Toàn cảnh Tọa đàm về phương pháp và kỹ năng nghiên cứu khoa học trọng quan hệ quốc tế của Việt Nam. (Ảnh: PH) |
Tọa đàm do TS. Nguyễn Hùng Sơn, Phó Giám đốc Học viện Ngoại giao chủ trì với sự tham dự của đại diện các đơn vị trong Bộ, nhà khoa học, chuyên gia nghiên cứu, đại diện các cơ quan nghiên cứu về quan hệ quốc tế của Bộ Ngoại giao và các ban, bộ, ngành.
Phát biểu tại Tọa đàm, TS. Nguyễn Hùng Sơn nhấn mạnh phương pháp và kỹ năng đóng vai trò quan trọng trong nghiên cứu quan hệ quốc tế của Việt Nam hiện nay, đặc biệt trong bối cảnh tình hình thế giới thay đổi khó lường và Việt Nam đang chuẩn bị xây dựng chính sách đối ngoại cho Đại hội Đảng lần thứ XIV. Trong thực tiễn hiện nay đã xuất hiện những phương pháp và kỹ năng mới trong nghiên cứu quan hệ quốc tế với sự phát triển của khoa học công nghệ, trí tuệ nhân tạo, vì vậy việc sử dụng đúng phương pháp và kỹ năng là rất cần thiết, giúp nghiên cứu quan hệ quốc tế đạt kết quả cao.
Tại Tọa đàm, các nhà khoa học, nhà nghiên cứu đã trình bày nhiều tham luận sâu sắc, toàn diện về tầm quan trọng của phương pháp và kỹ năng nghiên cứu khoa học trong quan hệ quốc tế ở Việt Nam.
Tọa đàm do TS. Nguyễn Hùng Sơn, Phó Giám đốc Học viện Ngoại giao chủ trì với sự tham gia đông đảo đại diện các bộ ngành, các nhà nghiên cứu khoa học. (Ảnh: PH) |
Theo đó, phương pháp và kỹ năng giúp đánh giá toàn diện, nhận định, dự báo chính xác, giải quyết những vấn đề quốc tế, giúp người nghiên cứu nhận thức đúng vấn đề trên cơ sở khoa học; tăng cường sử dụng phương pháp định lượng để nâng cao chất lượng nghiên cứu khoa học trong quan hệ quốc tế, bổ sung cho phương pháp định tính, thu thập phân tích các hệ thống có dữ liệu, thống kê, khai thác dữ liệu, mô phỏng.
Ngoài ra, các diễn giả cũng đề cập đến thách thức trong phương pháp và kỹ năng nghiên cứu quan hệ quốc tế, cụ thể là việc thiếu lý thuyết quan hệ quốc tế và phương pháp luận nghiên cứu của Việt Nam. Nghiên cứu quan hệ quốc tế vừa mang tính liên ngành, đa ngành, xuyên ngành, trong đó câu hỏi nghiên cứu đóng vai trò quan trọng.
Các đại biểu cũng chia sẻ kinh nghiệm, cách tiếp cận khi nghiên cứu, xử lý tiếp thu thông tin, trong đó xác định lợi ích quốc gia dân tộc là nguyên tắc tối thượng, thiêng liêng nhất. Tuy nhiên, nguồn lực cho công tác nghiên cứu còn hạn chế, mong muốn sinh viên có cơ hội tiếp cận sớm với các phương pháp nghiên cứu để trau dồi, tiếp thu, trở thành đội ngũ nghiên cứu kế cận có năng lực và đam mê.
TS. Vũ Lê Thái Hoàng, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chiến lược, Học viện Ngoại giao phát biểu tham luận tại Tọa đàm. (Ảnh: PH) |
Trong phần thảo luận, các đại biểu đưa ra những ý kiến đa chiều, nhìn nhận phương pháp và kỹ năng nghiên cứu khoa học trong quan hệ quốc tế. Phương pháp vừa là lý thuyết, vừa là thực tiễn, là công cụ giải pháp, con đường quy trình để đạt được mục tiêu nghiên cứu đề ra. Các đại biểu cho rằng công tác nghiên cứu cần có chọn lọc, trọng tâm, độc lập về tư duy. Phương pháp nghiên cứu lịch sử, so sánh, hệ thống là cơ sở để dự báo trong tương lai và làm sáng rõ trường phái ngoại giao Hồ Chí Minh.
Kết thúc Tọa đàm, TS. Nguyễn Hùng Sơn kết luận cần có lý luận, nền tảng tư tưởng vững vàng, tổ chức, khai thác thông tin tốt, vượt qua được chính mình trong công tác nghiên cứu; áp dụng phương pháp định lượng, diễn ngôn, lịch sử, so sánh và nhiều phương pháp khác. Theo TS. Nguyễn Hùng Sơn, cần “nghiên cứu” về công tác nghiên cứu, xây dựng thành hệ thống lý luận như Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã tâm huyết xây dựng và nghiên cứu về trường phái ngoại giao mang đậm bản sắc “cây tre Việt Nam”.