Thời kỳ "trăng mật" trong quan hệ Mỹ-EU được cho là đã qua, vì vậy hai đối tác xuyên Đại Tây Dương cần tìm ra hướng đi mới để quan hệ đôi bên trở nên thực chất, hiệu quả. (Nguồn: Getty) |
Dấu hiệu hồi sinh của quan hệ đôi bên
Sau khi nhiệm kỳ của cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump kết thúc, mối quan hệ xuyên Đại Tây Dương được kỳ vọng sẽ có nhiều chuyển biến lạc quan.
Tuy nhiên, quan hệ giữa Washington và Brussels hiện đang được đánh giá là “có nhiều xích mích” và “gây thất vọng”. Câu hỏi đặt ra là, liệu cả hai bên đã tìm ra cách để cải thiện?
Sự ra đời của Hội đồng Công nghệ và Thương mại (TTC) EU-Mỹ tại thành phố Pittsburgh (bang Pennsylvania, Mỹ) tuần trước được coi là dấu hiệu hồi sinh của mối quan hệ thực chất và trung tâm trong thế kỷ XXI.
Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, sức khỏe cộng đồng, phục hồi kinh tế, chuyển đổi năng lượng xanh là các vấn đề lớn của châu Âu hiện nay, đồng thời là tiềm năng hợp tác lớn nhất với Mỹ.
Trong bài phát biểu của Tổng thống Joe Biden tại Kỳ họp thứ 76 Đại hội đồng Liên hợp quốc, nhà lãnh đạo Mỹ nêu rõ, Washington sẽ hành động vì lợi ích quốc gia.
Theo đó, lợi ích của Mỹ cần phải phù hợp với châu Âu về mặt an ninh, đồng thời việc định hướng lại chiến lược với Trung Quốc và tăng cường ảnh hưởng ở khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương cũng đồng nghĩa với việc tiếp tục tách rời khỏi các khu vực xung quanh của châu Âu.
Bài học duy nhất mà EU có thể rút ra là thực hiện trách nhiệm của khối trong khu vực lân cận.
Mới đây, các sự kiện lớn tại Afghanistan và AUKUS đã khơi lại cuộc tranh luận về quyền tự chủ chiến lược, an ninh và quốc phòng của châu Âu.
Vì vậy, một mối quan hệ đối tác mạnh mẽ giữa hai bờ Đại Tây Dương cần đi liền với mối quan hệ an ninh và quốc phòng cân bằng hơn.
Đây được nhìn nhận là một mối quan hệ với trách nhiệm cao hơn của châu Âu, cũng như sự tôn trọng lớn hơn từ Mỹ, nhưng lại là điều mà hiện tại cả hai bên đều chưa làm được.
Vị thế của EU với Mỹ
Cạnh tranh chiến lược Mỹ-Trung Quốc không có nghĩa là các cường quốc khác - bao gồm cả EU - không liên quan mà các quốc gia này sẽ bị thu hút vào cực này hay cực kia, phần lớn tùy thuộc vào bản chất của hệ thống chính trị mỗi nước.
Tuy nhiên, không giống như Chiến tranh Lạnh, cuộc cạnh tranh hiện tại có sự phụ thuộc lẫn nhau sâu sắc và chủ yếu diễn ra trên các lĩnh vực kinh tế và công nghệ.
Điều này đặt châu Âu vào một vị trí hoàn toàn khác so với trước đây. Nếu như vào thế kỷ XX, châu Âu có vị thế quan trọng hơn Mỹ trên bàn cờ chính trị quốc tế, được ví như một “món chính trong thực đơn”, thì ngày nay, EU quan trọng theo cách là “có một chỗ ngồi trên bàn ăn”.
Tuy nhiên, điều này không có nghĩa là EU và Mỹ không thể hợp tác trong bất kỳ vấn đề gì.
Các lĩnh vực như kinh tế, công nghệ, biến đổi khí hậu và năng lượng là hướng đi đầy hứa hẹn hơn cho hợp tác đôi bên. Trong đó, đại dịch Covid-19 đã tạo cơ hội để EU có những hành động cụ thể.
Sự chuyển đổi kinh tế, công nghệ và năng lượng sẽ là nhịp đập của quan hệ đối tác xuyên Đại Tây Dương trong thế kỷ XXI. Đây là những lĩnh vực mà châu Âu đã nhận trách nhiệm và đạt được nhiều thành tựu.
Mặc dù vậy, sự khác biệt trong quan điểm ở những lĩnh vực này vẫn còn tồn tại. Trong khi những tiến bộ đã đạt được về các mục tiêu cắt giảm carbon, cam kết tài chính khí hậu và sự ra mắt của liên minh khí methan toàn cầu, thì vẫn còn những vùng nước sâu ngăn cách EU và Mỹ, đáng chú ý nhất là về các vấn đề như định giá carbon.
Nếu hai bên không thể tạo ra điểm chung, các vấn đề này có nguy cơ biến thành khoảng cách xuyên Đại Tây Dương.
“Thời kỳ trăng mật” sẽ đến rồi sẽ đi, nhưng hiện thực luôn cần những hành động thực chất. Đã đến lúc Mỹ và EU cần làm cho mối quan hệ hai bờ Đại Tây Xương trở lên có hiệu quả, đặc biệt là trong những lĩnh vực thiết yếu đối với cả hai.