Toạ đàm trực tuyến Đại sứ & Doanh nghiệp - Phiên 1, chủ đề Cơ hội và thách thức mới đối với doanh nghiệp Việt Nam trong xuất khẩu hàng hoá ra nước ngoài. |
Chiều 15/12, trong khuôn khổ Hội nghị Ngoại giao lần thứ 32 và Hội nghị Ngoại vụ toàn quốc lần thứ 21, Bộ Ngoại giao tổ chức Tọa đàm giữa các Trưởng Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài với các hiệp hội và doanh nghiệp Việt Nam. Đây là hoạt động đầu tiên thuộc chuỗi các sự kiện được tổ chức nhân dịp hai hội nghị trên.
Đại hội XIII của Đảng xác định chủ trương “xây dựng nền ngoại giao kinh tế (NGKT) phục vụ phát triển, lấy người dân, địa phương và doanh nghiệp làm trung tâm phục vụ”. Chỉ thị số 15-CT/TW của Ban Bí thư xác định ngoại giao kinh tế là nhiệm vụ cơ bản, trung tâm của nền ngoại giao Việt Nam.
Trong thời gian qua, NGKT đã chuyển biến mạnh mẽ, đạt nhiều kết quả quan trọng, đóng góp thiết thực cho phát triển kinh tế xã hội đất nước. NGKT trở thành nội hàm trung tâm xuyên suốt trong các hoạt động đối ngoại các cấp, nhất là cấp cao, góp phần duy trì cục diện hòa bình…, thuận lợi cho phát triển đất nước, tạo dựng được các khuôn khổ hợp tác kinh tế quan trọng, cân bằng, tạo ra cơ hội mới, thời cơ mới.
Thứ trưởng Ngoại giao Nguyễn Minh Hằng cho biết, thời gian qua, Bộ Ngoại giao và các CQĐD đã tích cực đồng hành, phục vụ cùng các bộ, ngành kinh tế hỗ trợ các địa phương, doanh nghiệp mở rộng quan hệ đối ngoại, thu hút các nguồn lực, tháo gỡ các vướng mắc, khó khăn.
Tiếp tục sứ mệnh đồng hành, phục vụ hỗ trợ các địa phương, doanh nghiệp, tại Tọa đàm Đại sứ và Doanh nghiệp, các Trưởng Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài sẽ chia sẻ xu hướng mới về đầu tư, đổi mới sáng tạo, giáo dục đào tạo, tham mưu cho các doanh nghiệp Việt Nam cơ hội để gặt hái thành công.
Đây cũng là diễn đàn để thông tin hai chiều, chia sẻ thông tin để gia nhập thị trường, tìm kiếm đối tác đầu tư vào Việt Nam và từ Việt Nam ra nước ngoài.
Tọa đàm dự kiến 3 phiên thảo luận chính, gồm: Cơ hội và thách thức mới đối với doanh nghiệp Việt Nam trong tiến trình hội nhập; Thúc đẩy hợp tác đầu tư công nghệ cao, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi năng lượng; Phát triển ngành Halal.
Bên lề Tọa đàm giữa các Trưởng Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài với các hiệp hội và doanh nghiệp Việt Nam, Báo Thế giới và Việt Nam thực hiện Press Corner chủ đề "Cơ hội và thách thức mới đối với doanh nghiệp Việt Nam trong xuất khẩu hàng hóa ra nước ngoài".
Tham dự Press Corner có Đại sứ Việt Nam tại Vương quốc Bỉ, kiêm nhiệm Luxembourg, Trưởng Phái đoàn Việt Nam tại Liên minh châu Âu (EU) Nguyễn Văn Thảo; ông Trương Đình Hoè, Tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thuỷ sản Việt Nam; ông Thân Đức Việt, Phó Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam, Tổng giám đốc Tổng công ty May 10; ông Lê Anh Tuấn, Phó Tổng giám đốc, Tổng công ty Thương mại Hapro.
