Quá trình Việt Nam phục hồi sau đại dịch sẽ có sự dõi theo của thế giới. Việt Nam không nên mất cảnh giác vì cuộc chiến chống Covid-19 vẫn chưa kết thúc. (Nguồn: AFP) |
Trang The Guardian cho rằng, không chỉ làm phẳng "đường cong" Covid-19, Việt Nam đã "nghiền nát" nó. Tính đến ngày 8/5, Việt Nam ghi nhận số ca nhiễm bệnh là 288, không có trưởng hợp tử vong và đã 3 tuần không có ca lây nhiễm mới trong cộng đồng.
Có thể tránh được suy thoái
Đài CNBC (Mỹ) dẫn lời các chuyên gia kinh tế quốc tế nhận định, Việt Nam có thể tránh được suy thoái kinh tế trong năm 2020 nhờ các biện pháp ngăn dịch Covid-19 kịp thời.
Nhà kinh tế trưởng về châu Á tại Oxford Economics Sian Fenner đánh giá: “Việt Nam sẽ không tránh được tác động từ thực trạng nhu cầu thế giới chậm lại. Tuy nhiên, chúng tôi dự đoán nền kinh tế Việt Nam sẽ không rơi vào suy thoái hoặc tăng trưởng âm”.
Nói về nguyên nhân, nhà kinh tế Fenner cho rằng, nhờ sớm áp dụng lệnh hạn chế biên giới và giãn cách xã hội, Việt Nam đã tránh được làn sóng lây nhiễm lớn. Ngoài ra, kinh tế Việt Nam còn hưởng lợi nhờ chuỗi cung ứng dần được đa dạng hóa.
Hãng tin Bloomberg nhận thấy, khả năng “bật dậy” của kinh tế Việt Nam được khẳng định khi quốc gia Đông Nam Á này là một điểm đến ưa thích đối với các nhà đầu tư nước ngoài. Bằng chứng là đã có hơn 12 tỷ USD vốn đăng ký đầu tư được thu hút riêng trong 4 tháng đầu năm 2020.
Một số chuyên gia khẳng định, nền kinh tế Việt Nam có thể phục hồi nhanh hơn các quốc gia Đông Nam Á khác vào năm 2021, đặc biệt nếu các nước như Mỹ, Nhật Bản và Liên minh châu Âu (EU) đồng loạt tái dịch chuyển các chuỗi cung ứng sau đại dịch Covid-19.
Chưa phải lúc để ăn mừng
Theo trang The Guardia, không khó để thấy rằng, Việt Nam đang có những cơ hội hiếm từ Covid-19. Chính phủ Việt Nam vẫn còn đủ khoảng trống cho các chính sách hỗ trợ tăng trưởng nội bộ.
Bên cạnh đó, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam thực sự có thể cắt giảm lãi suất chuẩn (như đã làm trong tháng 3, từ 6% xuống còn 5%), có không gian tài chính để tài trợ cho các dự án cơ sở hạ tầng lớn, tạo việc làm.
Nhưng đây chưa phải lúc ăn mừng. Báo cáo do Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) công bố tháng trước cho biết, ít nhất 10 triệu người Việt Nam có thể mất việc hoặc bị giảm thu nhập trong quý II/2020.
Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) dự kiến, nền kinh tế Việt Nam sẽ tăng trưởng 2,7% trong năm nay, thấp hơn một nửa so với con số 7% trong năm 2018 và 2019. GDP có thể giảm khi nhu cầu từ Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản và châu Âu suy yếu. Du lịch, ngành tạo ra 10% GDP đã ngưng trệ nghiêm trọng bởi đại dịch.
Ngày 23/4, Việt Nam đã nới lỏng một số quy định giãn cách xã hội tại các thành phố lớn và cuộc sống đang dần trở lại bình thường. Nhưng ở một quốc gia có du lịch chiếm 6% GDP, tương lai vẫn còn rất không chắc chắn - đặc biệt là khi không ai biết chắc khi nào biên giới sẽ mở cửa trở lại.
Yếu tố đóng góp nhiều nhất cho Việt Nam - xuất khẩu sẽ khó hồi phục khi 10 nền kinh tế hàng đầu thế giới vấp ngã. Đặc biệt, dòng ngoại hối Việt Nam đang bị ảnh hưởng tiêu cực. Covid-19 sẽ đòi hỏi Việt Nam phải tăng vai trò của khu vực tư nhân và tập trung vào thị trường dịch vụ nội địa.
