📞

Phòng chống lao động trẻ em ở Việt Nam: Cam kết đi cùng hành động, vững tin vượt chướng ngại Covid-19

Hoàng Hà 14:14 | 12/06/2020
TGVN. Với nỗ lực của đất nước, Việt Nam sẽ là một trong số những quốc gia ít bị Covid-19 tác động nhất đến những nỗ lực giảm thiểu lao động trẻ em.
Em Châu Trương Thanh được hỗ trợ học nghề cơ khí tại một tiệm sửa xe máy. (Nguồn: ILO)

Em Châu Trương Thanh, 14 tuổi, sống ở An Giang cùng bố mẹ và 2 em. Trong những năm qua, gia đình Thanh phải đối mặt rất nhiều vất vả, khó khăn hơn nữa khi căn bệnh nan y của bố luôn phải chữa trị và cần người chăm sóc.

Gia đình thiếu thốn, không đủ điều kiện để cả 3 anh em cùng đi học, Thanh và em trai 12 tuổi phải nghỉ học, bán vé số kiếm thêm thu nhập giúp mẹ. Cô em gái 8 tuổi là người duy nhất trong gia đình Thanh còn được đi học.

Thanh chỉ là 1 trong số rất nhiều trường hợp trẻ em ở Việt Nam nói riêng và thế giới nói chung phải tham gia lao động từ sớm. Mặc dù đã có những tiến bộ đáng kể trong những năm qua, lao động trẻ em (LĐTE) vẫn là một nan đề phổ biến không chỉ ở Việt Nam, mà trên toàn thế giới.

Theo Báo cáo Khảo sát quốc gia do Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội (LĐTB&XH), Tổ chức lao động quốc tế (ILO) tại Việt Nam và Tổng cục Thống kê thực hiện năm 2012, Việt Nam có khoảng 1,75 triệu LĐTE, chiếm 9,6% số trẻ em toàn quốc.

Hầu hết LĐTE ở Việt Nam làm việc trong các lĩnh vực phi chính thức, khó tiếp cận, phần lớn là trong lĩnh vực nông nghiệp hoặc bán hàng rong. Khoảng một phần ba trẻ làm việc hơn 42 giờ mỗi tuần, ảnh hưởng không nhỏ tới việc học tập, trong khi số trẻ em không đi học chiếm đến 42%.

Theo số liệu của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) năm 2017, ước tính, toàn thế giới có khoảng 152 triệu LĐTE ở độ tuổi 5-17 làm việc trong các trang trại, cánh đồng, nhà máy, trên đường phố, thậm chí cả chiến trường, trong đó 73 triệu trẻ em phải làm những công việc nặng nhọc và nguy hiểm.

Khẳng định cam kết quốc tế

Theo Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Nguyễn Thị Hà, công tác phòng ngừa, giảm thiểu LĐTE ở Việt Nam trong thời gian qua đã được Nhà nước quan tâm đầu tư. Việt Nam là nước đầu tiên ở châu Á và nước thứ hai trên thế giới phê chuẩn Công ước của LHQ về quyền trẻ em. Việt Nam cũng đã phê chuẩn Công ước số 182 của ILO về việc cấm và những hành động tức thời để loại bỏ những hình thức LĐTE tồi tệ nhất, Công ước số 138 của ILO về tuổi tối thiểu làm việc.

Việt Nam cũng thể hiện sự cam kết mạnh mẽ tham gia phòng ngừa LĐTE thông qua việc ban hành hệ thống luật pháp và chính sách liên quan như Bộ Luật lao động năm 2012; Luật trẻ em năm 2016. Năm 2013, Bộ LĐ-TB&XH đã ban hành thông tư quy định danh mục các công việc và nơi làm việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm cấm sử dụng lao động là người chưa thanh niên, một công cụ quan trọng trong công tác phòng ngừa LĐTE.

Năm 2016 Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình phòng ngừa và giảm thiểu lao động trẻ em giai đoạn 2016-2020. Bên cạnh đó, để tiến tới hiện thực hóa việc loại bỏ LĐTE, Chính phủ đã cam kết đạt được Mục tiêu phát triển bền vững 8.7 hướng tới một thế giới không còn lao động cưỡng bức, nô lệ thời hiện đại, buôn bán người và LĐTE dưới mọi hình thức, chấm dứt mọi hình thức lao động trẻ em vào năm 2025 và xóa bỏ nạn buôn người và nô lệ hiện đại vào năm 2030.

