Bài học từ Singapore
Kể từ năm 2000, châu Á – Thái Bình Dương đã có những đóng góp đáng kể vào tăng trưởng kinh tế toàn cầu và nỗ lực giảm nghèo. Tuy nhiên, gần nửa tỉ dân, chủ yếu là ở các vùng nông thôn xa xôi khu vực Nam Á vẫn chưa tiếp cận được với điện.
Khoảng 70% các hộ gia đình ở các khu đảo Thái Bình Dương không có điện thắp sáng, con số này tương đương với khu vực gần sa mạc Sahara ở châu Phi. Thực trạng thiếu điện dẫn đến tình trạng đói nghèo ở các khu nhà ổ chuột, ngăn họ tiếp cận với những “nấc thang đầu tiên” đến sự thịnh vượng.
Trước thực tế đó, bà Shamshad Akhtar, Phó Tổng thư ký Liên hợp quốc và thư ký điều hành của Ủy ban Kinh tế và Xã hội Châu Á-Thái Bình Dương (ESCAP) hoàn toàn lạc quan rằng khu vực có thể cải thiện bức tranh này và đưa khu vực phát triển tốt hơn. Bà Shamshad Akhtar lấy ví dụ bài học từ Singapore.
Singapore đang thúc đẩy sử dụng nguồn năng lượng mặt trời. (Nguồn: The TODAY) |
Khi Singapore vừa trở thành quốc gia độc lập, một trong những nhiệm vụ đầu tiên của Chính phủ Singapore khi ấy là cung cấp đủ các điều kiện sinh hoạt cần thiết như điện nhằm đảm bảo cuộc sống căn bản cho người dân. Chương trình điện nông thôn của Singapore đã được đưa ra vào năm 1963, giúp 200.000 người dân có thể tiếp cận được với nguồn điện một cách ổn định.
Nhờ đó, Singapore không những đáp ứng được nhu cầu năng lượng ngày càng tăng do quá trình công nghiệp hóa nhanh chóng mà còn hỗ trợ tốt nhất người dân quốc đảo tiếp cận với các dịch vụ chăm sóc y tế và giáo dục cơ bản. Đây là những nền tảng cơ bản để nuôi dưỡng nguồn nhân lực có tay nghề - “hạt giống” của đất nước và là xương sống cho nền kinh tế quốc đảo.
Ngày nay, 100% người dân Singapore tiếp cận được với điện và mạng lưới điện ở đảo quốc sư tử này là một trong những mạng lưới điện chất lượng nhất thế giới với khoảng thời gian gián đoạn không quá một phút/người hàng năm. Thành công của Singapore trong việc cung cấp điện là bài học cho khu vực, do đó, quốc đảo cũng thường xuyên tổ chức các khóa học chính sách và kỹ thuật cho các cán bộ có chuyên ngành liên quan ở nhiều nước khu vực châu Á.
Mô hình đối tác công tư
Theo bà Shamshad Akhtar, gần đây, châu Á nổi lên là nhà sản xuất và cung ứng công nghệ năng lượng tái tạo lớn trên thế giới. Điều này được minh chứng thông qua việc năm 2015, toàn khu vực đã đầu tư gần 160 tỷ USD vào nguồn năng lượng tái tạo. Đặc biệt, năng lượng mặt trời, một nguồn năng lượng phổ biến và chi phí thấp, đang được khu vực chú trọng đầu tư thông qua xây dựng các hệ thống nhà năng lượng mặt trời và các lưới năng lượng mini…
Năng lượng mặt trời không chỉ được đầu tư ở châu Á, năm nay, nhiều hợp đồng lớn liên quan tới năng lượng mặt trời quy mô lớn đã được thực hiện tại Trung Đông và Nam Mỹ với chi phí sản xuất khoảng 0,03USD/1kwh, khiến năng lượng mặt trở thành nguồn năng lượng rẻ hơn bất kỳ nguồn năng lượng nào khác. Cùng với đó, những tiến bộ về công nghệ trong lưu trữ năng lượng cũng đã góp phần thúc đẩy thị trường tiêu thụ năng lượng mặt trời tăng mạnh, nhất là thị trường xe điện.
Ở nhiều nước khu vực châu Á-Thái Bình Dương, việc mở rộng lưới điện tới các khu vực xa xôi hẻo lánh sẽ phải mất chi phí cao hơn. Điều này ảnh hưởng tới các kế hoạch phân phối năng lượng dài hạn. Nhiều doanh nghiệp khu vực tư nhân đã tiên phong phát triển hệ thống năng lượng chi phí thấp, đưa điện đến cấp làng, xã ở những vùng xa xôi thông qua các hệ thống thủy điện siêu nhỏ, sử dụng nguồn khí sinh học hoặc nguồn năng lượng mặt trời.
Ở nhiều nước trong khu vực, lĩnh vực năng lượng là do nhà nước quản lý và cung ứng. Hiện nay, vai trò của khu vực tư nhân trong việc cung cấp năng lượng còn khá hạn chế, chỉ chiếm 18% tổng vốn đầu tư. Bà Shamshad Akhtar cho rằng để thúc đẩy sự tham gia của các đơn vị tư nhân, các chính phủ phải cung cấp các chính sách ưu đãi đúng đắn, bao gồm cả khung giảm thiểu rủi ro, bảo lãnh vốn vay và cải thiện các quỹ tín dụng hỗ trợ khác.
Khoảng 70% các hộ gia đình ở các khu đảo Thái Bình Dương không có điện thắp sáng. (Nguồn: the TODAY) |
Bà Shamshad Akhtar dẫn ví dụ ở Ấn Độ, trong suốt một thập kỷ qua, nước này sử dụng mô hình đối tác công tư-PPP, một hình thức đầu tư được thực hiện trên cơ sở hợp đồng giữa cơ quan nhà nước có thẩm quyền và nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án để thực hiện, quản lý, vận hành dự án kết cấu hạ tầng, cung cấp dịch vụ công, trong nỗ lực cung ứng điện năng tới 32 triệu hộ dân trên phạm vi cả nước.
Theo bà Shamshad Akhtar, việc cung cấp điện tới khu vực nông thôn có nhiều lợi ích như tạo động lực phát triển kinh tế, tăng thị trường tiêu thụ sản phẩm hàng hóa cũng như dịch vụ như truyền hình, qua đó tạo ra nhiều cơ hội kinh doanh. Bà nhấn mạnh, các chính phủ không nên đánh giá thấp tiềm năng của các doanh nghiệp tư nhân trong việc cung ứng nguồn năng lượng. Ước tính, hiện nay, tổng mức sử dụng năng lượng khu vực đã lên tới 37 tỷ USD, chủ yếu là dầu lửa, pin hoặc nến. Đây là những nguồn năng lượng hiệu quả không cao và tốn kém hơn các nguồn năng lượng sạch có thể thay thế.