Qatar nhìn từ trên cao. |
Giàu... tự nhiên
Chẳng nơi nào như Qatar, người dân sinh ra đã có quyền được giàu. Vì những lợi ích mà dầu mỏ mang lại, công dân nước này không phải đóng thuế, không phải trả một xu nào khi khám sức khỏe, sử dụng điện, nước…
“Của nhà trồng được” nên giá xăng dầu rất rẻ ở nước này. Người dân sử dụng ô tô mà không phải bận tậm gì về việc mua xăng, giá xăng dầu tăng hay giảm cũng... kệ. Thế nên mới có thêm một phép so sánh rằng: Nếu đặt hai chai khối lượng bằng nhau, một bên là nước ngọt, một bên là xăng thì giá của chai nước ngọt sẽ cao hơn.
Có vô số minh chứng cho sự giàu sang này. Đất nước có diện tích chưa đầy 11.500 km2 hiện dẫn đầu bảng xếp hạng mới nhất về quốc gia và khu vực giàu nhất trên thế giới với GDP bình quân đầu người hơn 100.000 USD/năm. Vương quốc trẻ (thành lập năm 1971) quá ư nổi tiếng với những cao ốc kiến trúc hiện đại pha trộn phong cách đặc trưng của Ả Rập với trang trí mái vòm, họa tiết.
Hình ảnh những chiếc xe hơi sang trọng như BMW, Audi, Mercedes-Benz rất phổ biến trên các đường phố với gam màu trắng là chủ đạo. Ở khu vực nhà giàu Vịnh Ngọc Trai có hàng trăm du thuyền đậu kín dưới bến...
Thủ đô Doha là thiên đường mua sắm với những mặt hàng miễn thuế trong các trung tâm thương mại như City Center, Landmark, Hyatt Plaza, the Mall và Royal Plaza. Người ta nói rằng nếu như muốn mua một món đồ mà Qatar không có, họ lập tức đáp máy bay tới Dubai để mua. Nếu như ở Dubai cũng không có thì họ có thể bay tới châu Âu hoặc Mỹ...
Hai bên đường phố ngổn ngang những công trình xây dựng cũng có thể làm dẫn chứng cho sự phát triển chóng mặt của quốc gia 2 triệu dân này. Năm ngoái, cả thế giới phải sững sờ khi con số 200 tỷ USD mà Qatar dự kiến chi cho việc xây dựng cơ sở hạ tầng, sân vận động nhằm phục vụ cho World Cup 2022 được tiết lộ. Đây là số tiền chi tiêu kỷ lục trong lịch sử các nước chủ nhà đăng cai World Cup.
Đủng đỉnh
Từ sân bay, trung tâm mua sắm đến Bộ Ngoại giao, Hội đồng Bộ trưởng, những người Qatar mà tôi gặp có ít nhất một điểm chung, đó là dáng đi chậm rãi và tác phong từ tốn. Tôi tự hỏi có phải là do bộ áo choàng thùng thình không cho phép họ đi nhanh...
Nhưng mấu chốt không phải ở đấy. Có lẽ trên thế giới chẳng nơi nào “sống chậm” như ở Qatar. Người ta sinh ra đã có quyền được hưởng sự giàu sang nên không cần phải vội vàng, có phải lo lắng về chuyện cơm, áo, gạo, tiền đâu!
Do chính sách an sinh xã hội rất tốt, công dân Qatar được bao cấp từ lúc lọt lòng đến hết đời nên họ không cần thiết phải làm việc. Cuộc sống nhàn nhã, có phần ỷ lại. Nếu thấy những ông chủ trong văn phòng hay những công nhân đang miệt mài nơi công trường, thì 95% là người Âu – Mỹ hoặc Nam Á.
Trên thực tế, ngoài dầu mỏ ra, Qatar không có bất cứ tài nguyên gì khác. Mọi thứ đều phải nhập khẩu, kể cả lao động. Qatar là quốc gia có tỷ lệ người nhập cư lớn nhất thế giới (chiếm 85%).
Một người bạn ở Qatar hơn mười năm nói với tôi rằng các cuộc hội thoại với người Qatar thường bắt đầu một cách chậm chạp với những câu chào hỏi rồi mới chuyển dần sang công việc. Họ thích làm việc qua thư điện tử hơn là gặp mặt...
Người viết bài đã có trải nghiệm nho nhỏ với những cán bộ trong Ban thư ký ở Hội đồng Bộ trưởng Qatar. Để biết được chính xác tên tiếng Anh của Phó Thủ tướng nước bạn, tôi đã phải mất hơn 10 phút “nhấp nhỏm”, uống hết một tách trà... Nếu người nào hay sốt ruột thì chắc là “khó ở” trên quốc gia Trung Đông này...
***
Cô gái Ả rập vốn được thiên phú về nhan sắc, lại là con nhà giàu và nhàn nhã, có phần kiêu kỳ như vậy, lẽ nào không vương vấn hồn ai?
Hạnh Diễm
* Tác giả tham gia đoàn Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc thăm chính thức Qatar và tham dự Những ngày Việt Nam từ ngày 13-14/12.