Một lễ trao giải Quả Cầu Vàng khác lạ nhất trong lịch sử. Chủ nhân của 25 Quả Cầu Vàng đã được xướng tên, nhưng không có ai lên nhận. Song dẫu sao, Quả Cầu Vàng cũng không vì thế mà mất đi ý nghĩa cũng như sự trông đợi vốn có của nó. Trước sau, nó vẫn là giải thưởng điện ảnh và truyền hình uy tín của nước Mỹ, giải tiền Oscar danh giá.
Niềm vui sẻ chia
Đúng như dự đoán, vinh quang lớn nhất trong đêm công bố giải thuộc về Atonement (Chuộc tội) của đạo diễn người Anh Joe Wright. Tác phẩm được đánh giá là “lãng mạn, gây xúc động và đau đớn nhất kể từ Titanic” đã đoạt Phim chính kịch hay nhất.
Tuy nhiên, Atonement đã không áp đặt được sự thống trị tại giải Quả Cầu Vàng năm nay bởi sự cạnh tranh quá quyết liệt của những bộ phim không kém phần xuất sắc khác… Nhận 7 đề cử, nhưng bộ phim có hình ảnh đẹp và lối kể chuyện độc đáo này cũng chỉ đoạt thêm giải Nhạc nền phim hay nhất dành cho nhà soạn nhạc người Italy Dario Marianelli.
Ngoài ra, có đến 3 bộ phim nữa cùng giành 2 giải thưởng năm nay. Đó là No Country for Old Men (Không có chỗ cho người già). Sau chiến thắng vang dội tại giải Critics’ Choice Awards, cặp anh em đạo diễn/biên kịch Joe và Ethan Coen của bộ phim tội phạm cũng tạm an ủi với giải Kịch bản hay nhất. Đồng thời, vai kẻ giết người máu lạnh trong phim này cũng mang về cho Javier Bardem giải Nam diễn viên phụ xuất sắc nhất. Cũng vậy, Sweeney Todd: The Demon Barber of Fleet Street (Tay thợ cạo độc ác Phố Fleet) được tôn vinh giải Phim hài/nhạc kịch hay nhất và Nam diễn viên xuất sắc nhất cùng thể loại (Johnny Depp). The Diving Bell and the Butterfly (Chiếc áo lặn và con bướm) nhận giải Phim nước ngoài hay nhất và Đạo diễn xuất sắc nhất.
Ngoại trừ American gangster và Charlie Wilson’s war, năm nay phim nào cũng có giải. “Kiện tướng” doanh thu phòng vé Ratatouille (Chú chuột đầu bếp) đã giành giải Phim hoạt hình xuất sắc nhất. I’m Not There (Tôi không ở đó) có giải Nữ diễn viên phụ xuất sắc phim bi (Cate Blanchett), trong khi There Will Be Blood (Máu sẽ đổ) kéo về cho Daniel Day-Lewis giải Nam diễn viên chính phim bi xuất sắc nhất.
Sự tỏa sáng của các phim... ngoài Mỹ
Không chỉ rinh giải Quả Cầu Vàng Phim hay nhất, ở hạng mục Nữ diễn viên phim bi, cuộc cạnh tranh từ ban đầu đã được xác định là giữa hai nữ diễn viên người Anh Keira Knightley và Julie Christie. Cuối cùng, sự từng trải và kinh nghiệm đã giúp cựu binh 67 tuổi Christie chiến thắng với vai diễn phức tạp trong bộ phim Anh-Canada Away from her (Rời xa nàng). Trong khi đó, cũng ở hạng mục này, thể loại phim hài/nhạc kịch, nữ diễn viên Pháp Marion Cotillard cũng được vinh danh bằng sự xuất sắc trong phim La Vie en Rose. Mới đây, cô nhận giải Triển vọng tại LHP Palm Springs lần thứ 19 (1/2008).
Tuột khỏi tay các đạo diễn lớn như Tim Burton, Ethan và Joel Coen, Ridley Scott hay Joe Wright, giải Đạo diễn xuất sắc nhất lại thuộc về Julian Schnabel với bộ phim The Diving Bell and the Butterfly, chuyển thể từ cuốn sách của nhà báo Pháp Jean-Dominique Bauby. Bộ phim cũng chiến thắng luôn giải Phim nước ngoài hay nhất, vượt qua phim đoạt Cành cọ vàng 4 tháng, 3 tuần, 2 ngày của Romania và tác phẩm đình đám Sắc giới của Đài Loan. Vị đạo diễn sinh năm 1951 này chỉ mới làm được 4 phim, nhưng đã giành được nhiều giải thưởng quan trọng, trong đó có giải Đạo diễn xuất sắc nhất tại LHP Cannes 2007, giải Đặc biệt của Ban Giám khảo tại LHP Venice năm 2000.
Niềm hạnh phúc của những người đoạt giải đến nhanh và cũng qua nhanh bởi sự thiếu vắng những khoảnh khắc trao giải trang trọng. Để bù đắp phần nào khoảng lặng, ông Jorge Camara, Trưởng Ban tổ chức Giải, đã tuyên bố đầy lạc quan: “Chắc chắn, giải Quả Cầu Vàng năm tới sẽ trở lại hoành tráng và hoàn hảo hơn tất cả những năm qua”.
Huỳnh Hạnh