Qua đại dịch Covid-19, đứng trước những mất mát quá lớn, châu Âu mới thấy cô đơn trên thế giới này. Đó là lời nhận xét có phần chua chát của tờ NRC.Next - tờ báo lớn thứ tư tại Hà Lan.
Không chỉ cô đơn về địa chính trị, châu Âu ngày càng bị kẹt trong cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung, bị kẹt bởi chính tư duy kinh tế của Brussels - thủ đô của tự do thương mại và mở cửa biên giới.
Châu Âu đang tự cảm thấy cô đơn trong một thế giới đầy biến động. (Nguồn: Euronews) |
Từ định hướng tự chủ kinh tế...
Hội nghị thượng đỉnh Liên minh châu Âu (EU) ngày 2/10 bàn về định hướng chính sách kinh tế nhưng chưa đưa ra được quyết sách vững chắc. Tuy nhiên, cụm từ được nhắc rất nhiều trong hội nghị vừa qua chính là “tự chủ chiến lược”.
Điều đó đã bộc lộ nhận thức của EU về một số vấn đề cốt tử thời hậu Covid-19, bao gồm (i) nhu cầu hiện đại hóa và cải cách sâu về kinh tế EU vì gián đoạn chuỗi cung ứng đã phơi bày sự lệ thuộc của EU vào Trung Quốc và Mỹ từ việc nhỏ như sản xuất khẩu trang và thuốc đến việc lớn như công nghệ số và trí tuệ nhân tạo; (ii) hỗ trợ các doanh nghiệp châu Âu trong cuộc cạnh tranh không lành mạnh với các doanh nghiệp Trung Quốc được hỗ trợ bởi chính phủ.
Vài năm qua, khi thương mại thế giới gặp những khó khăn nhất định thì Anh, quốc gia từng đi đầu chủ trương tự do thương mại ở châu Âu lại lựa chọn rời EU. Trong khi đó, EU lại ngả theo Pháp, quốc gia theo đuổi chủ trương bảo hộ. Điều này khiến Hà Lan rơi vào tình thế khó xử vì lâu nay vẫn dựa vào tự do thương mại để phát triển.
Sau Hội nghị thượng đỉnh, Thủ tướng Hà Lan Mark Rutte nêu quan điểm rằng: “Điều quan trọng nhất hiện nay là duy trì nền kinh tế mở trong châu Âu nhưng không được ngây thơ với những gì diễn ra ở phần còn lại của thế giới”. Ông Rutte và các đồng minh Bắc Âu không ủng hộ phương án táo bạo của Pháp mà người Hà Lan gọi đùa là “Tự chủ kiểu Napoleon”.
Tuy vậy, Pháp và Hà Lan vẫn có chung những quan điểm quan trọng: hai bên cùng trình kế hoạch chung châu Âu về tăng cường quy chuẩn bền vững trong các hiệp định thương mại giữa EU và các đối tác.
Những diễn biến tại Brussels vừa qua khiến Hà Lan phải đối mặt với những vấn đề về vai trò châu Âu trên thế giới và vai trò Hà Lan trong châu Âu.
... đến tiếp cận kinh tế mở
Những tín hiệu này cho thấy một chính sách công nghiệp châu Âu mới đang dần được hình thành. Trước hết, những khoản hỗ trợ lớn của EU trong gói phục hồi hậu Covid-19 trị giá 750 tỷ euro chủ yếu chi cho sản xuất pin, công nghệ điện khí, là những yếu tố chấn hưng sức cạnh tranh của EU.
Tuy nhiên, việc ai sẽ quyết định đầu tư và mối quan hệ giữa Nhà nước và thị trường sẽ là vấn đề gây tranh cãi. Nội hàm “tự chủ chiến lược” được diễn giải bằng nhiều cách khác nhau, cả về lĩnh vực ưu tiên, mức độ tự chủ và cách thức để vươn lên tự chủ.
Nhưng Hà Lan, được sự ủng hộ của Phần Lan và Thụy Điển, đã thuyết phục Hội nghị thượng đỉnh chỉnh sửa kết luận văn kiện, từ chỗ nêu: “tự chủ chiến lược là mục tiêu của EU cộng với một nền kinh tế mở” chuyển thành một khẳng định mạnh hơn: mục tiêu của EU là “tự chủ chiến lược cùng với việc duy trì một nền kinh tế mở”. Dù chỉ là câu chữ, nhưng đây thể hiện thắng lợi bước đầu của tư duy tự do thương mại mà Hà Lan đại diện.
Hà Lan vẫn còn khá nhiều vấn đề hóc búa về châu Âu và về cả chính mình, ví dụ như xác định lĩnh vực ưu tiên tự chủ, xác định mức độ tự chủ, tự chủ cũng có phần nào là tự túc tự cấp, ranh giới giữa tự chủ và bảo hộ hay để tự chủ có cần Nhà nước bảo hộ? Và bảo hộ cách nào?