Phát biểu trong cuộc họp báo tại Nghị viện Châu Âu ở Brussels ngày 31/8, Ngoại trưởng Qatar Sheikh Mohammed bin Abdulrahman Al-Thani nhấn mạnh yêu sách 13 điểm để nối lại mối quan hệ ngoại giao được Saudi Arabia, Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE), Bahrain và Ai Cập đưa ra hồi cuối tháng 6 là "không thể chấp nhận được".
Ông cho biết thêm: "Qatar không bao giờ can thiệp chính trị vào bất kỳ quốc gia nào và cũng sẽ không chấp nhận việc can dự chính trị của nước khác".
Theo ông, không ai có thể ngăn cản việc Qatar "có quan hệ đặc biệt với Iran".
Ngoại trưởng Qatar Abdulrahman al-Thani. (Nguồn: AFP) |
Cuộc khủng hoảng giữa Qatar và các nước láng giềng Arab và vùng Vịnh bắt đầu từ đầu tháng 6, với việc 4 nước quyết định cắt đứt quan hệ ngoại giao và phong tỏa các tuyến vận tải với Qatar với cáo buộc Doha hỗ trợ khủng bố. Đến nay, Qatar vẫn mạnh mẽ bác bỏ cáo buộc này. Đây là cuộc khủng hoảng nghiêm trọng nhất trong nhiều thập kỷ qua giữa các quốc gia vùng Vịnh.
Căng thẳng đã lại tiếp tục gia tăng trong tuần qua khi Qatar tuyên bố sẽ đưa Đại sứ nước này trở lại Iran - đối thủ của hầu hết các quốc gia vùng Vịnh. Hồi tháng 1/2016, Qatar đã rút đại sứ tại Iran về nước nhằm thể hiện tình đoàn kết với Saudi Arabia sau khi xảy ra vụ tấn công vào hai cơ quan ngoại giao của Riyadh tại Iran. Động thái của Qatar đã bị Ngoại trưởng UAE Anwar bin Mohammed Gargash chỉ trích mạnh mẽ, cho rằng cách xử sự "kiêu ngạo và thiếu chín chắn" của Qatar khiến khủng hoảng thêm trầm trọng.
Bất chấp nỗ lực hòa giải của Mỹ, Liên minh Châu Âu (EU) và Kuwait thời gian qua, căng thẳng ngoại giao vùng Vịnh đến nay vẫn chưa có dấu hiệu giảm bớt.