Back to E-magazine
e magazine
14:36 | 09/03/2023
Phụ nữ ngoại giao: 'Chất thép' trong 'bông hồng đỏ'

14:36 | 09/03/2023

Bận rộn với lịch trình làm việc từ sáng sớm cho tới tối muộn như bao ngày nhưng hôm nay Thứ trưởng Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng vẫn tranh thủ khoảng thời gian trống để chia sẻ với phóng viên chúng tôi đôi điều chị suy nghĩ về phụ nữ ngoại giao, những “bông hồng đỏ” trong ngày 8/3.

Phụ nữ ngoại giao: 'Chất thép' trong 'bông hồng đỏ'

Phụ nữ ngoại giao: 'Chất thép' trong 'bông hồng đỏ'

Thưa Thứ trưởng, ngoại giao và phụ nữ - nghề và người làm nghề có những “chỉ tiêu” và “ưu ái” nào dành cho nhau để nghề chọn người và người chọn nghề?

Tôi cho rằng dù là nam hay nữ, khi đứng trước ngưỡng cửa cuộc đời để lựa chọn cho mình một nghề có thể gắn bó và cống hiến thì quyền, cơ hội và thách thức của họ đều như nhau. Hạnh phúc nhất có lẽ là được lựa chọn công việc mà mình yêu thích và mong muốn – người chọn nghề. Cũng có những khi nghề chọn mình. Nhưng trong cả hai trường hợp, trong nghề ngoại giao, tôi cho rằng không có “chỉ tiêu” hay “ưu ái” nào cho phụ nữ cả.

Phụ nữ ngoại giao: “Chất thép” trong “bông hồng đỏ”

Với nghề Ngoại giao, cả nam hay nữ khi dự tuyển đều phải đáp ứng các tiêu chí như nhau về trình độ chuyên môn, ngoại ngữ, bản lĩnh, kỹ năng, đạo đức… Không có điểm “cộng” diểm “ưu tiên” cho nữ. Thậm chí nữ còn khó hơn nam vì tỷ lệ cạnh tranh nhiều hơn.

Những năm gần đây, công tác tuyển dụng vào Bộ Ngoại giao đều rất chú trọng tới yếu tố kỹ năng. Kỹ năng ở đây không phải là kiến thức “sách vở” về mặt lý thuyết mà là kỹ năng mềm, kỹ năng ứng xử, xử lý tình huống để chọn ra những “mầm xanh” ngoại giao tương lai hiện đại, không chỉ mang trong mình một hành trang tri thức vững vàng, một nhân cách sống tốt và cả sự tự tin khi thuần thục các kỹ năng để ứng phó với các tình huống.

Phụ nữ ngoại giao: “Chất thép” trong “bông hồng đỏ”

Phụ nữ ngoại giao: “Chất thép” trong “bông hồng đỏ”

Để trở thành một nữ ngoại giao thành công và hạnh phúc với nghề, theo Thứ trưởng đâu là những điều kiện và đòi hỏi tiên quyết?

Ngạn ngữ Tây Ban Nha có câu rằng: Mọi công việc thành công đều nhờ sự kiên trì và lòng say mê. Nghề ngoại giao hay bất kể nghề nghiệp nào đều có những khó khăn, có lúc thăng – trầm, do vậy, cần hơn hết một lòng say mê, gắn bó và tinh thần dấn thân với nghề. Thành công chỉ đến khi chúng ta tận tâm, tận lực, cống hiến trọn vẹn cho việc mình đang làm. Với thái độ hời hợt, làm cho xong việc thì không thể thành công, hoặc có chăng đó chỉ là vận may nhất thời, và đó không thể gọi là “thành công của mình”!