Đại sứ Việt Nam tại Vương quốc Bỉ, kiêm nhiệm Luxembourg, Trưởng Phái đoàn Việt Nam tại EU Nguyễn Văn Thảo. (Ảnh: Nguyễn Hồng) |
Đánh giá về các thách thức mới hiện nay mà hàng hoá và doanh nghiệp Việt Nam thường gặp phải trong quá trình xuất khẩu hàng hoá ra thị trường thế giới, Đại sứ Nguyễn Văn Thảo cho rằng, Liên minh châu Âu (EU) là đối tác quan trọng của Việt Nam, đặc biệt là về kinh tế. EU cũng là thị trường tiêu thụ lớn, với nhu cầu luôn tăng lên.
Việt Nam là một trong 4 nước châu Á có Hiệp định thương mại tự do (FTA) với EU. Năm 2022, kim ngạch thương mại hai bên đạt 64 tỷ USD, trong đó, xuất khẩu từ Việt Nam sang EU đạt 54 tỷ USD và thặng dư thương mạt đạt 38 tỷ USD. Đại sứ Nguyễn Văn Thảo nhận định, điều đó cho thấy, khối 27 thành viên là thị trường rất lớn, có tầm quan trọng để xuất khẩu và đem về giá trị thặng dư cao.
Tuy nhiên, Đại sứ cho rằng, "con đường này không chỉ có hoa hồng". EU không phải là thị trường khó tính nhưng lại là thị trường có tiêu chuẩn cao. Những thách thức mà doanh nghiệp thường gặp phải khi buôn bán tại thị trường này hiện nay có thể kể đến:
Thứ nhất, về tiêu chuẩn, chất lượng. Hàng Việt Nam gần đây đã đáp ứng được tiêu chuẩn của thị trường này.
Thứ hai, đảm bảo tính ổn định. Hàng nông sản Việt Nam hoàn toàn có đủ tiêu chuẩn vào các siêu thị EU. Tuy nhiên, phía bạn yêu cầu nhà cung cấp cần đảm bảo tính ổn định.
Thứ ba, về pháp lý. Hội nhập ra biển lớn cần chấp nhận sóng lớn, doanh nghiệp cần tìm hiểu về pháp luật, môi trường kinh doanh tại các thị trường thuộc 27 nước EU.
Thứ tư, khoảng cách địa lý khá xa, chi phí vận tải cao, điều này sẽ khiến giảm tính cạnh tranh của doanh nghiệp Việt.
Thứ năm, tiêu chuẩn giảm lượng khí thải carbon là rào cản tiếp theo. Nếu doanh nghiệp Việt Nam không thích ứng, tìm hiểu và chuẩn bị tốt cho thách thức mới này, lợi thế sẽ suy giảm đáng kể.
“Muốn làm ăn với EU, doanh nghiệp Việt Nam cần nhận diện đầy đủ thách thức mới. Nhưng đây cũng chính là thời điểm chúng ta có thể bứt phá. Những ngành chủ lực của Việt Nam như dệt may, da dày... nếu đi trước, nhận diện đầy đủ các thách thức, có thể đi đến thành công, biến nguy thành cơ”, Đại sứ Nguyễn Văn Thảo khẳng định.
Ông Thân Đức Việt, Phó Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam, Tổng giám đốc Tổng công ty May 10. (Ảnh: Nguyễn Hồng) |
Theo Phó Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam, Tổng giám đốc Tổng công ty May 10 Thân Đức Việt, thị trường chính của ngành Dệt may Việt Nam hiện nay vẫn là Mỹ, châu Âu, Nhật Bản. 11 tháng vừa qua, trong xuất khẩu dệt may 33 tỷ USD, thị trường châu Âu mới chỉ chiếm tỷ trọng 4 tỷ USD.
“Thị trường châu Âu có tiềm năng rất lớn và vẫn còn nhiều dư địa cho hàng xuất khẩu Việt Nam trong thời gian tới”.
Phân tích cụ thể về tiềm năng, ông Việt nhấn mạnh, với sự hỗ trợ của Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam- EU (EVFTA), những rào cản về thuế quan đã được hoá giải, đến năm 2027, toàn bộ các dòng thuế sẽ đưa về bằng 0. “Sân chơi của chúng ta đang sòng phẳng với các nước như Bangladesh hay Thổ Nhĩ Kỳ khi vào châu Âu”, ông Việt khẳng định.