Nhằm khẳng định nỗ lực của Chính phủ đối với mục tiêu này, Việt Nam là một trong những quốc gia tiên phong cho Liên minh toàn cầu nhằm xóa bỏ lao động cưỡng bức, nô lệ thời hiện đại, buôn bán người và LĐTE (Liên minh 8.7), được khởi động từ năm 2016 với mục đích hỗ trợ các quốc gia hoàn thành Mục tiêu 8.7.

Hiện nay, Việt Nam đang triển khai xây dựng một Kế hoạch hành động quốc gia giai đoạn 2019-2025 để thực hiện mục tiêu 8.7, theo đó, tập trung vào giải quyết vấn đề LĐTE trên các lĩnh vực như phòng ngừa LĐTE trên lĩnh vực nông nghiệp, phòng ngừa LĐTE liên quan đến kinh tế và chuỗi cung ứng, phòng ngừa di cư buôn bán trẻ em vì mục đích bóc lột kinh tế, phòng ngừa LĐTE liên quan đến lĩnh vực giáo dục.

Theo ông Đặng Hoa Nam, Cục trưởng Cục Trẻ em Bộ LĐ-TB&XH: “Nhờ chính sách giảm nghèo và các chính sách an sinh xã hội khác, đặc biệt là những nỗ lực truyền thông, giáo dục, nâng cao năng lực quốc gia về phòng ngừa và giảm thiểu LĐTE, số LĐTE ở Việt Nam đã giảm khá nhiều. Báo cáo khảo sát quốc gia năm 2018 cho thấy, tỷ lệ LĐTE đã giảm từ 9,6% xuống gần 5,4%, thấp hơn nhiều so với tỷ lệ chung của khu vực châu Á-Thái Bình Dương và toàn cầu".

Bên cạnh đó, Việt Nam cũng phối hợp chặt chẽ với ILO thực hiện các dự án nhằm nâng cao năng lực quốc gia Phòng ngừa và giảm thiểu LĐTE, giúp đỡ các LĐTE có nền tảng vững chắc đề tìm kiếm được nghề nghiệp trong tương lai.

Cho đến nay, Thanh và nhiều LĐTE đã được tiếp cận với các chương trình dạy nghề phù hợp với nhu cầu của thị trường và năng lực của chính các em, từ đó, đảm bảo tương lai nghề nghiệp cho bản thân. Trương Thanh nói rằng, nếu không được giúp đỡ, có lẽ em hiện vẫn đang bán vé số dạo và không dám mơ ước gì để thoát nghèo, thế nhưng, giờ đây, em đang vững vàng từng bước để hướng tới ước mơ mà em ấp ủ.

Hầu hết LĐTE ở Việt Nam làm việc trong các lĩnh vực phi chính thức, khó tiếp cận, phần lớn là trong lĩnh vực nông nghiệp hoặc bán hàng rong. (Nguồn: Internet)

Giữ vững mục tiêu, vượt chướng ngại Covid-19

Gần 6 tháng qua, Việt Nam và thế giới đang phải đối phó với cuộc khủng hoảng nghiêm trọng từ đại dịch viêm đường hô hấp cấp Covid-19 gây nên cái chết của hơn 400.000 người và hơn 7,5 triệu người nhiễm bệnh. Nguy hiểm hơn, số người nhiễm hàng ngày vẫn tăng phi mã trong khi chưa tìm ra thuốc điều trị đặc hiệu cũng như vaccine phòng bệnh.

Trong khi đó, báo cáo tóm tắt mới đây của ILO và Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) cho thấy, đại dịch có thể khiến LĐTE gia tăng sau 20 năm có những tiến bộ trong lĩnh vực này kể từ năm 2000. Trong 20 năm qua, số lượng LĐTE trên thế giới đã giảm tới 94 triệu trẻ, tuy nhiên, thành quả ấy đang lung lay do đại dịch Covid-19.

Tại Việt Nam, vào tháng 4 năm nay, ILO ước tính từ 4,6-10,3 triệu lao động có thể bị ảnh hưởng bởi đại dịch, trong số đó, có hàng trăm nghìn LĐTE đang làm những công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm. Khi đại dịch Covid-19 ảnh hưởng đến thu nhập của gia đình, những LĐTE này thậm chí còn có nguy cơ phải làm việc nhiều giờ hơn hoặc trong điều kiện tồi tệ hơn.

