Những quyết sách mạnh mẽ từ đầu năm 2016 của Chủ tịch Tập Cận Bình đã khiến Quân giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLA) có một diện mạo mới với nhiều thay đổi đáng kể trong cơ cấu tổ chức cũng như nâng cao khả năng kiểm soát quân lực của chính quyền Bắc Kinh. Tuy nhiên, hiệu quả trong công tác cải tổ quân đội chỉ có thể đánh giá trên thực địa tác chiến.
Khả năng tác chiến chung
Theo quan điểm về tính hiệu quả tác chiến, việc chuyển đổi từ quân khu sang vùng tác chiến có tầm quan trọng lớn đối với sự phát triển khả năng tác chiến chung. PLA đã và đang nhấn mạnh khái niệm “các hoạt động tác chiến chung tích hợp” kể từ Chiến tranh Iraq năm 2003. Nhiều ấn phẩm về đề tài này kể từ đó đã được đưa vào những tài liệu tham khảo nội bộ của PLA. Tuy nhiên, khi tiến hành các hoạt động tác chiến chung, thách thức lớn nhất không phải là công nghệ mà là hệ thống quân khu lấy lục quân làm trung tâm và thái độ bảo thủ của ban lãnh đạo quân đội.
Chẳng hạn, hệ thống quân khu do lục quân chi phối, nếu muốn tham gia chiến đấu hiện đại, phải có sự hợp tác của không quân, hải quân và lực lượng tên lửa nhằm đạt được hiệu quả mong muốn. Và khi tiến hành các hoạt động tác chiến chống tiếp cận/ngăn chặn xâm nhập khu vực, PLA cuối cùng đã nhận ra rằng họ không thể gây ra bất kỳ mối đe dọa nào cho quân đội Mỹ, đặc biệt là các tàu sân bay của nước này, trừ phi có sự hợp tác với các quân chủng khác và các lực lượng tên lửa đạn đạo.
Máy bay chiến đấu J-10 của Không quân PLA. (Nguồn: Sina) |
Chính việc mỗi một quân chủng đi theo con đường riêng của mình mà không xây dựng sự phối hợp với các quân chủng khác vốn đã là một vấn đề nghiêm trọng, vì nó làm giảm rất nhiều sức mạnh chiến đấu của PLA. Vì vậy, xét về mặt cải thiện sức mạnh chiến đấu, việc chuyển từ quân khu sang vùng tác chiến không chỉ để sắp xếp hợp lý nhân sự mà còn nhằm thiết lập các vùng tác chiến như là bộ tư lệnh tác chiến chính phục vụ những nhu cầu thực sự trên chiến trường. Để một nhiệm vụ chiến đấu được thực hiện một cách thỏa đáng, tư lệnh của một vùng tác chiến được giao phó quyền hạn và sự tùy ý huy động binh lính bên trong vùng chịu trách nhiệm (AOR) của mình, tăng cường đáng kể toàn bộ năng lực tác chiến chung của các lực lượng có liên quan.
Thành tích của PLA về mặt này có thể được nhìn thấy từ việc họ thực hiện các nhiệm vụ có liên quan đến Vùng nhận dạng phòng không (ADIZ) ở biển Hoa Đông, khu vực về mặt địa chính trị nằm trong AOR của Quân khu Nam Kinh và lực lượng không quân của hải quân của Hạm đội Đông Hải, với sự chồng lấn đáng kể các trách nhiệm giữa không quân và hải quân. Trên thực tế, trước đây không có ví dụ nào về việc không quân và hải quân hoạt động dưới sự chỉ huy và kiểm soát của lục quân. Điều thường xuyên xảy ra là 3 quân chủng riêng biệt hoạt động độc lập.