Một cuộc khảo sát tháng 4 của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho thấy, 60% các công ty đã bị thiếu vốn và giảm dòng tiền. Ít nhất 35.000 công ty đã phá sản trong ba tháng đầu năm 2020.
Con đường phục hồi kinh tế của Việt Nam còn rất nhiều chông gai. (Nguồn: Getty Images) |
Theo chuyên gia kinh tế cấp cao về châu Á tại Capital Economics Gareth Leather, việc gỡ bỏ các lệnh hạn chế sẽ không giúp kinh tế Việt Nam thoát khỏi nguy cơ giảm mạnh trong năm nay vì mọi thứ không thể ngay lập tức trở lại như thời điểm trước khủng hoảng Covid-19.
Ông Leather nhận thấy, nguyên nhân chính khiến tăng trưởng kinh tế Việt Nam suy giảm là triển vọng u ám của kinh tế thế giới. “Việt Nam là một trong những nền kinh tế phụ thuộc nhiều nhất vào thương mại tại châu Á, với xuất khẩu chiếm hơn 70% GDP. Vì vậy, Việt Nam cũng sẽ bị ảnh hưởng nặng nề hơn phần lớn quốc gia khác”, chuyên gia Leather nói.
Theo đó, trong tháng 3, xuất khẩu của Việt Nam giảm 12,2%, tuy nhiên điều tồi tề nhất vẫn chưa tới. Ngoài xuất khẩu, du lịch của Việt Nam, đóng góp 4% vào GDP, sẽ vẫn trong tình trạng “ảm đạm”.
Chuyên gia Leather dự đoán, kinh tế Việt Nam tăng trưởng 0,5% trong năm 2020, thấp hơn nhiều so với mức 7% của năm ngoái.
Ngoài ra, các chuyên gia cũng cảnh báo Việt Nam vẫn đang phải đối mặt với nguy cơ bùng phát một đợt dịch lớn.
Song song với đó, do phụ thuộc nhiều vào xuất khẩu nên Việt Nam cũng cần phải chuẩn bị để đối phó với kịch bản nhu cầu của thế giới sụt giảm trong nhiều tháng trước khi các nhà máy có thể khởi động các đơn đặt hàng.
Trang The Guardian cho biết, quá trình Việt Nam phục hồi sau đại dịch sẽ có sự dõi theo của thế giới. Việt Nam không nên mất cảnh giác vì cuộc chiến chống Covid-19 vẫn chưa kết thúc.
Tận dụng cơ hội, tiếp tục tỏa sáng
Trong báo cáo Triển vọng kinh tế thế giới 2020 công bố cuối tháng 4, IMF nhận định, Việt Nam “là quốc gia có triển vọng tăng trưởng tốt nhất trong ASEAN”.
Ngân hàng Thế giới (WB) mới đây cũng khẳng định, Việt Nam đã chống chịu tốt hơn ở phương diện kinh tế đối ngoại và kinh tế Việt Nam sẽ khởi sắc trở lại.
Theo trang Nikkei Asian Review, trong một thế giới đen tối, Việt Nam một lần nữa lại trở nên nổi bật rõ ràng. Tuy nhiên, để duy trì sự tỏa sáng đang có, Việt Nam phải hồi phục kinh tế nhanh như kiểm soát Covid-19.
Nhà kinh tế Nguyễn Vân Trang cũng chia sẻ với trang The Guardian rằng, con đường phục hồi kinh tế hậu Covid-19 còn rất nhiều chông gai. Trong tương lai, Chính phủ sẽ phải đưa ra nhiều quyết định khó khăn liên quan đến thời điểm và cách thức mở cửa đất nước trở lại.
"Song, bất chấp rủi ro từ bên ngoài, Việt Nam đã bắt đầu khôi phục hoạt động sản xuất, dịch vụ và bán lẻ. Khả năng phục hồi của Việt Nam là rất lớn. Bởi phần đông dân số đã vượt qua gian khổ trong thời chiến nên họ sẽ có thể nhanh chóng vực dậy", nhà kinh tế Nguyễn Vân Trang khẳng định.