Biếm họa của tác giả Satish Acharya (báo Ấn Độ Daily Mail) |
Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo là đại diện cao cấp nhất của Mỹ tới thăm Ấn Độ kể từ khi Thủ tướng đương nhiệm nước này Narendra Modi tái đắc cử trong cuộc bầu cử quốc hội vừa rồi ở Ấn Độ.
Trước co cụm Ấn - Nga - Trung
Chuyến công du này của ông Pompeo quan trọng đối với Mỹ như thế nào có thể thấy được ở chỗ ông Pompeo đã huỷ bỏ dự định thăm một số nơi khác trong khuôn khổ chuyến công du nước ngoài lần này nhưng vẫn giữ lịch tới thăm Ấn Độ. Một trong những nguyên cớ có tác động rất quyết định là sự co cụm ngày càng thêm thực chất giữa Ấn Độ, Nga và Trung Quốc theo hướng ngày càng thêm bất lợi cho Mỹ.
Vừa mới đây, ông Modi, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Tổng thống Nga Vladimir Putin đã gặp nhau ở hội nghị cấp cao thường niên năm nay của Tổ chức Hợp tác Thượng Hải (SCO) diễn ra ở thủ đô Bishkek của Kyrgyzstan. Tới đây, bên lề hội nghị cấp cao thường niên G20 ở thành phố Osaka của Nhật Bản, ba người này vừa tổ chức cuộc gặp cấp cao tay ba lần thứ 3 giữa ba nước và lại vừa gặp nhau trong khuôn khổ một cuộc gặp của nhóm BRICS.
Trong khi đó, Mỹ lại đang găng với cả Nga lẫn Trung Quốc, phải ngăn cản Nga và Trung Quốc liên thủ với nhau và lại càng có nhu cầu cấp thiết không để Nga, Trung Quốc và Ấn Độ tăng cường co cụm và thể chế hoá sự co cụm này.
Tình trạng khá đặc biệt
Mối quan hệ giữa Mỹ và Ấn Độ hiện trong tình trạng khá đặc biệt. Hai bên "lòng vả cũng như lòng sung" ở chỗ vừa xung khắc lợi ích với nhau nhưng vừa có chung lợi ích chiến lược buộc phải hợp tác với nhau và đều chủ ý sử dụng lẫn nhau làm đối trọng cho quan hệ của từng bên với các đối tác quan trọng khác. Trong thực chất, cả hai đều phải tạo dựng và duy trì trạng thái cân bằng giữa làm găng với nhau và tranh thủ lẫn nhau.
Mỹ cần Ấn Độ để thực hiện ý tưởng về khu vực lớn Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, để cùng cạnh tranh chiến lược với Trung Quốc trên mọi phương diện. Chính sách "Hướng Đông" của Ấn Độ, sự ngần ngại và nghi ngại của Ấn Độ về kế hoạch “Một vành đai, một con đường” của Trung Quốc cũng như đối phó với những ý đồ và hành động của Trung Quốc ở khu vực Biển Đông đều rất trùng hợp với mong muốn và định hướng chiến lược của Mỹ.
Nhưng giữa Mỹ và Ấn Độ hiện có chuyện xung khắc thương mại khá quyết liệt. Không chỉ có như thế. Mỹ còn hậm hực việc Ấn Độ mua dầu lửa của Iran và Venezuela, tăng cường hợp tác về quân sự và quốc phòng với Nga. Mỹ rất lo ngại khi thấy Ấn Độ hùa vào việc kết bè kéo cánh với Trung Quốc và Nga. Do đó, Mỹ có nhu cầu thiết thực trong việc phân hoá Ấn Độ với Trung Quốc và Nga trong khi Ấn Độ có lợi nhiều khi sử dụng Mỹ làm đối trọng cho quan hệ của Ấn Độ với Trung Quốc và Nga.
Không dễ cân bằng
Đối với cả hai bên, việc cân bằng quan hệ này thật không hề dễ dàng. Về lý thuyết và trên danh nghĩa thì như thế rất hợp lý và thực dụng, lại còn thức thời và không hẳn không khả thi đối với cả hai bên. Nhưng trên thực tế thì việc gây dựng và duy trì thế cân bằng ấy lại rất khó bởi ba lý do sau đây.
Thứ nhất, vừa hợp tác vừa lợi dụng lẫn nhau, vừa tranh thủ vừa đối phó lẫn nhau như thế làm cho hai bên không thể gây dựng được sự tin cậy lẫn nhau cần thiết để mối quan hệ song phương này là mối quan hệ đối tác chiến lược thật sự. Quan hệ đối tác chiến lược với nhau mà vẫn còn như thế thì hình thức vẫn nhiều hơn thực chất, thì không thể được coi là thật sự bền vững, thì đâu có được hiệu quả thiết thực cao nhất.
Thứ hai, mối quan hệ giữa Mỹ và Ấn Độ bị chi phối rất quyết định bởi diễn biến tình hình nội bộ ở hai nước. Chỉ cần ở một trong hai nơi có sự thay đổi phe cánh chính trị cầm quyền thì cả thực chất lẫn chiều hướng phát triển của mối quan hệ song phương này bị ảnh hưởng ngay. Tương tự như vậy khi ở một trong hai nơi xảy ra những đột biến về chính trị xã hội nội bộ. Như thế, cả lợi ích chung đối với hai bên lẫn lợi ích riêng của từng bên ở mối quan hẹ song phương này đều có thể nhanh chóng và dễ dàng biến động.
Thứ ba, các đối tác bên ngoài khác, đặc biệt là Nga và Trung Quốc cũng như các nước ở khu vực xung quanh Ấn Độ, không để cho Mỹ và Ấn Độ được yên ổn trong tình trạng cân bằng quan hệ mà hai đối tác này muốn gây dựng và duy trì. Họ có lợi ích trong việc chia rẽ Mỹ và Ấn Độ cũng như tìm cách tận lợi triệt để từ sự cọ sát lợi ích và bất đồng quan điểm giữa Mỹ và Ấn Độ.
Bởi thế, quan hệ giữa Ấn Độ và Mỹ hiện tại cũng như cả trong tương lai sẽ không thể thật sự tốt đẹp nhưng cũng không tồi tệ, cả hợp tác lẫn xung khắc với nhau đều có mức độ và thế cân bằng quan hệ kia chỉ là tương đối và dễ bị đổ vỡ.
Dịch Dung