Vào cuối năm 2013, phương tiện truyền thông đại chúng đã đưa tin rằng Từ Tài Hậu, cựu Phó Chủ tịch CMC, đã có những phát biểu về sự phát triển năng lực tác chiến chung. Ông kêu gọi một sự cải thiện hơn nữa đối với cơ chế chỉ huy tác chiến chung của CMC và cơ chế chỉ huy tác chiến chung của nhiều vùng tác chiến khác nhau trên khắp đất, nước nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho việc huấn luyện và đảm bảo hiệu quả của những cải cách cơ cấu. Những diễn biến chính trị sau đó xung quanh ADIZ trên biển Hoa Đông đem lại cho PLA cơ hội huấn luyện các lực lượng của họ và hợp nhất các nguồn lực trong một môi trường tác chiến chung. Trong một đoạn băng video về các máy bay Su-27 của Trung Quốc do Nhật Bản công bố, những con số ở phần đuôi đã tiết lộ rằng các máy bay này có căn cứ ở Trùng Khánh, tỉnh Tứ Xuyên. Điều này cho thấy một bước tiến hơn nữa hướng tới sự phát triển của các hoạt động tác chiến trên toàn khu vực và các hoạt động tác chiến chung giữa không quân và hải quân.
Tác động đối với khu vực
Việc thiết lập các vùng tác chiến thay thế các quân khu do đó thể hiện một sự thay đổi trong tư duy tác chiến của PLA và một sự chuyển hướng khỏi cơ cấu lực lượng bị lục quân chi phối, điều thường được so sánh với "một con chó có cái đuôi lớn đến mức không thể vẫy được". Thay vào đó điều sắp xuất hiện là một lực lượng tinh nhuệ và có tính linh hoạt cao với khả năng tác chiến chung tích hợp. Giờ đây ông Tập Cận Bình có quyền kiểm soát lớn hơn đối với quân đội, chức năng ngoại giao quân sự của PLA có thể hữu ích hơn. Ngoài các chiến lược tấn công và đe dọa binh đao bằng lời nói theo trường phái cũ, như được chứng kiến trong cuộc khủng hoảng eo biển Đài Loan năm 1996, việc mở rộng sự hiện diện của PLA rất có thể được sử dụng như là lợi thế thương lượng trong các hoạt động chính trị quốc tế. Bằng cách sử dụng PLA theo bề ngoài là một biện pháp cho sự răn đe quân sự, chẳng hạn trong chính sách ngoại giao pháo hạm hiện đại, hay là một cửa ngõ để đóng góp cho cộng đồng quốc tế, ông Tập Cận Bình hẳn sẽ cảm thấy thoải mái hơn khi áp dụng cách tiếp cận "cây gậy và củ cà rốt" nổi tiếng.
Bộ An ninh Quốc gia Trung Quốc được đánh giá là một trong 10 cơ quan tình báo hàng đầu thế giới. (Nguồn: Defence.pk) |
Một thay đổi rõ ràng khác trong cơ cấu PLA sau cải cách là sự hợp nhất các khả năng tình báo nước ngoài. Tình báo nước ngoài trước đây là trách nhiệm của Cục Tình báo số 2 và số 3 của GSD, tương ứng xử lý tình báo con người và tình báo điện tử và Internet. Giờ đây công việc này đã được giao lại cho các đơn vị do lục quân dẫn dắt, Lực lượng Tên lửa và SSF, trong một sự hợp nhất các nguồn lực tình báo. Điều đáng chú ý là Cục liên lạc của Tổng cục Chính trị và Tổng cục trang bị có các đơn vị thu thập thông tin tình báo của riêng họ. Cùng với việc tái cơ cấu sâu rộng Tổng cục Chính trị và Tổng cục trang bị, các đơn vị tình báo thuộc 2 tổng cục này có thể được sáp nhập vào SSF, báo hiệu cho một sự cải tổ cộng đồng tình báo. Nếu CMC trong tương lai có các đơn vị tình báo trực tiếp báo cáo cho họ theo cách tương tự như Cơ quan Tình báo Quốc phòng (DIA) của Mỹ hoặc GRU (Cục tình báo quân đội) của Nga, thì điều đó sẽ tượng trưng cho một sự hợp nhất hơn nữa các khả năng tình báo nước ngoài của Trung Quốc.
