Toàn cảnh buổi Toạ đàm Kinh tế vĩ mô giữa năm 2023. (Ảnh: Hồng Châu) |
Phát biểu tại Toạ đàm, PGS.TS Nguyễn Thành Hiếu, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế Quốc dân cho biết, từ đầu năm 2023 đến nay, kinh tế thế giới vẫn gặp nhiều bất ổn xuất phát từ lạm phát toàn cầu vẫn ở mức cao.
Các ngân hàng Trung ương tiếp tục theo đuổi chính sách tiền tệ thắt chặt, nhiều nền kinh tế lớn đã tăng trưởng chậm lại và các yếu tố chính trị như chiến sự Nga – Ukraine vẫn đang còn diễn biến khá phức tạp.
Trong tình hình đó, kinh tế Việt Nam cũng đối mặt với nhiều thách thức. GDP 6 tháng đầu năm 2023 chỉ tăng 3,72%, đây là mức tăng thấp so với GDP cùng kỳ trong giai đoạn 10 năm qua (chỉ cao hơn tốc độ tăng 1,74% cùng kỳ của năm 2020 – do ảnh hưởng mạnh của Covid-19 thời điểm đó).
Vốn thực hiện từ nguồn ngân sách Nhà nước 6 tháng đầu năm 2023 ước đạt khoảng 232,2 nghìn tỷ đồng, chỉ tương đương 33% so với kế hoạch năm. Vốn thực hiện từ khu vực ngoài Nhà nước 6 tháng đầu năm 2023 chỉ tăng 2% so với cùng kỳ, so với mức tăng trong năm 2022 là 9,5%.
Vốn FDI đăng ký vào Việt Nam 6 tháng đầu năm 2023 đạt 13,43 tỷ USD, giảm 4,3% so với cùng kỳ. Tổng vốn FDI thực hiện ước đạt 10,02 tỷ USD, tăng 0,5% so với cùng kỳ, so với mức tăng 7,9% trong năm 2022.
Về thương mại quốc tế, tính chung 6 tháng đầu năm 2023, Việt Nam duy trì thặng dư thương mại 12,25 tỷ USD. Tuy nhiên, kim ngạch xuất khẩu và nhập khẩu đều giảm mạnh so với cùng kỳ, lần lượt giảm 12,1% và 18,2% do nhu cầu từ các thị trường chính của Việt Nam như Hoa Kỳ, ASEAN, EU và một số quốc gia Đông Á đều giảm.
Lượng xuất khẩu tới thị trường Hoa Kỳ giảm mạnh nhất với mức 22,6%, lượng nhập khẩu từ Hàn Quốc chứng kiến mức giảm 25,6% - lớn nhất trong các thị trường chính. Điều này cũng khiến cho sản lượng một số sản phẩm công nghiệp chủ yếu của Việt Nam giảm mạnh so với cùng kỳ. Cũng trong 6 tháng đầu năm, tín dụng nền kinh tế chỉ tăng 3,13%, trong khi cùng kỳ năm trước tăng 8,51%.
"Tăng trưởng tín dụng thấp cho thấy khả năng hấp thụ vốn của nền kinh tế còn rất yếu, mặc dù mức lãi suất đã có xu hướng giảm hơn so với năm 2022", PGS.TS Nguyễn Thành Hiếu nhìn nhận.
Bên cạnh đó, gói hỗ trợ phục hồi kinh tế cho giai đoạn 2 năm 2022-2023, mặc dù đã qua 1 năm rưỡi, nhưng số tiền đã giải ngân còn rất thấp, chưa tạo được sự hỗ trợ kịp thời cho các khó khăn mà các doanh nghiệp gặp phải.
Theo PGS.TS Nguyễn Thành Hiếu, những số liệu trên cho thấy sự sụt giảm mạnh từ phía tổng cầu của nền kinh tế Việt Nam. Theo đó, mục tiêu tăng trưởng 6,5% trong năm 2023 trở nên rất khó khăn trong bối cảnh những tác động từ thế giới còn khó lường trong khi khu vực sản xuất trong nước còn chưa hoàn toàn hồi phục sau đại dịch.
Điều này đòi hỏi Chính phủ và các bộ, ban, ngành liên quan cần khẩn trương có những biện pháp thích hợp, kịp thời để phục hồi tổng cầu, phát triển kinh tế trong bối cảnh mới.
