UAE, Ai Cập và Jordan đã ký kết quan hệ đối tác công nghiệp để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế bền vững và tìm kiếm cơ hội đầu tư chung trong các lĩnh vực ưu tiên. (Nguồn: The National) |
Cụ thể, quan hệ đối tác được công bố gần đây sẽ mang lại lợi ích kinh tế cho 5 lĩnh vực với các lợi ích chiến lược ở mỗi quốc gia, gồm: Nông nghiệp, dược phẩm, dệt may, khoáng sản và hóa dầu.
Hơn nữa, việc này không chỉ giúp gia tăng giá trị và năng lực sản suất mà nó còn giúp các quốc gia này hội nhập vào chuỗi cung ứng toàn cầu, dẫn đến triển vọng thương mại tốt hơn với sự gia tăng xuất khẩu, giảm chi phí và tối đa hóa lợi nhuận.
Đơn cử, là một nước xuất khẩu vốn, UAE có thể triển khai nguồn vốn và các kỹ thuật cao hiện có ở các quốc gia có mức thu nhập thấp hơn, do đó, hỗ trợ tạo việc làm (giảm việc di cư). Vốn cũng là yếu tố rất cần thiết để phục hồi kinh tế sau đai dịch Covid-19.
Dưới đây là 5 lĩnh vực mà mối quan hệ đối tác công nghiệp có thể mang lại lợi ích cho mỗi bên tham gia:
Nông nghiệp, thực phẩm và phân bón
An ninh lương thực là một mục tiêu chính trong quan hệ đối tác công nghiệp, được tạo nên trong bối cảnh những thách thức toàn cầu do ảnh hưởng từ đại dịch Covid-19 và cuộc xung đột hiện nay tại Ukraine.
Theo báo cáo của Bộ Công nghiệp và kỹ thuật cao (MoIAT) của UAE, giá trị thị trường nông sản và thực phẩm ở ba quốc gia tương ứng ước tính đạt 52 tỷ USD vào năm 2019, với tốc độ tăng trưởng hằng năm là 11%. Giá trị nhập khẩu như lúa mì, thức ăn gia súc, trái cây và rau quả, thịt và cá đạt 37 tỷ USD vào năm 2019.
Việc sản xuất phân bón và sản phẩm nông nghiệp, đặc biệt là lúa mì và ngô cũng như sản xuất thức ăn gia súc để đáp ứng nhu cầu ngày càng cao trong các ngành sữa, thịt, gia cầm, chế biến thực phẩm và thực phẩm đóng hộp là những cơ hội tiềm năng đầy triển vọng.
Giá trị nhập khẩu lúa mì và ngô của ba nước đạt 5,8 tỷ USD hằng năm (21 triệu tấn), tạo cơ hội để tăng sản lượng. Lúa mì và ngô tăng từ 16,5 triệu tấn lên khoảng 30 triệu tấn hằng năm, giá trị nhập khẩu thịt và cá lên tới 4,9 tỷ USD (1,8 triệu tấn).
Ba nước cũng có tiềm năng cao về sản xuất phân bón, ước tính đạt 7,6 triệu tấn mỗi năm, đây thực sự là một nền tảng quan trọng cho các dự án mở rộng sản xuất phân bón nhằm đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng đối với mặt hàng này.
Quan hệ đối tác công nghiệp cũng sẽ giúp tránh tình trạng thiếu lương thực, đạt được khả năng tự cung tự cấp và kích thích tăng trưởng kinh tế bền vững.
Các lệnh trừng phạt của Mỹ và phương Tây đối với Nga khi nổ ra cuộc xung đột ở Ukraine và việc các cảng biển của Ukraine bị phong tỏa đã ảnh hưởng đến nguồn cung lương thực trên toàn thế giới và gây ra cuộc khủng hoảng năng lượng và lương thực vô cùng lớn.
Tại Trung Đông, nơi nhiều quốc gia phụ thuộc vào việc nhập khẩu từ Nga và Ukraine các thực phẩm cơ bản, giá rau, trái cây, lúa mì và các mặt hàng thiết yếu đã tăng lên nhanh chóng.
Mặt bằng giá vốn đã cao do đại dịch Covid-19 gây ra sự gián đoạn lớn trong chuỗi cung ứng, nhưng hiện nay lạm phát đã tăng vọt do ảnh hưởng của cuộc khùng hoảng Nga-Ukraine.
Chương trình lương thực thế giới gần đây đã đưa ra cảnh báo rằng thế giới sẽ phải đối mặt với tình trạng thiếu lương thực trầm trọng trong nhiều tháng nếu các cảng biển của Ukraine vẫn bị phong tỏa, do hơn 20 triệu tấn ngũ cốc hiện đang nằm im không vận tải được.
Quan hệ đối tác công nghiệp cũng nhấn mạnh nhu cầu cải thiện an ninh lương thực trong tương lai, trong bối cảnh biến đổi khí hậu và các cuộc xung đột về nước có thể xảy ra. Việc hỗ trợ phát triển nông nghiệp và sản xuất lương thực sẽ có lợi cho cả ba quốc gia, đặc biệt trong việc khai thác các tiến bộ công nghệ như AgriTech và canh tác tiên tiến.
