Cuộc thảo luận diễn ra tại trụ sở Liên hợp quốc (LHQ) với sự tham dự của bà Mary Robinson - Đặc phái viên đặc biệt của LHQ về El Nino và Biến đổi khí hậu, các cấp lãnh đạo của Việt Nam và 5 đại biểu phụ nữ đến từ các tỉnh bị ảnh hưởng của biến đổi khí hậu và thiên tai là Bến Tre, Bắc Kạn, Đồng Tháp và Thừa thiên Huế.
Với chủ đề "Hành động vì biến đổi khí hậu: Phụ nữ là người nắm giữ giải pháp", các đại biểu đã chia sẻ về những khác biệt mà phụ nữ có thể mang lại trong các hoạt động về biến đổi khí hậu và quản lý rủi ro thiên tai, đặc biệt trong bối cảnh gần đây Việt Nam phải ứng phó với hạn hán và xâm nhập mặn.
Tại đây, bà Mary Robinson đã lắng nghe những ý kiến từ cấp cơ sở, những ý kiến này đều kêu gọi cần tăng cường sự tham gia của phụ nữ vào các hoạt động về biến đổi khí hậu và quản lí rủi ro thiên tai.
Bà Mary Robinson tại cuộc thảo luận. (Nguồn: UN Women) |
Đó là phần chia sẻ của các phụ nữ cơ sở - những người đã tham gia tích cực vào các hoạt động về biến đổi khí hậu và quản lí rủi ro thiên tai tại các tỉnh Bến Tre, Bắc Kạn, Đồng Tháp và Thừa Thiên Huế. Sinh sống tại các tỉnh bị ảnh hưởng nặng nề nhất từ thiên tai và biến đổi khí hậu tại Việt Nam, các chị đã chia sẻ về ảnh hưởng của biến đổi khí hậu và thiên tai đối với cuộc sống của mình, những thách thức gặp phải và các giải pháp đã được đề ra.
Để công tác phòng chống thiên tai, cũng như giảm nhẹ và thích ứng với biến đổi khí hậu được thành công cần có sự tham gia của cả nam giới và phụ nữ. Tại Việt Nam, ở nhiều nơi phụ nữ đang đóng vai trò chủ động trong các hoạt động này. Tuy nhiên, vai trò và những đóng góp của họ trong công tác quản lí rủi ro thiên tai còn chưa được ghi nhận. Phụ nữ ít được tham gia vào bộ máy hoạch định chính sách trong hệ thống chính trị và quản lí ở cấp địa phương. Điều này đã có những ảnh hưởng đến khả năng ứng phó thiên tai có nhạy cảm về giới.
Vì vậy, buổi thảo luận đề xuất các giải pháp để tăng cường sự tham gia của phụ nữ trong xây dựng và triển khai các chính sách về biến đổi khí hậu có yếu tố giới. Các khách mời thảo luận cách thức để chuyển đổi những kinh nghiệm từ cơ sở thành chính sách và những việc cần làm để hỗ trợ và nâng cao năng lực và kiến thức của phụ nữ, giúp họ trở thành người thúc đẩy sự phát triển bền vững tại cộng đồng địa phương.
Trưởng đại diện UN Women tại Việt Nam Shoko Ishikawa đề cao vai trò quan trọng của phụ nữ trong các hoạt động ứng phó với thiên tai và biến đổi khí hậu. “Họ là những người đầu tiên chăm sóc các thành viên trong gia đình khi thiên tai xảy ra. Quá trình lập kế hoạch giảm nhẹ rủi ro thiên tai và thích ứng với biến đổi khí hậu sẽ chưa thể thành công nếu không có những ý kiến đóng góp của phụ nữ. Phục hồi sau thiên tai ở cộng đồng sẽ không thể đạt được nếu chúng ta không tăng cường năng lực phục hồi của phụ nữ. Chúng ta cần tận dụng khả năng và nguồn lực của họ khi ứng phó với biến đổi khí hậu”, bà Shoko Ishikawa chia sẻ.
Việt Nam là một trong các quốc gia dễ bị tổn thương và bị ảnh hưởng nặng nề nhất từ biến đổi khí hậu. Việt Nam là nước đứng thứ 7 trong Báo cáo về Chỉ số rủi ro khí hậu toàn cầu được công bố năm 2015, theo đánh giá những thiệt hại do biến đổi khí hậu gây ra trong giai đoạn 1994 – 2013.
Trong bối cảnh biến đổi khí hậu đang gây ra những ảnh hưởng ngày càng rõ rệt, phụ nữ là nguồn lực có giá trị nhưng vẫn chưa được phát huy tối đa. Đưa phụ nữ vào trọng tâm của các hoạt động về biến đổi khí hậu sẽ góp phần phát huy sức mạnh tổng hợp, và tạo điều kiện để họ có thể đóng vai trò chủ chốt trong những nỗ lực của quốc gia nhằm ứng phó với thảm họa và biến đổi khí hậu.
Mary Robinson là cựu Tổng thống nước Ireland (1990–1997), cựu Cao ủy LHQ về Nhân quyền (1997 – 2002). Từ tháng 3-8/2013, bà là Đặc phái viên của Tổng thư ký LHQ tại Vùng Hồ Lớn của châu Phi. Từ tháng 8/2014 – 12/2015, bà là Đặc phái viên của Tổng thư ký LHQ về Biến đổi khí hậu. Vào tháng 5/2016, Tổng thư ký LHQ bổ nhiệm bà là Đặc phái viên về El Nino và Khí hậu. Hiện nay, bà cũng đang là Chủ tịch Quỹ Mary Robinson – Công bằng khí hậu. Quỹ Mary Robinson – Công bằng khí hậu là một nơi hội tụ cho các sáng kiến về lãnh đạo, giáo dục và vận động chính sách về các cuộc đấu tranh đảm bảo công lý toàn cầu cho những người dễ bị tổn thương trước các tác động của biến đối khí hậu nhưng thông thường cũng là những người bị lãng quên – người nghèo, người yếu thế và thiệt thòi trên toàn thế giới. |