Theo phán quyết của Tòa án Công lý Quốc tế ở La Haye ngày 15/6/1962, đền Preah Vihear nằm ở phía Bắc Phnom Penh, tọa lạc trên đỉnh vách đá cao 525m của dãy núi Dangrek thuộc tỉnh Preah Vihear, Campuchia, giáp biên giới tỉnh Sisaket ở Đông Bắc Thái Lan. Tuy nhiên, nếu muốn thăm đền, du khách buộc phải đi từ cổng Vườn quốc gia Khao Phra Viharn (tên tiếng Thái của đền Preah Vihear) bên đất Thái Lan, sau đó mua vé qua cửa khẩu vào Campuchia vì không có lối lên đền từ đất Campuchia do bên Campuchia là vách đá dựng đứng.
Kiến trúc đặc biệt
Năm 1962, đền đã được Tòa án Công lý Quốc tế công nhận thuộc chủ quyền Campuchia, căn cứ trên bản chất văn hóa và sự tương đồng của ngôi đền với các di tích Ấn Độ giáo đặc trưng của Campuchia như Angkor Wat. Quả thực, ngôi đền này được xây dựng để thờ thần Shiva của đạo Hindu, tôn giáo chính của đế chế Khmer mà lúc hưng thịnh nhất bao trùm phần lớn đất đai của Thái Lan bấy giờ. Và không chỉ Preah Vihear, nhiều khu đền đài đặc trưng Hindu giáo rải rác khắp vùng Đông Bắc Thái Lan.
Phần lớn cấu trúc ngôi đền hiện nay được hoàn thiện dưới triều đại Suryayarman I và II trong nửa đầu thế kỷ 11 và 12, song đền Preah Vihear đã bắt đầu được xây dựng từ thế kỷ 9. Vì vậy mà những phần có niên đại lâu đời nhất của đền còn tồn tại đến ngày nay thuộc thời Koh Ker đầu thế kỷ 10 khi kinh đô của triều đại Khmer ở gần Angkor hay những nét thiết kế kiểu Banteay Srei với điêu khắc trên sa thạch cuối thế kỷ 10.
Kiến trúc phức hợp của ngôi đền chạy theo trục Bắc Nam dài 800 m với những bậc tam cấp dẫn lên điện thờ chính nằm trên đỉnh núi. Đường lên điện thờ có 5 cột lớn và mỗi cột lại nằm ở độ cao khác nhau. Khách viếng đền sẽ gặp cột lớn thứ 5 trước nhất. Cột này được xây dựng theo kiểu kiến trúc Koh Ker, vẫn giữ lại những vết sơn đỏ thuở xa xưa. Cột thứ 4 có từ triều đại Khleang/Baphuon và là một “kiệt tác”. Cột thứ 3 lớn nhất và nằm giữa hai phòng lớn. Muốn đến được đền thờ phải thông qua hai sân liền kề. Mặc dù cấu trúc này khác với những ngôi đền trên núi khác của Campuchia được tìm thấy ở Angkor, nhưng ngôi đền cũng có cùng mục đích thờ phụng những vị thần ở đỉnh Meru.
Tranh chấp từ thế kỷ 19
Nếu như thời kỳ hùng mạnh nhất của đế chế Khmer (thế kỷ 11, 12) đã trị vì phần lớn Thái Lan thì khi Angkor sụp đổ vào thế kỷ 15, Khmer lại trở thành nước chư hầu và trước khi người Pháp chiếm Đông Dương năm 1863, Campuchia nằm dưới sự bảo hộ của Vương quốc Xiêm (tên gọi của Thái Lan trước năm 1949). Vì vậy, năm 1904, Vương quốc Xiêm và thực dân Pháp thành lập một Ủy ban chung thực hiện phân định ranh giới. Năm 1907, Pháp căn cứ vào đường dẫn nước của rặng núi Dangrek đã tự đưa ra bản đồ, theo đó, khu vực đền Preah Vihear và vùng lân cận thuộc về Campuchia. Nhà cầm quyền Xiêm lúc đó không có ý kiến gì.