Về thách thức, Tổng giám đốc Tổng công ty May 10 nhấn mạnh, thị trường châu Âu là thị trường khó tính, tập trung vào tiêu chuẩn sản xuất và chất lượng sản phẩm. Trong 3 thị trường xuất khẩu dệt may lớn nhất của Việt Nam, EU luôn là thị trường đi tiên phong đưa ra các tiêu chuẩn mới. Theo đó, ngoài nguồn gốc xuất xứ, tiêu chuẩn sản xuất, hiện tại các sản phẩm của doanh nghiệp cần phải đáp ứng các tiêu chí về môi trường và trách nhiệm xã hội.
Từ góc độ ngành Dệt may, ông Việt đã chỉ ra 3 thách thức đối với doanh nghiệp Việt Nam hiện nay. Thách thức đầu tiên là công nghệ. Hiện nay các công nghệ cũ, lạc hậu, tiêu tốn nhiều nhiên liệu hoá thạch sẽ dần bị thay thế. Sắp tới, EU sẽ áp thuế carbon đối với hàng hoá nhập khẩu. Ngành Dệt may hiện vẫn chưa áp dụng nhưng đang tích cực chuẩn bị nếu bị áp thuế này.
“Hiện những máy móc cũ sử dụng nguyên liệu hoá thạch như điện than đã được chúng tôi dần thay thế bằng năng lượng sinh khối. Tổng công ty May 10 cũng đang chuyển dịch mạnh mẽ sang năng lượng tái tạo”.
Thách thức thứ hai, theo ông Việt, EU yêu cầu các nguyên liệu sử dụng trong các sản phẩm của ngành Dệt may phải có hàm lượng tái chế. Theo đó, người tiêu dùng chỉ cần quét mã QR là có thể truy xuất được về nguồn gốc xuất xứ, nguyên liệu và cả hàm lượng có thể tái chế. Nhiều hãng thời trang lớn của thế giới như Zara, H&M, Mango… đã đẩy mạnh yếu tố này trong sản xuất. Đây là thách thức rất lớn đối với ngành Dệt may Việt Nam khi đáp ứng được những tiêu chuẩn này của EU.
Thách thức thứ ba phải đảm bảo đầy đủ các tiêu chuẩn, chứng chỉ xanh cho các toà nhà, cơ sở sản xuất, các nhà cao tầng. Một trong những đối thủ lớn nhất của Dệt may Việt Nam hiện nay là Bangladesh cũng đang triển khai mạnh mẽ tiêu chuẩn này.
Ông Lê Anh Tuấn, Phó Tổng giám đốc Tổng công ty Thương mại Hapro. (Ảnh: Nguyễn Hồng) |
Chia sẻ về các thách thức và cơ hội mới hiện nay, từ góc độ doanh nghiệp, ông Lê Anh Tuấn, Phó Tổng giám đốc Tổng công ty Thương mại Hapro cho rằng, thách thức và cơ hội luôn đi song hành, “trong nguy có cơ, trong cơ có nguy”.
Đánh giá cao việc Chính phủ đã ký nhiều hiệp định thương mại tự do (FTA) đa phương và song phương, tạo điều kiện rất lớn cho doanh nghiệp. Chẳng hạn, với việc ký kết và thực thi Hiệp định EVFTA, Chính phủ đã xây “đường cao tốc” để doanh nghiệp rút ngắn thời gian đến với thị trường EU, vì thế doanh nghiệp không thể đi trên đường cao tốc với xe đạp thô sơ.
“Các nước EU giờ không chỉ cần ăn ngon, ăn an toàn mà họ còn đòi hỏi những sản phẩm đảm bảo yếu tố môi trường và trách nhiệm xã hội. Để đáp ứng được những tiêu chí này, doanh nghiệp cần phải có sự chuẩn bị và đầu tư dài hơi, chủ động nâng cao năng lực", ông Tuấn nói.
