📞

Quan hệ Đối tác Chiến lược toàn diện ASEAN-Trung Quốc: Động lực mới cho hòa bình và thịnh vượng

Vy Anh 19:59 | 22/11/2021
Phát biểu tại Hội nghị trực tuyến cấp cao đặc biệt ASEAN-Trung Quốc diễn ra ngày 22/11, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình cho rằng quan hệ Đối tác Chiến lược toàn diện ASEAN-Trung Quốc là cột mốc mới trong lịch sử quan hệ hai bên và sẽ tạo động lực mới cho hòa bình, ổn định, thịnh vượng và phát triển của khu vực.
Hội nghị trực tuyến cấp cao đặc biệt ASEAN-Trung Quốc tại điểm cầu Bắc Kinh, Trung Quốc. (Nguồn: Tân Hoa xã)

Cột mốc mới trong lịch sử

Theo Tân Hoa xã, tại Hội nghị trực tuyến cấp cao đặc biệt ASEAN-Trung Quốc, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình thông báo Trung Quốc và ASEAN đã thiết lập Quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện.

Ông Tập Cận Bình nhấn mạnh: "Đây là một cột mốc mới trong lịch sử quan hệ ASEAN-Trung Quốc và sẽ tạo động lực mới cho hòa bình, ổn định, thịnh vượng và phát triển của khu vực chúng ta cũng như toàn thế giới".

Chủ tịch Trung Quốc đánh giá cao những phát triển mạnh mẽ, tích cực của quan hệ ASEAN-Trung Quốc; nhấn mạnh những nguyên tắc cơ bản như tôn trọng lẫn nhau, đề cao các chuẩn mực trong quan hệ quốc tế, hợp tác cùng có lợi, quan tâm chân thành và chia sẻ, hỗ trợ lẫn nhau và cùng đẩy mạnh hợp tác đa phương khu vực và thế giới.

Hội nghị đã ra tuyên bố chung: Quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện vì hòa bình, an ninh, thịnh vượng và phát triển bền vững.

Theo cgtn.com, hợp tác giữa Trung Quốc và ASEAN đã đạt được những thành tựu tốt đẹp trong 30 năm qua. Trung Quốc và ASEAN đang hướng tới 3 thập niên kim cương tiếp theo với sự hiểu biết và tin tưởng lẫn nhau.

Sự tin cậy lẫn nhau về chính trị giữa Trung Quốc và ASEAN trở nên sâu sắc hơn trong 3 thập niên vừa qua. Từ "Đối tác đối thoại đầy đủ" năm 1996 đến "quan hệ láng giềng hữu nghị, tin cậy lẫn nhau hướng tới thế kỷ XXI" năm 1997 và sau đó là "quan hệ Đối tác chiến lược hướng tới hòa bình và thịnh vượng" năm 2003, quan hệ Trung Quốc-ASEAN đã có những bước phát triển nhảy vọt.

Cơ chế đối thoại và hợp tác ở các cấp đã được thiết lập, đặt nền tảng vững chắc cho sự tin tưởng về chiến lược giữa hai bên. 24 Hội nghị cấp cao Trung Quốc-ASEAN và một số hội nghị cấp cao đặc biệt đã được tổ chức thành công, định hướng phát triển mối quan hệ giữa hai bên. Hai bên cam kết có thiện chí và quan hệ láng giềng tốt đẹp, nêu gương vì một sự hợp tác thành công ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương.

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình nhấn mạnh quan hệ Đối tác Chiến lược toàn diện ASEAN-Trung Quốc là cột mốc mới trong lịch sử quan hệ hai bên. (Nguồn: Tân Hoa xã)

Hợp tác toàn diện

Kim ngạch thương mại giữa Trung Quốc-ASEAN tăng từ chưa đến 8 tỷ USD lên 684,6 tỷ USD sau 3 thập niên. Năm 2009, Trung Quốc vượt qua Nhật Bản và Liên minh châu Âu (EU) trở thành đối tác thương mại đầu tiên và lớn nhất của ASEAN trong 12 năm liên tiếp.

Thêm nữa, việc triển khai và nâng cấp Khu vực tự do thương mại Trung Quốc-ASEAN đã củng cố quan hệ kinh tế giữa hai bên. Hội chợ triển lãm Trung Quốc-ASEAN, được tổ chức thành công trong 18 năm, trở thành một nền tảng thiết thực để thúc đẩy hợp tác kinh doanh song phương.

Hợp tác kinh tế tiểu vùng là một điểm nhấn khác trong hợp tác thương mại Trung Quốc-ASEAN. Ví dụ, Hợp tác Mekong-Lan Thương đã đóng một vai trò tích cực trong việc thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, cải thiện đời sống của người dân và ngăn ngừa, kiểm soát dịch bệnh.

Giao lưu nhân dân và giao lưu văn hóa giữa Trung Quốc-ASEAN cũng đã phát triển mạnh mẽ trong những năm qua. Trước khi đại dịch Covid-19 bùng phát, có khoảng gần 4.500 chuyến bay giữa Trung Quốc và Đông Nam Á mỗi tuần. Giới trẻ không chỉ thưởng thức trà Trung Quốc mà còn đặc biệt yêu thích bốn phát minh mới của Trung Quốc là đường sắt cao tốc, thanh toán bằng mã QR, xe đạp công cộng và mua sắm trực tuyến...

Bài báo trên cgtn.com cho rằng, hướng tới tương lai, Trung Quốc và ASEAN sẽ tiếp tục tăng cường tình hữu nghị và tạo ra những triển vọng tươi sáng hơn nữa.

Thứ nhất, hợp tác thiết thực chặt chẽ hơn sẽ được thúc đẩy bởi Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP). Trung Quốc kiên quyết ủng hộ quan điểm cốt lõi của ASEAN trong RCEP và đã làm việc với ASEAN cũng như các bên khác để giải quyết những khác biệt thông qua đối thoại một cách bình đẳng, tạo ra một mô hình mới về hợp tác kinh tế khu vực.

Thông qua nền tảng RCEP, Trung Quốc và ASEAN đã đạt được các quy tắc và thỏa thuận thể chế chung về quy tắc thương mại, quy tắc đầu tư, thương mại điện tử, mua sắm chính phủ,...

Thứ hai, các bên luôn tôn trọng và đối xử với nhau một cách bình đẳng, giải quyết các tranh chấp thông qua đối thoại và tham vấn và sẵn sàng xây dựng 3 thập kỷ kim cương tiếp theo của quan hệ Trung Quốc-ASEAN.

Thứ ba, xây dựng một cộng đồng gần gũi hơn Trung Quốc-ASEAN cùng chung vận mệnh.

(theo news.cgtn.com, Tân Hoa xã)