Có những mức khác nhau đặt ra để đánh giá kết quả công việc của mỗi cá nhân như hoàn thành nhiệm vụ hay hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Tôi cho rằng việc hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ sẽ đem lại thành công cho chính bạn chứ không chỉ đóng góp vào công việc chung. Thành công của cá nhân còn là thành quả được bạn bè, đồng nghiệp, cơ quan, tổ chức, nhà nước thừa nhận và đánh giá. Thành công ấy đôi khi không phải là việc bạn đạt được một vị trí, chức vụ nhất định nào đó trong cơ quan mà có thể chỉ giản đơn là sự ghi nhận của đồng nghiệp, bè bạn và xã hội. Hạnh phúc là khi kết quả việc mình làm có ích cho xã hội, dù chỉ là rất nhỏ.

Phụ nữ ngoại giao: “Chất thép” trong “bông hồng đỏ”

Quan điểm về thành công đó có thể được thấy ở rất nhiều nhà ngoại giao nói chung và nữ ngoại giao nói riêng, dù không đảm nhận những vị trí cao “ông nọ, bà kia” nhưng họ luôn được bạn bè, đồng nghiệp, kể cả nhân dân ghi nhận, yêu mến, trân quý. Như hình ảnh người phiên dịch trong những cuộc đàm phán quan trọng, họ có thể không được nhắc tên trên báo chí, truyền thông nhưng họ đã đi vào lịch sử, góp phần làm nên lịch sử! Hay có cả những nhà ngoại giao đã phải hy sinh cả máu xương, sinh mệnh của mình cho nghề, khi đang làm nhiệm vụ. Họ luôn được đồng nghiệp nhiều thế hệ nhắc tới và tri ân. Đó chính là hạnh phúc thực sự và thành công đích thực.

Với phụ nữ ngoại giao Việt Nam, tôi cảm nhận được, đa số có lòng yêu nghề, tận tụy với nghề. Rõ ràng, phụ nữ, bên cạnh công việc chuyên môn còn có những thiên chức, bổn phận khác… do vậy, luôn phải phấn đấu, nỗ lực nhiều hơn, kể cả vượt qua định kiến của Phương Đông. Với đặc thù phải đi công tác nhiệm kỳ ở nước ngoài như ngành ngoại giao, nhiều chị em đi công tác một mình thì bên cạnh nỗ lực làm việc cơ quan còn phải đảm đương vai trò vừa làm mẹ vừa làm cha, chăm lo nuôi dạy con cái. Như vậy, người phụ nữ phần nào phải hy sinh nhiều hơn, phải vượt qua định kiến và vượt lên chính mình, cân bằng giữa thiên chức của người phụ nữ đối với gia đình và công việc.

Phụ nữ ngoại giao: “Chất thép” trong “bông hồng đỏ”

Trong bối cảnh hiện nay, khi ngoại giao số là một đòi hỏi tất yếu, nữ ngoại giao cần phải làm như thế nào để sớm thích nghi và phát huy được thế mạnh trong công việc, thưa Thứ trưởng?

Đến thời điểm này, có thể khẳng định rằng chuyển đổi số đã không còn là một khái niệm mới, xu thế mới, mà đã trở thành một thực tế, đòi hỏi tất yếu trong hầu hết các lĩnh vực của đời sống, kể cả ngoại giao. Covid-19, mặc dù là một cuộc đại khủng hoảng nhưng bên cạnh những tác động tiêu cực nhưng mặt tích cực của nó là tạo ra cú huých để chuyển đổi số nhanh, mạnh hơn, thích ứng mau lẹ với khủng hoảng.

Như nhiều lĩnh vực khác, trong ngành ngoại giao, tôi cho rằng có một sự bình đẳng về giới trong môi trường số. Khi hoạt động trong môi trường số, cơ bản người ta không thể phân biệt nam hay nữ, do vậy cũng có thể giảm được những định kiến hay phân biệt về giới. Bên cạnh đó, hoạt động trong môi trường số giúp giảm thiểu một số gánh nặng về áp lực phải cân bằng công việc của phụ nữ. Phụ nữ có thể tận dụng được công nghệ để giảm thiểu khối lượng công việc cả về chân tay và trí tuệ, từ đó có thêm nhiều thời gian cho gia đình và bản thân, không còn thấy “bí” trong việc giải bài toán cân bằng, vốn đôi khi trở thành nỗi niềm trăn trở hay rào cản.