Chia sẻ thông tin từ ngành Dệt may - một trong những ngành xuất khẩu quan trọng của Việt Nam, Chủ tịch Tập đoàn dệt may Việt Nam (Vinatex) Nguyễn Tiến Trường cho biết, thống kê năm 2022, tổng cầu dệt may thế giới đạt khoảng 760 tỷ USD, sụt giảm so với mức 805 tỷ USD của năm 2021. Đến năm 2023, dự báo khả quan, tổng cầu dệt may thế giới đạt khoảng 710 tỷ USD, thấp hơn cả năm 2019, thời điểm trước dịch.
Theo đại diện Ngân hàng Thế giới (WB), sự thiếu hụt tổng cầu (bao gồm các cấu phần tiêu dùng, đầu tư, chi tiêu của Chính phủ, xuất khẩu ròng) nếu kéo dài sẽ hạn chế tổng cung làm cho tăng trưởng kinh tế thấp. Tổng cầu tăng sẽ kích tổng cung, các doanh nghiệp tiêu thụ được hàng thì sản xuất sẽ được kích hoạt, kinh tế mới có thể phục hồi và tăng trưởng.
“Chính phủ Việt Nam cần khẩn trương có những biện pháp thích hợp, kịp thời để phục hồi tổng cầu, phát triển kinh tế trong bối cảnh mới”, đại diện WB khuyến nghị.
WB nhận định, thời điểm hiện tại, thị trường trong nước tiếp tục là điểm sáng hỗ trợ quá trình phục hồi tổng cầu và phát triển kinh tế. Thúc đẩy đầu tư là chìa khóa cho tăng trưởng kinh tế trong năm nay và những năm tiếp theo.
"Các dự án đầu tư công không chỉ có thể tạo thêm nhiều việc làm, bù đắp cho sự sụt giảm ở khu vực tư nhân và nước ngoài, mà với mức độ lan tỏa cao cũng sẽ thúc đẩy nhiều lĩnh vực, doanh nghiệp 'ăn theo' các dự án này và phục hồi dần hoạt động kinh doanh của mình, từ đó cũng thúc đẩy cầu tiêu dùng tăng trở lại", đại diện của WB đề xuất.
Để thúc đẩy tổng cầu, Chính phủ đã sử dụng đồng thời một loạt các biện pháp kích cầu, kết hợp linh hoạt giữa chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ.
Từ ngày 4/7, việc kích tổng cầu được thực hiện thông qua giảm thuế VAT 2%. Bên cạnh chính sách giảm thuế giá trị gia tăng, chính sách giảm 36 loại phí, lệ phí từ 10 – 50% cũng đã chính thức được áp dụng từ 1/7. Doanh nghiệp có cơ hội để giảm chí phí, tăng đầu tư mới, chặn đà giảm thành lập lập mới doanh nghiệp.
Tọa đàm đã tập trung thảo luận vào các nội dung chính gồm: Đánh giá làm rõ tình hình thực tiễn nền kinh tế thế giới trong 6 tháng đầu năm 2023 và tác động đến kinh tế trong nước; đánh giá thực trạng kinh tế vĩ mô Việt Nam trong 6 tháng đầu năm 2023 trên các khu vực chính của nền kinh tế (kinh tế thực, kinh tế đối ngoại, tài chính – tiền tệ, tài chính ngân sách).
| Kinh tế Việt Nam nỗ lực vượt khó Trong bối cảnh khó khăn chung của kinh tế thế giới và trong nước, Quốc hội và Chính phủ đã chủ động, kịp thời ban ... |
| Kinh tế Việt Nam 'gồng mình vượt bão' Dù phía trước còn nhiều khó khăn, nhưng các chỉ số kinh tế vĩ mô tháng 4 và 4 tháng đầu năm cho thấy những ... |
| 4 tháng đầu năm 2023, tình hình kinh tế - xã hội bộc lộ nhiều khó khăn, thách thức Chính phủ cần nhận diện đầy đủ những kết quả đạt được và những tồn tại, hạn chế của nền kinh tế, làm rõ nguyên ... |
| Kinh tế Việt Nam: Chấp nhận thách thức để tăng trưởng Vẫn những bất định và thách thức để lại từ cuối năm 2022, thời gian đầu năm 2023, nền kinh tế Việt Nam tiếp tục ... |
| Thủ tướng Phạm Minh Chính: Ưu tiên tập trung tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh Thủ tướng Phạm Minh Chính chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp tháng 7, quý III và thời ... |