Khu vực Buiksloterham trước và sau khi được cải tạo. |
Khu vực có tên gọi là Buiksloterham ở thành phố Amsterdam trước đây phát triển khá nhiều lĩnh vực bao gồm dầu khí, đóng tàu và sản xuất. Theo thời gian nhiều doanh nghiệp đã phá sản, chết yểu hoặc chuyển đi nơi khác. Khu vực bị bỏ hoang, ô nhiễm và đất ở đó không có giá trị sử dụng.
Tuy vậy, quyết tâm của các cấp chính quyền với những giải pháp hữu hiệu đã biến nơi đây trở thành một trong những điểm đến thú vị và giá bất động sản ở đó không ngừng tăng lên.
Những giải pháp này bao gồm: Đa dạng hóa mục đích sử dụng, xây dựng lộ trình để từng bước thu hút dân cư và văn phòng đến hoạt động tại các khu vực an toàn, cho thuê năm khu xưởng tàu cũ De Ceuvel trong thời hạn mười năm chờ thị trường phục hồi, khuyến khích đô thị hóa bền vững và tổ chức các hoạt động, sự kiện hấp dẫn tại đây.
Đặc biệt năm 2011, chính quyền bán các lô đất cách đó không xa nhằm thu hút người dân muốn định cư dựa trên các công nghệ bền vững như sử dụng các vật liệu tái chế và tự sản xuất điện.
Ông Frank Alsema là một trong những người tiên phong mua và khởi công xây dựng tại đây. Ngoài ra, ông Alsema còn xây dựng một quỹ lấy tên là Phòng thí nghiệm thành phố Buiksloterham nhằm phát triển một mạng xã hội (giống như Facebook) để kết nối mọi người dân địa phương.
Nhờ thế mà tất cả mọi người đều có thể giám sát các hoạt động xây dựng, một cộng đồng năng động với nhiều ý tưởng được chia sẻ cũng được hình thành. Trên cơ sở đó, đất đai đã tăng giá, thậm chí còn được săn lùng gắt gao, có người còn cắm trại ở đây tới sáu tuần để chắc chắn mua được lô đất nào đó. Điển hình là công ty nhà đất De Alliantie, nắm giữ trong tay rất nhiều lô đất, luôn chú trọng sử dụng các vật liệu tái chế trong xây dựng.
Bước ngoặt mới
Điều này xảy ra cách đây một năm khi công ty công ích Waternet và chính quyền thành phố đã phối hợp với người dân, các chuyên gia thiết kế và kiến trúc sư trong công cuộc tái thiết Buiksloterham hướng tới sự phát triển bền vững. Bản Tuyên ngôn Buiksloterham ra đời từ đó với triết lý “Chúng ta phải luôn đổi mới chức năng hoạt động của các thành phố”. Bản Tuyên ngôn cũng cam kết biến Buiksloterham thành một “Phòng thí nghiệm sống”, tạm thời gạt sang một bên các quan niệm truyền thống về những tiện ích như đài phát thanh hoặc bãi đỗ xe. Thay vào đó là những giải pháp tiên tiến liên quan đến việc xử lý nước thải hoặc giao thông.
Theo nhận định của ông Van Odijk - chuyên gia bất động sản của công ty De Alliantic, “Bạn phải phân tích các vấn đề hiện tại và tìm ra giải pháp. Điều đó sẽ tạo ra mối ràng buộc giữa các bên, là cơ sở để hợp tác. Cứ thử nghiệm, tất nhiên, có thể sẽ có những sai sót. Sai lại sửa”.
Mục tiêu đặt ra là giảm thiểu các phương tiện tham gia giao thông, từ đó các bãi đỗ xe cũng giảm về số lượng, giao thông công cộng được tăng cường, các tiện ích dành cho người đi xe đạp sẽ được cải thiện.
Người dân đòi hỏi chính quyền thành phố phải đặt ra các tiêu chuẩn cao về thân thiện với môi trường nhằm phát triển cuộc sống theo hướng hữu cơ hóa. Ông Van Odijk cho biết: “Nếu nhà ở bền vững được ưa chuộng, chắc chắn thị trường sẽ trở lại sôi động. Chúng tôi đã thảo luận với các bên hữu quan về tham vọng bền vững và nếu cần, chúng tôi cũng sẽ nâng cấp các lô đất thuộc quyền sở hữu của mình. Quan điểm của chúng tôi là luôn sẵn sàng tiếp nhận sự phát triển”.
Theo ông Alsema, “Đây như một cuộc chơi. Mọi người thích được thử thách, thích được trải nghiệm những quy luật mới. Nhờ vậy mà Buiksloterham luôn có sự biến đổi tích cực và người ta không còn thấy sự tái xuất hiện của các hệ thống đã lỗi thời”.