Phụ nữ ngoại giao: “Chất thép” trong “bông hồng đỏ”

Môi trường số tạo còn tạo cho phụ nữ ngoại giao nhiều cơ hội để bình đẳng với nam giới, không chỉ trong công việc mà cả trong lĩnh vực đào tạo theo cái cách là phải chủ động tiếp cận với công nghệ. Công nghệ số đòi hỏi phụ nữ ngoại giao phải có khả năng thích ứng, khắc phục được những nhược điểm như thiếu sự chủ động, tâm lý ngại tiếp cận cái mới, từ đó phải học hỏi để cải thiện năng lực về công nghệ.

Bộ Ngoại giao luôn rộng mở những cánh cửa để mọi người có thể phát huy tối đa khả năng trong môi trường số. Bộ ta là một trong những cơ quan đi đầu trong việc ứng dụng chuyển đổi số, khai thác và phát huy truyền thông mạng xã hội trong công tác thông tin tuyên truyền đối ngoại. Bộ ta cũng là một trong những Bộ rất quan tâm đến đào tạo và nâng cao năng lực cho cán bộ nữ, nhất là các kỹ năng hiện đại, kỹ năng số. Mới đây nhất ngày 1/3 Bộ ta và Đại sứ quán Australia khai giảng khoá đào tạo về nâng cao năng lực chuyển đổi số cho cán bộ ngoại giao trẻ. Tôi tin rằng trong thời đại số, phụ nữ ngoại giao sẽ có nhiều cơ hội thành công trong nghề nếu biết nắm bắt cơ hội, tận dụng các điều kiện thuận lợi và nỗ lực học tập, tiếp cận cái mới, nhất là công nghệ.

Phụ nữ ngoại giao: “Chất thép” trong “bông hồng đỏ”

Thưa Thứ trưởng, một “bông hồng thép” có lẽ không chỉ cần “chất thép” mà còn cần cả sự mềm mại, sự tự tin tỏa sáng. “Chất thép” và sự mềm mại đó trong mỗi “bông hồng thép” ngoại giao được thể hiện như thế nào?

Đâu đó chúng ta vẫn hay nghe những câu như: Chị này nữ tính, chị kia nữ tính! Phụ nữ bao giờ vẫn là phụ nữ, có những “bản sắc” riêng làm nên chân dung của người phụ nữ. Đó có thể là sự mềm mại, vẻ đẹp ngoại hình, vẻ đẹp ấy như bao người vẫn so sánh với hình ảnh bông hồng. Nhưng vẻ đẹp làm nên nhân cách của người phụ nữ có lẽ còn xuất phát từ bên trong, vẻ đẹp của nội lực toát lên mà một trong số đó có “chất thép”. “Chất thép” ấy với nghề ngoại giao là bản lĩnh, sự vững vàng trong mọi tình huống, trung thành với lợi ích quốc gia, dân tộc. Đây là một đòi hỏi quan trọng trong môi trường ngoại giao, không chỉ ở trong nước mà cả ngoài nước, trong những môi trường chịu nhiều sự tác động từ bên ngoài.

Phụ nữ ngoại giao: “Chất thép” trong “bông hồng đỏ”

Ở một người phụ nữ ngoại giao cần phải kết tinh được cả “bông hồng” và “chất thép” đó mới có thể đi đến được thành công, vững vàng trong nghề nghiệp. Hai vế này luôn luôn song hành, hiện hữu cùng nhau. “Đẹp” hoàn hảo không chỉ là từ vẻ bên ngoài mà còn từ nội tâm toát lên, sự mềm mại, nhân hậu, cốt cách và vững vàng trong công việc.

Với cá nhân Thứ trưởng, việc là một nhà ngoại giao nữ mang lại cho Thứ trưởng những lợi thế cũng như khó khăn nào trong công việc đối ngoại?

