS mà không có phương thuốc hữu hiệu, nhiều người chết, có quá ít hy vọng, Phó Thủ tướng cho rằng nhờ nỗ lực của thế giới, đến nay bệnh dịch HIV/AIDS cơ bản được kiểm soát, nhiều nguy cơ lây nhiễm được cảnh báo. Những người nhiễm HIV đã được phát hiện và điều trị, nhiều người tiếp tục sống khỏe mạnh.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh vai trò của cộng đồng trong phòng, chống HIV/AIDS. (Ảnh: VGP/Đình Nam) |
“Điều đặc biệt quan trọng là xã hội đã nhìn nhận những người nhiễm HIV/AIDS là những người bệnh cần được sự giúp đỡ, chia sẻ để vượt qua. Chúng ta cũng không quên trong năm 2016 vẫn có thêm 2 triệu người nhiễm HIV mới, ở Việt Nam có thêm 10.000 người nhiễm mới. Vì vậy, nếu chúng ta không tích cực phòng chống thì đại dịch HIV/AIDS rất dễ bùng phát trở lại”, Phó Thủ tướng nói.
GS. Đặng Vũ Minh, Chủ tịch Liên hiệp các hội khoa học Việt Nam (VUSTA) cho biết, những năm qua, các tổ chức xã hội đã góp phần tích cực vào việc đẩy mạnh cung cấp dịch vụ dự phòng HIV/AIDS. Tính đến ngày 30/9/2016, dự án can thiệp tại cộng đồng của VUSTA đã xây dựng được 96 tổ chức dựa vào cộng đồng để cung cấp dịch vụ dự phòng HIV/AIDS cho hơn 70.000 khách hàng ở 15 tỉnh/thành phố. Trong 9 tháng đầu năm 2016, dự án VUSTA đã chuyển gửi hơn 43.000 khách hàng đi xét nghiệm HIV, qua đó phát hiện hơn 2.100 ca HIV dương tính và kết nối thành công cho hơn 1.500 người được điều trị thuốc kháng virus (ARV).
Cách tiếp cận “Củng cố, xây dựng hệ thống cộng đồng bền vững” đã chứng tỏ bước đi đúng đắn và góp phần quan trọng việc phòng, chống có hiệu quả HIV/AIDS ở Việt Nam. Một số tổ chức xã hội và tổ chức cộng đồng đã tìm được cách và tích lũy được kinh nghiệm huy động nguồn lực để thực hiện những hoạt động phòng, chống HIV/AIDS.
Hiện có khoảng 80% người nhiễm HIV ở Việt Nam biết được tình trạng của mình, 55% được điều trị ARV.
Trao đổi với các đại diện các tổ chức xã hội trong nước và quốc tế, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho biết Chính phủ luôn chú trọng, kiên trì trong công tác phòng chống HIV/AIDS và cả những tệ nạn xã hội liên quan như ma túy, mại dâm.
Trong giai đoạn 2011-2015, tổng kinh phí dành cho hoạt động phòng chống HIV/AIDS ở Việt Nam khoảng 4.600 tỷ đồng, trong đó nguồn tài trợ của các tổ chức quốc tế đóng vai trò quan trọng, chiếm 60%. Điều đó cho thấy phòng, chống HIV/AIDS không giới hạn ở những cơ quan, hay những người thuộc nhóm dễ bị lây nhiễm mà rất cần sự tham gia của các tổ chức xã hội, cộng đồng.
“Chúng ta đã làm rất tốt, nhiều dự án thành công đã đem ánh sáng, cuộc đời trở lại cho rất nhiều người không may bị nhiễm HIV. Điều rất cảm động là rất nhiều em bé đã được sinh ra hoàn toàn khỏe mạnh, không bị lây nhiễm HIV”, Phó Thủ tướng chia sẻ.
Nói về Chương trình 90-90-90 của Liên Hợp Quốc, bảo đảm 90% người nhiễm HIV biết được tình trạng của bản thân; 90% trong số này được điều trị ARV suốt đời; 90% số người điều trị ARV đáp ứng tốt để không lây nhiễm cho người khác, nhằm kết thúc đại dịch AIDS vào năm 2030, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh thời gian không còn dài nhưng còn rất nhiều việc phải làm để tăng tỷ lệ người nhiễm HIV/AIDS được xét nghiệm, tiếp cận với các biện pháp điều trị bằng thuốc ARV…
Bên cạnh sự hỗ trợ của các tổ chức xã hội trong nước và quốc tế, Chính phủ, ngành y tế đang xây dựng các kế hoạch nhằm tăng tỷ lệ người nhiễm HIV được điều trị bằng thuốc ARV (hiện ở mức 55%) giai đoạn 2016-2020 với kinh phí dự kiến trên 2.900 tỷ đồng (gần gấp đôi giai đoạn 2011-2015). Cùng với đó, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành quyết định về bảo đảm 100% người nhiễm HIV đều được cấp thẻ BHYT, được BHYT chi trả khám và điều trị bệnh.
Nhưng điều quan trọng nhất, theo Phó Thủ tướng là cả xã hội cần tiếp tục vào cuộc, đồng hành với những tổ chức đang đi đầu, nỗ lực trong phòng chống căn bệnh này, đồng hành với người nhiễm HIV/AIDS cũng như những người có nguy cơ cao bằng nhiều giải pháp đồng bộ, không chỉ trong tư vấn, xét nghiệm, điều trị mà cả hoạt động truyền thông trên báo chí, qua các hình thức sinh hoạt xã hội đa dạng.
“Cả thế giới, trong đó có Việt Nam, cam kết thực hiện mục tiêu 90-90-90 nhưng để đạt được điều này thì mỗi người phải nỗ lực 100-100-100”, Phó Thủ tướng nói.
Hỗ trợ, bảo vệ trẻ em bị nhiễm và phơi nhiễm HIV/AIDS Ngày 22/11, tại Hà Nội, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội phối hợp với Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) tổ chức Hội ... |
Phòng chống HIV: Cần lấy phụ nữ làm trọng tâm Ngày càng nhiều phụ nữ đối mặt với nguy cơ nhiễm HIV. Đó chính là lý do các chuyên gia đầu ngành kêu gọi đưa phụ ... |
Bảo mật thông tin cho người nhiễm HIV điều trị bằng thuốc ARV Hiện nay nhiều người nhiễm HIV điều trị bằng thuốc ARV đã quen với việc hàng tháng đến khám và điều trị HIV/AIDS, nhận thuốc ... |