Quan hệ Canada và Ấn Độ căng thẳng sau vụ sát hại Hardeep Singh Nijjar, một công dân Canada bị bắn vào ngày 18/6 tại Surrey, ngoại ô Vancouver. (Nguồn: Reuters) |
Những đáp trả liên tục đang khiến quan hệ Ấn Độ-Canada hết sức căng thẳng. Tiếp sau việc cả hai nước đều trục xuất các nhà ngoại giao của nhau, hôm 21/9, Ấn Độ tiếp tục tạm dừng cấp thị thực cho công dân Canada với lý do mà họ gọi là “các mối đe dọa an ninh” đối với giới chức ngoại giao Ấn Độ ở Canada.
Tranh cãi bùng nổ sau khi Thủ tướng Canada Justin Trudeau tuyên bố về mối liên hệ tiềm ẩn giữa “các đặc vụ của chính phủ Ấn Độ” với vụ sát hại Hardeep Singh Nijjar, một thủ lĩnh ly khai người Sikh ở Ấn Độ nhưng đã nhập tịch Canada. Trong khi đó, New Delhi kịch liệt phủ nhận các cáo buộc, gọi chúng là “phi lý và có động cơ”.
Một cuộc khủng hoảng ngoại giao nghiêm trọng đang diễn ra giữa hai đối tác chiến lược, nhưng nó có trở thành cơn bão tàn phá quan hệ hai nước hay không thì ít người nghĩ tới. Vấn đề là bởi “sức nặng” của Ấn Độ quá lớn.
Với hơn 1,4 tỷ dân lại có nền kinh tế phát triển nhanh chóng, Ấn Độ được dự báo có thể vượt qua Nhật Bản và Đức để trở thành nền kinh tế lớn thứ ba thế giới vào năm 2030. Ấn Độ còn là đối tác quan trọng trong Bộ tứ (Quad) cùng với Mỹ, Nhật Bản và Australia.
Ngay với Canada, Ấn Độ cũng được coi là nền tảng trong chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương mà Ottawa đang tích cực triển khai nhằm đa dạng hóa kinh tế và thương mại. Sau đổ vỡ quan hệ với Trung Quốc, Canada khó có thể để mất thêm một đối tác kinh tế quan trọng như Ấn Độ.
Canada cũng không tìm được sự chia sẻ từ bên ngoài. Dù đều tuyên bố quan ngại vụ sát hại ông Hardeep Singh Nijjar nhưng các đồng minh quan trọng nhất của Canada là Mỹ, Anh, Australia hay New Zealand đều không lên án Ấn Độ.
Trong bối cảnh đó, phản ứng của Ottawa dù cứng rắn nhưng nhiều khả năng chỉ là cơn bão thoáng qua mà thôi.