Như tôi đã nhấn mạnh, nam hay nữ trong ngoại giao đều phải thực hiện những nhiệm vụ, sứ mệnh như nhau, đảm bảo những yêu cầu của nghề nghiệp như nhau. Nhưng cách thể hiện của phụ nữ mềm mại hơn nam giới, do vậy, trong nhiều trường hợp có thể dễ dàng được chấp nhận hơn. Tuy nhiên, phụ nữ ngoại giao cũng luôn cần rắn rỏi, kiên định, đôi khi là cả sự nghiêm khắc.

Đúng là khi đào tạo cán bộ cho những địa bàn khó khăn, khắc nghiệt người ta thường nghĩ tới nam giới. Tuy nhiên, không phải lúc nào cũng vậy. Vẫn có những cánh tay nữ giới xung phong đi bộ đội, tham gia lực lượng an ninh (với số lượng ngày càng cao), tham gia sứ mệnh của lực lượng gìn giữ hòa bình ở những khu vực khó khăn như châu Phi. Trong ngoại giao, nữ giới cũng có mặt khắp nơi trên thế giới, từ địa bàn phức tạp, gian khó như châu Phi hay xa xôi như Mỹ La tinh, thậm chí kể cả ở những nước còn tồn tại sự phân biệt giới như các nước Hồi giáo Trung Đông.

Phụ nữ ngoại giao: “Chất thép” trong “bông hồng đỏ”

Phụ nữ ngoại giao: “Chất thép” trong “bông hồng đỏ”

Nếu có thể gửi một thông điệp lúc này tới các nữ ngoại giao, thông điệp đó sẽ là gì, thưa Thứ trưởng?

Tôi muốn nhắn gửi một điều rằng nếu như các bạn đã lựa chọn nghề ngoại giao, lựa chọn con đường sự nghiệp này thì phải chuyên tâm, dấn thân, trách nhiệm với nghề. Nếu có được lòng yêu nghề, say mê với nghề thêm nữa thì đó là một sự trọn vẹn! Như câu tục ngữ quen thuộc – có công mài sắt, có ngày nên kim; trồng cây sẽ có ngày hái quả, nỗ lực hết mình bạn sẽ nhận lại những thành quả xứng đáng.

Chúng ta cảm ơn Đảng, Nhà nước, Chính phủ, cơ quan, tổ chức đã luôn đề cao chính sách bình đẳng giới. Tuy vậy, chúng ta cũng không nên cứ ỷ lại, trông chờ vào điều đó bởi như vậy sẽ mất đi thế chủ động và cũng không thể phấn đấu đạt được bình đẳng giới bởi lẽ bình đẳng giới cần cả từ hai phía – bên ngoài hỗ trợ và bên trong bản thân nữ giới tự cố gắng.

Phụ nữ ngoại giao: “Chất thép” trong “bông hồng đỏ”

Và điều không thể quên đó là phụ nữ - “bông hồng”, vì vậy chúng ta cũng cần phải chăm sóc cho bản thân mình, từ hình thức, sức khỏe tâm hồn, thể chất để vui, cống hiến với nghề. Đây là nền tảng quan trọng để có được thành công trong nghề, xa hơn là một sự nghiệp như ta mong muốn.

Khi đưa ra lời khuyên cho cán bộ trẻ của Bộ ta, Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn đã từng trích dẫn câu nổi tiếng rất xúc động, sâu sắc của nhân vật Pavel Korchagin trong truyện "Thép đã tôi thế đấy" của nhà văn Liên Xô (cũ) Nikolai A.Ostrovsky: "Thép đã tôi trong lửa đỏ và nước lạnh, lúc đó thép trở nên không hề biết sợ". Phụ nữ vốn thường có nhiều điều để “sợ”, vậy làm sao có thể vững tin để vượt qua chính nỗi sợ của bản thân, thưa Thứ trưởng?