Ông Trương Đình Hoè - Tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thuỷ sản Việt Nam. (Ảnh: Nguyễn Hồng) |
Nhìn nhận vấn đề ở một góc độ khác, ông Trương Đình Hòe, Tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP) cho biết, tăng trưởng xanh là vấn đề mới với nhiều quốc gia nói chung và với ngành Thuỷ sản nói riêng. Đây không chỉ là thách thức, mà còn là cơ hội, ngành Thuỷ sản đang tiếp cận tăng trưởng xanh không chỉ ở góc độ kinh tế, mà còn ở yếu tố môi trường, xã hội.
“Chúng tôi đang và tiếp tục nỗ lực đẩy mạnh các hoạt động kinh tế xanh để bắt kịp với những mục tiêu của Chính phủ”, ông Hoè khẳng định.
Đề cập giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp vượt thách thức, tiếp cận các cơ hội mới, Đại sứ Nguyễn Văn Thảo cho rằng, kể từ năm 2000, khi Việt Nam hội nhập sâu với thế giới, đất nước đã xác định, EU là đối tác quan trọng về kinh tế. Đây quyết sách sáng suốt và đi trước các nước ASEAN.
Năm 2019, hai bên đã đàm phán và ký kết thành công EVFTA. Hiệp định này chính thức có hiệu lực vào năm 2020. Đại sứ Thảo nhấn mạnh: “Đây là cú bứt phá quan trọng để tạo môi trường làm ăn thuận lợi với EU. Phần còn lại chính là việc doanh nghiệp làm thế nào để tận dụng hiệp định và khai thác hiệu quả”.
Đại sứ nhận định, doanh nghiệp chưa tận dụng triệt để EVFTA. Sau ba năm FTA này có hiệu lực, kim ngạch thương mại có tăng nhưng mới chỉ ở mức thấp. Dệt may, thủy sản chỉ tăng khoảng 10%, trong khi đó, các mặt hàng xuất khẩu khác cũng chưa đáp ứng mong đợi.
“Dư địa của thị trường EU còn rất lớn. Gần đây, phía bạn đã ban hành nhiều chính sách mới. Đây là xu thế phát triển của thế giới và nếu không thích ứng, Việt Nam sẽ bị bỏ lại phía sau. Tôi tự tin vào khả năng tự cường của doanh nghiệp Việt Nam. Khi doanh nghiệp có sự quan tâm và đầu tư đủ lớn, các quy định, tiêu chuẩn mới đều có thể đáp ứng được”, Đại sứ Thảo khẳng định.
Về phía cơ quan đại diện, Đại sứ Nguyễn Văn Thảo cho rằng, phía Đại sứ quán không chỉ là “hòm thư” chuyển thông tin. Ngay khi EU nghiên cứu và chuẩn bị ban hành các tiêu chuẩn mới, phía cơ quan đại diện đã báo cáo về các Bộ, ngành, địa phương. Qua trao đổi với các đơn vị liên quan, sự chuẩn bị thích ứng các tiêu chuẩn đã được triển khai quyết liệt. Các doanh nghiệp cần chủ động thích ứng.
| Thủ tướng Phạm Minh Chính: Tiếp tục quyết liệt xây dựng nền ngoại giao kinh tế phục vụ phát triển Thủ tướng nhấn mạnh, cần tiếp tục quyết liệt xây dựng nền ngoại giao kinh tế phục vụ phát triển; lấy người dân, địa phương ... |
| Sắp diễn ra Tọa đàm giữa các Trưởng Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài với các hiệp hội và doanh nghiệp Tại Tọa đàm, các Trưởng Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài sẽ chia sẻ xu hướng mới về đầu tư, đổi mới ... |
| Dấu ấn, thành tựu và kỳ vọng về Hội nghị Ngoại giao lần thứ 32 Hai năm qua gắn với nửa đầu nhiệm kỳ Đại hội Đảng lần thứ XIII, trong bối cảnh thế giới nhiều biến động, thách thức ... |
| Ngoại giao nỗ lực đồng hành cùng địa phương Vai trò đồng hành của Bộ Ngoại giao trong công tác đối ngoại trên các lĩnh vực, đặc biệt là ngoại giao kinh tế, ngoại ... |
| Hội nghị Ngoại giao: Lịch sử và ý nghĩa Tình hình thế giới và khu vực luôn diễn biến hết sức nhanh chóng, phức tạp, khó lường, trong đó thời cơ và thách thức ... |