Trong bối cảnh đó, Giám đốc Văn phòng ILO tại Việt Nam Lee Chang-hee cho rằng: "Cần hành động ngay lập tức để bảo vệ trẻ em khỏi LĐTE và duy trì các nỗ lực quốc gia nhằm ngăn chặn và xóa bỏ LĐTE. An sinh xã hội có vai trò quan trọng trong thời kỳ khủng hoảng vì chính hệ thống này cung cấp hỗ trợ cho những nhóm dễ bị tổn thương nhất".

Với sự hỗ trợ của ILO, Việt Nam đang thực hiện đánh giá nhanh về tác động của Covid-19 đối với LĐTE trên toàn. Đánh giá này sẽ cung cấp thông tin để xây dựng Kế hoạch Hành động Quốc gia về Phòng ngừa và Giảm thiểu LĐTE giai đoạn 2021-2025.

Ông Nam cho biết: “Những tác động của Covid-19 đến bảo vệ trẻ em và vấn đề lao động trẻ em sẽ được Bộ LĐ-TB&XH, các bộ, ngành có liên quan nghiên cứu, rút ra bài học để xây dựng kế hoạch tiếp tục lộ trình giảm thiểu lao động trẻ em đến năm 2025 và 2030".

"Chúng ta hãy cùng nỗ lực hành động, đặc biệt trong năm 2021 là năm quốc tế về phòng ngừa và giảm thiểu lao động trẻ em, để đại dịch Covid-19 không thể cản trở các quốc gia hướng đến việc hoàn thành các mục tiêu phát triển bền vững đến năm 2030, đặc biệt trong đó có mục tiêu 8.7".

“Với những nỗ lực của Chính phủ và nhân dân trong ngăn chặn đại dịch, đồng thời triển khai các gói hỗ trợ cho người lao động có nguy cơ bị mất việc, doanh nghiệp có nguy cơ bị phá sản, hộ nghèo và cận nghèo, Việt Nam sẽ là một trong số những quốc gia ít bị đại dịch Covid-19 tác động nhất đến những nỗ lực giảm thiểu LĐTE”, ông Nam khẳng định.

Theo ILO, thuật ngữ “lao động trẻ em” là bất kỳ công việc gì sử dụng trẻ em dẫn đến tước đi thời thơ ấu của trẻ, cản trở việc học hành và gây tác hại về tinh thần, thể chất, xã hội hay đạo đức. Nhiều tổ chức quốc tế coi lao động trẻ em là bóc lột. Pháp luật nhiều nước trên thế giới cấm LĐTE.

LĐTE tồn tại từ lâu trên thế giới ở nhiều mức độ khác nhau. Theo Công ước 182, các hình thức LĐTE tồi tệ nhất bao gồm:

a) Mọi hình thức nô lệ hay tương tự nô lệ như buôn bán và vận chuyển trẻ em, gán nợ và lao động nô lệ và lao động cưỡng bức trong đó có tuyển mộ cưỡng bức trẻ em tham gia vào các xung đột vũ trang;

b) Sử dụng, dụ dỗ hoặc lôi kéo trẻ em vào hoạt động mại dâm, sản xuất các sản phẩm phim ảnh khiêu dâm hoặc biểu diễn khiêu dâm.

c) Sử dụng, dụ dỗ hoặc lôi kéo trẻ em vào các hoạt động bất hợp pháp, đặc biệt vào mục đích sản xuất và vận chuyển chất ma tuý như được nêu tại các hiệp định quốc tế;

d) Những công việc mà tính chất hoặc các điều kiện của nó có thể xâm hại đến sức khoẻ, an toàn và đạo đức của trẻ.

Các hình thức 'công việc' cụ thể sử dụng trẻ em làm việc được coi là LĐTE tùy thuộc vào độ tuổi của trẻ, loại và giờ làm việc, các điều kiện làm việc và các mục tiêu mà từng quốc gia theo đuổi.

Năm 2020, ILO đề xuất lấy ngày 12/6 làm ngày thế giới phòng chống LĐTE nhằm nâng cao nhận thức và hành động để ngăn chặn lao động trẻ em và đã được Liên hợp quốc công nhận.