Tôi cho rằng điều quan trọng hơn cả dù là nam hay nữ để không “sợ” và không “biết sợ” là phải có niềm tin, tin vào việc mình đang làm mà cao hơn là tin vào lý tưởng sống mình đang theo đuổi. Mình đã lựa chọn con đường này thì mình phải có niềm tin vào chính sự chọn lựa đó và củng cố niềm tin bằng công việc mình làm bằng sự nỗ lực hết mình. Khi có thành quả, thành công thì mình lại càng có thể vững tin hơn. Có niềm tin thì chúng ta mới có thể đi đến tận cuối của con đường vốn theo lẽ thường chẳng khi nào “trải bước những hoa hồng”.

Xin trân trọng cảm ơn Thứ trưởng!

Thục hiện: Phương Hằng | Đồ họa: Lim Dim | Ảnh: TGVN, TGCC...

Đọc thêm

OECD 2024: Nơi kết nối và giao lưu - Mở cơ hội phát triển

OECD 2024: Nơi kết nối và giao lưu - Mở cơ hội phát triển

Nhận lời mời của Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio và Tổng thư ký Tổ chức Hợp tác và phát triển kinh tế (OECD) Mathias Cormann, từ ngày 2-3/5, tại thủ đô Paris, Pháp, Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn đã tham dự Hội nghị Hội đồng Bộ trưởng OECD năm 2024 (MCM 2024).
Một ngày hoạt động đầy năng lượng của Chủ tịch Đại hội đồng UNESCO tại Ninh Bình

Một ngày hoạt động đầy năng lượng của Chủ tịch Đại hội đồng UNESCO tại Ninh Bình

Trong chuyến thăm chính thức Việt Nam từ ngày 24-27/4, Chủ tịch Đại hội đồng Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên hợp quốc (UNESCO) Simona-Mirela Miculescu dành trọn một ngày tham gia nhiều hoạt động ở Ninh Bình.
Diễn đàn Tương lai ASEAN: Mở đầu cho những kế hoạch mới

Diễn đàn Tương lai ASEAN: Mở đầu cho những kế hoạch mới

ASEAN không phải dấu cộng của các cuộc họp, ASEAN là một hành trình. Diễn đàn Tương lai ASEAN (AFF) cũng không phải là tổng các phiên thảo luận, tiếp xúc mà là những ý tưởng vô tận với ý nghĩa đặc biệt “dành riêng cho ASEAN, của ASEAN, vì ASEAN và vì người dân ASEAN”.
Câu chuyện của người xây dựng AWEN - 'Ngôi nhà chung' cho nữ doanh nhân ASEAN

Câu chuyện của người xây dựng AWEN - 'Ngôi nhà chung' cho nữ doanh nhân ASEAN

AWEN - “ngôi nhà chung” cho doanh nhân nữ ASEAN, là dấu ấn đẹp của Việt Nam trong việc tạo dựng một mạng lưới hỗ trợ các doanh nhân nữ trong khu vực, đồng thời khơi dậy tiềm năng của họ cho sự tiến bộ và phát triển toàn diện trong ASEAN.
Mỗi bước đi đều mang theo khát vọng vươn mình

Mỗi bước đi đều mang theo khát vọng vươn mình

Còn nhớ trong một trả lời phỏng vấn trước thềm Xuân Giáp Thìn, Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn từng nhắc đến ước vọng của chính Bộ trưởng và mỗi cán bộ ngoại giao về một thế giới hòa bình và đất nước có cơ đồ, tiềm lực ngày càng lớn mạnh. Tháng Hai - tháng của khát vọng mùa Xuân, với hai chuyến thăm “xuất hành” đa phương và song phương của Bộ trưởng tới châu Âu, có thể thấy rõ những mầm ươm của ước vọng đang lớn dần.
Phụ nữ - hạnh phúc lấp lánh giữa cả những lo toan!

Phụ nữ - hạnh phúc lấp lánh giữa cả những lo toan!

Hạnh phúc là gì? Nhiều khi ta lúng túng! Với mỗi người và đặc biệt với phụ nữ, thật khó để định nghĩa rõ khái niệm này. Cùng Thứ trưởng Ngoại giao, Ủy viên Ban chấp hành Trung ương Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam Nguyễn Minh Hằng có một góc nhìn về “hạnh phúc” nhân dịp Quốc tế Phụ nữ 8/3.