Công nhân thu gom lúa mì tại các hầm chứa ngũ cốc Benha, thuộc tỉnh Al Qalyubia, Ai Cập. (Nguồn: Reuters) |
Dược phẩm
Ai Cập, UAE và Jordan cùng có hơn 200 nhà máy sản xuất dược phẩm và xuất khẩu sang 90 quốc gia và vùng lãnh thổ với giá trị hơn 1 tỷ USD. Giá trị của thị trường dược phẩm ở những nước này ước tính khoảng 9 tỷ USD, với tốc độ tăng trưởng hằng năm là 7%.
Giá trị nhập khẩu của thị trường dược phẩm đạt 5 tỷ USD vào năm 2019. Mối quan hệ đối tác sẽ thúc đẩy đầu vào hóa chất của UAE, khả năng sản xuất cũng như tích trữ và phân phối.
Việc này cũng giúp Ai Cập tận dụng được các dự án lớn về sản xuất dược phẩm mà Ai Cập đã xây dựng ở Mena. Trong đó, ngoài việc tận dụng được quy mô thị trường rất lớn của Ai Cập, còn có thể sử dụng được một lượng lớn các bác sĩ, dược sĩ, kỹ sư và kỹ thuật viên lành nghề được đào tạo tốt. Jordan có chuyên môn cao về sản xuất phân tử nhỏ, có thể xuất khẩu sản phẩm của mình sang 90 thị trường.
Mối quan hệ đối tác giúp UAE hưởng lợi từ sự phát triển ngày càng cao trong lĩnh vực dược phẩm khi quốc gia này đã xuất khẩu thuốc sang 48 quốc gia.
Hàng dệt may
Giá trị nhập khẩu hàng dệt may của ba quốc gia này lên tới khoảng 9 tỷ USD mỗi năm, mang lại cơ hội đáng kể cho các dự án mới, đặc biệt là trong ngành polyester, vốn phải nhập khẩu lên tới hơn 600 triệu USD.
Ngành công nghiệp dệt may của ba nước hiện trị giá khoảng 5 tỷ USD, cung cấp nguyên liệu vải cho một số thương hiệu lớn trên toàn cầu.
Ai Cập có một ngành dệt may tương đối lớn với nhiều cơ sở sản xuất vải và may mặc, tận dụng chi phí lao động và sức cạnh tranh, hằng năm xuất khẩu tương đương 300.000 tấn vải và quần áo.
Jordan cũng có lĩnh vực may mặc thành phẩm định hướng xuất khẩu có sức cạnh tranh cao, được hưởng lợi từ nhiều hiệp định thương mại tự do với các quốc gia khác nhau, trong đó có Mỹ.
UAE có thể cung cấp nguyên liệu thô một cách cạnh tranh để hỗ trợ việc mở rộng quy mô sản xuất vải ở cả Ai Cập và Jordan.
Ngoài ra, UAE cũng sẵn sàng tiếp cận các thị trường lớn như Ấn Độ, quốc gia mới đây UAE đã ký Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện.
Công nhân tại xưởng dệt may quần áo Marie Louis ở thành phố Ramadan thứ 10, cách thủ đô Cairo, Ai Cập khoảng 60 km về phía Bắc. (Nguồn: AFP) |
Hóa dầu
Hóa dầu là một ngành cần thiết trong nhiều lĩnh vực khác nhau như nông nghiệp, thực phẩm, phân bón, dệt may và dược phẩm. Theo MoIAT, năm 2019, đóng góp của ngành công nghiệp hóa dầu vào GDP ở UAE, Ai Cập và Jordan đã vượt quá 16 tỷ USD.
Ba nước có khả năng tiếp cận nhiều nguồn năng lượng, đặc biệt là khí tự nhiên, ước tính khoảng 278 nghìn tỷ feet khối, bên cạnh năng lực cao trong lĩnh vực sản xuất hóa dầu và các chất dẫn xuất, ước tính khoảng 20 triệu tấn mỗi năm.
Điều này mở đường cho các dự án mở rộng trong lĩnh vực hóa dầu và các ngành sản xuất có thể vượt quá 21 tỷ USD.
Kim loại
Theo báo cáo của MoIAT, giá trị của thị trường sắt, nhôm, kim loại và thép ở ba quốc gia ước tính đạt 13 tỷ USD, với tốc độ tăng trưởng hằng năm là 2%. Ai Cập và Jordan có trữ lượng lớn silica chất lượng cao, được sử dụng trong nhiều ngành sản xuất, tạo nền tảng cho các ngành công nghiệp có giá trị cao.
UAE là một trong 5 nhà sản xuất nhôm lớn nhất thế giới, được hưởng lợi từ khả năng tiếp cận quặng bauxit, các nguồn năng lượng cạnh tranh và bền vững cũng như công nghệ tiên tiến.
Các dự án trong lĩnh vực kim loại (nhôm, sắt, silica và kali) có trị giá 23 tỷ USD đầy tiềm năng, do các nguyên liệu này được dùng để sản xuất các sản phẩm có giá trị cao như thủy tinh, dây điện, linh kiện xe hơi, tấm pin mặt trời và chip điện tử.