62% các nạn nhân bị TNGT đường bộ đều có độ cồn trong máu |
Theo Tổ chức Y tế thế giới, ở các nước có thu nhập cao, 20% số trường hợp tử vong do tai nạn đường bộ có liên quan sử dụng rượu bia khi lái xe hoặc có nồng độ cồn trong máu vượt quá ngưỡng quy định Tại Mỹ, thiệt hại kinh tế do các vụ va chạm giao thông liên tuan đến rượu bia là 51,1 tỷ USD. Tại Nam Phi, riêng chi phí cho tai nạn giao thông do rượu bia đã là 14 triệu USD. Tại Thái Lan, 30% số vụ tai nạn giao thông có liên quan đến sử dụng rượu bia. Điều đó có nghĩa là tổng chi phí cho tai nạn giao thông có liên quan đến rượu bia là 1 tỷ USD. Tại Việt Nam, báo cáo tình hình tai nạn giao thông đến cấp cứu tại bệnh viện năm 2008 cho thấy tổng số tai nạn giao thông nhập viện là 183508, trong đó số trường hợp tai nạn giao thông có dùng rượu bia chiếm tỷ lệ 12,6% trong tổng số các trường hợp TNGT. Đây cũng là nguyên nhân thứ hai gây tử vong cho nhóm người trẻ từ 5 - 25 tuổi.
Ông Hồ Nghĩa Dũng - Bộ trưởng Bộ GTVT, Chủ tịch Uỷ ban An toàn giao thông quốc gia cho biết kết quả nghiên cứu tại Bệnh viện Việt Đức và Xanh Pôn cho thấy: 62% các nạn nhân bị TNGT đường bộ đều có độ cồn trong máu.Lượng cồn trong máu cao nhất là 458mg/100ml máu, gấp tới 6 lần nồng độ cồn cho phép hiện tại và gấp 9 lần độ cồn cho phép sẽ được áp dụng từ ngày 1.7.2009 sắp tới. “Hàng năm, ngân sách và chi phí của nhân dân dành cho việc khắc phục hậu quả do lạm dụng rượu bia trong giao thông là một khoản tiền không nhỏ, thậm chí vượt xa kinh phí đóng góp từ ngành đồ uống có cồn”, ông Dũng nói.
Bà Nguyễn Ngọc Lan - Phó Cục trưởng Cục Y tế dự phòng và Môi trường (Bộ Y tế) cho rằng tỷ lệ các trường hợp TNGT có nồng độ cồn trong máu vẫn còn thấp thấp so với thực tế, bởi mới chỉ có 35 bệnh viện trên cả nước lập báo cáo theo dõi hàng năm.
Cần sự phối hợp đồng bộ
Công tác phòng chống TNGT tại Việt Nam do rượu bia gặp không ít khó khăn do phần đông người dân Việt Nam có thói quen “nhậu nhẹt”, một nhu cầu không thể thiếu, một nếp sinh hoạt hàng ngày, mà bằng chứng cụ thể là quán nhậu trong nước đua nhau nở rộ như nấm, đủ kiểu, đủ đẳng cấp từ bình dân đến sang trọng.Mức thuế mà Chính phủ áp dụng cho các sản phẩm rượu bia nhập khẩu hiện từ 20-75% chưa được đánh giá là một biện pháp giúp giảm bớt thói quen “nhậu nhẹt” khi mà vô số các chủng loại nước uống có cồn vẫn thi nhau chen chân vào thị trường tiêu thụ hấp dẫn tại Việt Nam.
Ông Robert Klein, Giám đốc Hiệp hội An toàn Đường bộ Toàn cầu(GRSP) chia sẻ: “Kinh nghiệm và thực tế cho phép khẳng định rằng sự phối hợp nhịp nhàng và đồng bộ của tất cả các ban ngành chủ chốt là cơ sở để các dự án phòng chống rượu bia khi điều khiển phương tiện có thể thành công”.
Theo ông Trần Sơn - Cục Cảnh sát giao thông đường bộ - đường sắt thì các cơ quan điều tra cần phải quyết liệt hơn trong việc điều tra, truy tố, xét xử các vụ án TNGT có nguyên nhân từ rượu bia. Tránh tình trạng đền bù, khắc phục thiệt hại của người vi phạm ATGT với nạn nhân để miễn truy cứu trách nhiệm hình sự.
Từ ngày 1/7/2009, quy định mới về nồng độ cồn của Chính phủ sẽ chính thức có hiệu lực. Nồng độ còn hiện là 80mg/100ml máu hoặc 40mg/l khí thở sẽ giảm xuống còn 50mg/100ml máu hoặc 0,25mg/l khí thở đối với người điểu khiển ô tô xe máy và bằng 0 đối với người điều khiển xe ô tô, máy kéo, xe máy chuyên dùng. Về xử phạt hành vi vi phạm nồng độ cồn, Nghị định 146/2007/NĐ – CP ngày 14/9/2007 của Chính phủ quy định:
- Phạt tiền từ 1.000.000 – 3.000.000 VND và bị tước giấy phép lái xe 60 ngày đối với người điều khiển ô tô và các loại xe tương tự ô tô - Phạt tiền từ 400.000 – 800.000 VND, bị tước quyền sử dụng GPLX 30 ngày và đình chỉ lưu hành phương tiện 10 ngày đối với người điều khiển xe moto, xe gắn máy.
Trong nghị định bổ sung, sửa đổi NĐ 146 sắp tới, hành vi này sẽ bị áp dụng mức phạt cao hơn nữa, nhất là đối với người điều khiển xe ô tô, máy kéo, xe máy chuyên dùng. |
Anh Lan