Năm 1954, lấy lý do ngôi đền này chỉ có thể đi vào từ phía Thái Lan, nước này chiếm giữ luôn ngôi đền sau khi quân đội Pháp rút khỏi Campuchia. Năm 1959, Campuchia đệ đơn lên Tòa án Công lý Quốc tế đòi phân xử. Mặc dù, Tòa đã ra phán quyết phần thắng thuộc về Campuchia và yêu cầu Thái Lan trả lại mọi di vật đã đưa ra khỏi ngôi đền, song người Thái dường như không đồng tình với quyết định đó, trong bản đồ của Thái Lan năm 1962 vẫn thể hiện diện tích 4,6 km2 đất xung quanh đền thuộc về Thái Lan.
Ngôi đền được mở cửa lại vào cuối năm 1998 sau khi quân đội Campuchia giành lại đền từ Khmer Đỏ. Do lối duy nhất vào đền nằm trên đất Thái Lan, nên hai nước chia nhau lợi tức từ phí vào đền. Du khách chỉ mất tiền mua vé (200 baht), không cần visa.
bị “chính trị hóa”
Trong lịch sử chưa có tranh chấp nào thật lớn cho tới khi việc UNESCO trao danh hiệu Di sản Thế giới cho Preah Vihear.
Thoạt đầu, năm 2007, Campuchia theo đuổi danh vị Di sản Thế giới cho ngôi đền Preah Vihear với hy vọng hút khách du lịch và các nguồn tài trợ quốc tế nếu được công nhận. Nhưng khi ấy, Thái Lan đã bác bỏ sự đề cử của nước láng giềng với lo ngại rằng danh vị này sẽ kéo theo việc tranh chấp khu đất dọc biên giới. Tuy nhiên, trong chuyến thăm Phnom Penh hồi tháng 5/2008, Thủ tướng Thái Lan Samak Sundaravej đã ủng hộ việc đề cử của Campuchia và thỏa thuận này không phải không có lợi cho Bangkok trong cuộc đàm phán biên giới đang diễn ra.
Tuy nhiên, vấn đề có lẽ không căng thẳng nếu như nó không diễn ra ngay trước tổng tuyển cử tại Campuchia (27/7). Sự kiện nước này có Di sản Thế giới thứ ba (sau Angkor Wat được công nhận năm 1992 và múa Hoàng gia năm 2003) chắc chắn là dấu son cho Thủ tướng Hun Sen, người cầm quyền đã 5 năm nay và đang ngấp nghé nhiệm kỳ tới, nên được khuếch trương rất mạnh. Và đúng như dự đoán, cuộc bầu cử Quốc hội hôm 27/7 đã mang lại một nhiệm kỳ nữa cho Thủ tướng Hun Sen. Kết quả kiểm phiếu sơ bộ cho thấy Đảng Nhân dân Campuchia (CPP) cầm quyền của ông Hun Sen có thể giành hơn 2/3 trong số 123 ghế ở Hạ viện.
Về phía Thái Lan, đảng đối lập Liên minh Nhân dân vì Dân chủ (PAD) nay có cớ để vận động hạ bệ Thủ tướng Samak với lý do “phản bội Tổ quốc”, đồng thời khiếu kiện lên Tòa án Hành chính nước này đòi xem xét lại tính hợp pháp của thỏa hiệp giữa hai Chính phủ về đền Preah Vihear. Kết cục là Campuchia đã đóng cửa khu đền sau khi người Thái tiến hành biểu tình xung quanh đó. Chính phủ hai nước cũng đã gửi hàng trăm quân tới đây.
Cuộc tranh chấp ngôi đền Preah Vihear giữa Campuchia và Thái Lan đã diễn ra từ hàng thế kỷ, nhưng chưa bao giờ xảy ra chiến tranh. Đưa thêm quân đến biên giới là động thái cực chẳng đã đối với cả hai nước lúc này. Tuy vậy, khả năng xảy ra nổ súng là điều không ai nghĩ tới, bởi câu chuyện đã từ bé bị xé ra to với chủ đích không hẳn là xác lập chủ quyền như người ta rao giảng.
Hoàng Minh (Theo Wiki, Bangkok Post, Phnom Penh Post, AP)