Khi tái cơ cấu cục tình báo thứ hai và thứ ba của Bộ Tổng tham mưu, cần phải lưu ý rằng cục thứ ba từng được sử dụng để kiểm soát đa số các thành phần của lực lượng thông tin mạng Trung Quốc mà chủ yếu được dành để tấn công máy tính, trong khi cục thứ hai chuyên về tình báo con người và phân tích tình báo. Nếu hai cục này sáp nhập, thì các cuộc tấn công được thực hiện bởi lực lượng thông tin mạng thậm chí còn trở nên tàn bạo hơn. Chẳng hạn, kỹ xảo đe dọa dai dẳng tiên tiến thường được lực lượng thông tin mạng sử dụng phụ thuộc nặng nề vào thông tin về một mục tiêu cụ thể như dữ liệu cá nhân của anh ta hay cô ta, giới bạn bè và thói quen đọc. Thu thập được thông tin này không phải là điều mà một tin tặc trội hơn. Vì vậy việc hợp nhất các nguồn tình báo sẽ chỉ khuyến khích lực lượng thông tin mạng của Trung Quốc hung hăng hơn nhắm tới các nước mục tiêu.
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình trao quân kỳ cho ông Lưu Việt Quân, Tư lệnh Quân đoàn phía Đông và ông Trịnh Vệ Bình, Chính ủy Quân đoàn phía Đông. (Nguồn: Tân Hoa Xã) |
Vẫn còn thời gian
Bất chấp cơn bão rõ ràng xuất hiện nơi chân trời, thời gian vẫn còn. Việc tái cơ cấu sâu rộng của PLA đã đem đến những thay đổi lớn cho dây chuyền chỉ huy, ám chỉ rằng PLA sẽ cần thêm thời gian để trở nên quen dần với cơ cấu mới. Điều này đem lại cho các nước khác ở châu Á-Thái Bình Dương thời gian để xây dựng sức mạnh quân sự hoặc thực hiện những triển khai chiến lược. Khi PLA giảm biên chế, một số lượng khá lớn các hạ sĩ quan sẽ được điều chuyển đến những vị trí ít mong muốn hơn hoặc sẽ bị giải ngũ. Điều này đem lại cho cộng đồng tình báo của các quốc gia khác cơ hội tuyển mộ các nhân viên tình báo trong lòng Trung Quốc và thiết lập một nhóm gián điệp, theo phong cách của những nỗ lực trước đây, nhằm giành được lợi thế trong việc thu thập thông tin tình báo.
Các cải cách quân sự của Trung Quốc là một tiến trình đang diễn ra mà, theo ước tính của chính Trung Quốc, sẽ mất 5 năm để hoàn thành. Nói cách khác, còn khá nhiều điều không chắc chắn tồn tại trong khoảng thời gian tới năm 2020. Tuy nhiên, điều có thể thấy trước là PLA sẽ tham khảo rất nhiều hệ thống quân đội Mỹ, đặc biệt là các hoạt động tác chiến chung và những học thuyết của Hội đồng Tham mưu trưởng liên quân, trong việc triển khai trong chiến trường tương lai của mình.
Bất chấp điều đó, PLA vẫn không thể bước đi mà không có một cơ cấu lực lượng và tư duy tác chiến bắt nguồn từ Nga và người tiền nhiệm Liên Xô, như việc chia sẻ quyền lãnh đạo chung giữa sĩ quan chỉ huy và chính ủy của mỗi một đơn vị cấp đại đội và cao hơn. Vì vậy, đó là điều hợp lý khi sử dụng sự thay đổi về quân sự của Nga bắt đầu từ năm 2000 làm tiêu chuẩn đánh giá cho những cải cách hiện tại của PLA.